Qatar trả lời “tối hậu thư” của các nước láng giềng

(ĐTTCO) - Ngày 3-7, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani trao phản ứng chính thức của Doha đối với yêu sách của Ả Rập Xê Út, UAE, Bahrain và Ai Cập cho phía Kuwait, nước đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh.
Khách bộ hành đi bên bầy bồ câu ở chợ Souq Waqif, Qatar
Khách bộ hành đi bên bầy bồ câu ở chợ Souq Waqif, Qatar
Một quan chức giấu tên ở vùng Vịnh tiết lộ với AFP rằng ông Mohammed thực hiện sứ mệnh này trong chuyến thăm ngắn tới Kuwait. Hiện chưa có thông tin chi tiết về câu trả lời của Qatar.
Yêu sách 13 điểm được Ả Rập Xê Út, UAE, Bahrain và Ai Cập đưa ra cho Qatar hôm 22.6 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao ở khu vực.
Những đòi hỏi này bao gồm việc đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar và chấm dứt hoạt động của Đài Al-Jazeera và cắt giảm quan hệ với Iran - tất cả phải xong trong 10 ngày.
Tuy nhiên, điều kiện thứ 11 mới là “khó chìu” nhất: “Tự đứng vào hàng ngũ cả về chính trị, kinh tế và các mặt khác với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh”. Nói dễ hiểu, Qatar phải đi theo đường lối chính trị, quân sự, xã hội và kinh tế của các nước vùng Vịnh và Ả rập. Điều này chẳng khác gì bắt Qatar phải từ bỏ chính sách đối nội và đối ngoại riêng, tức từ bỏ chủ quyền quốc gia!
 Như vậy, đưa ra một loạt những điều kiện mà điều kiện nào cũng “khó chịu” và “khó chìu”, thậm chí là “bất khả thi”, các nước vùng Vịnh muốn gì? Có lẽ họ muốn Qatar không thể đáp ứng được các yêu cầu này, để có cớ cô lập Qatar một cách danh chính ngôn thuận hơn. Còn nếu Qatar đáp ứng, vậy càng tốt: từ nay họ sẽ có thêm một nước “chư hầu”.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi ngày 1-7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố nước này sẽ bác bỏ một loạt yêu cầu của các quốc gia Ả rập. “Tối hậu thư của các nước Ả rập và vùng Vịnh không nhằm mục đích giải quyết chủ nghĩa khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền của Qatar”, ngoại trưởng Qatar al-Thani phát biểu trước báo giới tại thủ đô Rome của Ý.

Hiện Mỹ vẫn đang hỗ trợ Kuwait trong các nỗ lực hòa giải nhằm giải giải quyết bất đồng giữa Qatar và các nước Ả rập. Cùng ngày 1-7, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo Qatar và Bahrain về căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng cần thiết phải thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Các tin khác