Robert Duggan - “Quái kiệt” giới đầu tư mạo hiểm

(ĐTTCO) - Tỷ phú người Mỹ Robert Duggan, cựu CEO Công ty Công nghệ dược phẩm Pharmacyclics và sở hữu cổ phần hàng loạt doanh nghiệp khác. Ông là trường hợp đặc biệt khi trở thành CEO công ty dược dù không có bằng cấp chứng nhận ngành y dược. Với tư duy đầu tư, Robert Duggan đã hồi sinh hàng loạt doanh nghiệp, đồng thời tạo khả năng sinh lời cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Robert Duggan - “Quái kiệt” giới đầu tư mạo hiểm
Định hình tư duy đầu tư khác biệt
Khởi đầu sự nghiệp vào năm 1975, Robert Duggan đã dùng 100.000USD đã tích cóp được để sở hữu 50% cổ phần và vị trí giám đốc Công ty sản xuất sản phẩm gia dụng Sunset Design. Ngay sau đó, ông tiến hành thay đổi bộ sản phẩm thêu tay Jiffy Stitchery do Sunset Design sản xuất. Điều này đã giúp công ty nhanh chóng thành công, sản phẩm xuất hiện tại 7.000 cửa hàng tạp hóa trên khắp nước Mỹ, chiếm đến 80% thị phần. Không lâu sau đó, Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Reckitt & Benckiser đã mua lại Sunset Design với giá 15 triệu USD, gấp 150 lần con số Robert Duggan đã đầu tư ban đầu. 
Sau thành công với Sunset Design, Robert Duggan cùng một số nhà đầu tư khác đầu tư Công ty sản xuất bánh ngọt Paradise Bakery. Ông được tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành hoạt động kinh doanh, thậm chí còn tham gia việc sáng chế công thức các loại bánh. Robert Duggan đã hợp tác cùng các thương hiệu lớn ở Mỹ như McDonald’s, KFC và công viên giải trí Disney World để phân phối Chocolate Chip Chipper. Đến năm 2007, Paradise Bakery lúc này đã có đến 70 cửa hàng trải rộng trên 10 bang của Mỹ. Sau đó, Robert Duggan quyết định bán 51% cổ phần của Paradise Bakery cho Công ty Panera Bread với trị giá 1,1 triệu USD.  
Sau 2 thương vụ đầu tư thành công, Robert Duggan đã thể hiện là một nhà đầu tư theo hướng mạo hiểm. Việc đầu tư mạo hiểm có xác suất thành công chỉ 50%, nhưng đem đến lợi nhuận cực kỳ khổng lồ. Một điểm khác biệt lớn của Robert Duggan so với những nhà đầu tư mạo hiểm khác, đó là ông tham gia sâu vào hoạt động điều hành và quản lý, lên ý tưởng phát triển và hoạch định chiến lược kinh doanh của công ty, nhằm giúp vốn đầu tư hoạt động hiệu quả nhất có thể.

Bước ngoặt sự nghiệp đầu tư
Năm 1990, Robert Duggan gây ấn tượng với hệ thống robot phẫu thuật Zeus của Computer Motion, công ty công nghệ do các tiến sĩ y khoa thuộc Trường đại học Santa Barbara thành lập. Ông đã quyết định đỡ đầu công ty nhỏ này, sau đó trở thành chủ tịch, nhà đầu tư lớn nhất của công ty. Hệ thống robot phẫu thuật Zeus là một hệ thống cánh tay robot hỗ trợ tim thở trong quá trình làm tiến hành phẫu thuật liên quan đến tim mạch. Với hệ thống Zeus, các bác sĩ đã tìm ra giải pháp tim đập nội soi, thực hiện phẫu thuật trong lúc tim đập liên tục và không cần đến máy trợ thở như trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống Zeus với thiết kế bao gồm bộ điều khiển chính với cánh tay robot mảnh và trang bị camera trên đầu cánh tay giúp các bác sĩ không cần mổ quá sâu vào tim. Thông qua camera gắn trên đầu cánh tay robot, các bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật tim bằng hình ảnh được truyền từ camera lên màn hình.
Năm 2002, Computer Motion đứng trước tình thế bất lợi khi hệ thống Zeus chỉ bán được 30 máy ở Mỹ, 15 máy ở châu Âu và 5 máy ở châu Á, trong khi con số này của hệ thống da Vinci của Công ty Intuitive Surgical là 50, 34 và 5. Robert Duggan bắt đầu kiện đối thủ Intuitive Surgical về vi phạm 9 bằng sáng chế. Tòa án cấp quận của Mỹ đã ra phán quyết Intuitive đã vi phạm bằng sáng chế của Computer Motion. Tưởng như phần thắng đã thuộc về Computer Motion, nhưng đến năm 2003 bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ đã ra phán quyết ngược lại, yêu cầu Computer Motion phải bồi thường cho Intuitive Surgical 4,4 triệu USD. Các vụ kiện tụng tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, ngày 7-3-2003, cả 2 công ty bất ngờ ra thông báo Intuitive Surgical mua lại Computer Motion với giá 68 triệu USD. Robert Duggan nhận thấy việc sáp nhập 2 công ty sẽ xóa bỏ những vấn đề về sở hữu trí tuệ, bắt đầu chia sẻ công nghệ để tạo nên giá trị lớn hơn trên thị trường. Ông đã tận dụng điểm yếu của cả 2 công ty để tiến hành đàm phán sáp nhập. 2 bên đi đến thỏa thuận cổ đông của Computer Motion sẽ nắm 32% tổng giá trị cổ phần tại công ty. Điều này đồng nghĩa với việc Robert Duggan trở thành nhà đầu tư lớn nhất của công ty mới. Sau khi sáp nhập, cổ phiếu của công ty mới có mức giá 14USD, nhưng chỉ 2 năm sau (năm 2005), cổ phiếu của công ty đã tăng đến 500USD nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. 

Thắng lớn nhờ “thần dược” Imbruvica
Tên tuổi của Robert Duggan được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 400 tỷ phú thành công nhất phải kể đến việc đầu tư mua lại Công ty Pharmacyclics. Cụ thể, năm 2004, Robert Duggan liều lĩnh mua 10% cổ phiếu của Pharmacyclics, một công ty công nghệ sinh học tại California, với giá 4USD. Tuy nhiên, cổ phiếu Pharmacyclics liên tục giảm mạnh, xuống 3USD vào năm 2007, và một thời gian ngắn sau còn 2USD/cổ phiếu. Đỉnh điểm, vào tháng 5-2008, cổ phiếu của Pharmacyclics giảm còn 1USD. Tuy nhiên, Robert Duggan vẫn mạnh tay đầu tư nâng sở hữu lên 17% cổ phần. Năm 2009, Robert Duggan tiếp tục mua thêm 13 triệu cổ phần của Pharmacyclics, nâng tổng giá trị đầu tư vào Pharmacyclics lên 50 triệu USD. 
Lý do Robert Duggan mạnh tay đầu tư mạo hiểm bởi ông nhận thấy tiềm năng cực lớn của loại thuốc ngăn ngừa các tế bào gây ung thư Pharmacyclics đang nghiên cứu. Imbruvica, loại thuốc Pharmacyclics đang trong quá trình nghiên cứu là một loại thuốc điều trị hiệu quả bệnh bạch cầu và có khả năng thu nhỏ khối u đến 58% ở các bệnh nhân gặp thất bại trong việc điều trị ung thư. Ngay sau những cuộc thử nghiệm thành công và thông tin về loại thuốc này được thông báo rộng rãi, ông lớn ngành dược phẩm Mỹ là Johnson&Johnson đã nhanh chóng ký một thỏa thuận trị giá 975 triệu USD để có được Imbruvica vào năm 2011. Chỉ sau cuộc nói chuyện qua điện thoại, giá trị cổ phiếu của công ty tăng mạnh, tài sản của Robert Duggan sau một đêm đã tăng thêm 1,4 tỷ USD. 
Câu chuyện tại Pharmacyclics vẫn chưa kết thúc. Năm 2013, Abbvie, một công ty con của tập đoàn Abbott lừng danh, đã đưa ra yêu cầu muốn sở hữu Imbruvica, để chống lại sự độc quyền của Johnson & Johnson. Đứng trước lời mời gọi này, Robert Duggan đã gửi lời đề nghị đến cả 2 công ty, tạo nên cuộc cạnh tranh nâng giá trị cổ phiếu Pharmacyclics. Kết quả, ngày 5-3-2015, Abbvie chính thức chi 21 tỷ USD mua lại tất cả cổ phiếu, với giá 261,5USD. Pharmacyclics có giá trị lên 5 tỷ USD sau thương vụ sáp nhập, và Robert Duggan thu được khoản lợi nhuận gấp 7 lần so với khoản đầu tư ban đầu, nâng tổng tài sản lên 3,4 tỷ USD.  
 Khi Robert Duggan bắt đầu đầu tư vào Pharmacylics, giá cổ phiếu của công ty chỉ ở mức 2-3USD/cổ phiếu. Sau gần 10 năm dẫn dắt công ty, ông đã mang lại lợi nhuận cực cao, nâng mức cổ phiếu Pharmacyclics lên 261,5USD.

Các tin khác