Phil Knight Khai sinh đế chế giày Nike

(ĐTTCO) - Nike, Adidas và Puma đang tạo thế chân kiềng chiếm lĩnh thị trường đồ dùng thể thao, đặc biệt là thị trường giày thể thao. Nhưng đằng sau vinh quang đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Phil Knight, người khai sinh đế chế giày Nike.
Phil Knight Khai sinh đế chế giày Nike
Khởi nghiệp từ phân phối giày thể thao Nhật Bản
Phil Knight sinh ra và lớn lên tại Portland, một thành phố ở miền Tây nước Mỹ. Phil tốt nghiệp cử nhân báo chí, sau đó đi nghĩa vụ 1 năm. Sau khi xuất ngũ, ông tiếp tục học thạc sĩ tại Đại học Stanford. Thuở thiếu niên, Phil có ước mơ được trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng thế giới. Ông đã được đại diện cho Trường Đại học Oregon đi thi đấu cho cả bang, nhưng không thành công. 
Năm 1962, Phil tốt nghiệp đại học và thực hiện 1 chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Quãng thời gian ở Nhật Bản đã ảnh hưởng mạnh đến triết lý sống và phong cách kinh doanh của Phil Knight sau này. Ông đã hợp tác với Công ty Onitsuka chuyên kinh doanh giày thể thao có tiếng tại Nhật Bản Tiger để trở thành đại lý phân phối tại Mỹ. Ông trở về nước với 40 đôi giày xếp sau thùng xe.
Năm 1964, Phil cùng Bill Bowerman, người thày dạy điền kinh tại Đại học Oregon trước đó của ông, mỗi người bỏ 500USD thành lập Công ty Blue Ribbon Sports (sau này trở thành Nike), mở văn phòng tại bờ Đông Wellesley, Massachusetts. Đơn hàng đầu tiên của công ty là 200 đôi giày Tiger. Sau đó ông rong ruổi khắp nơi bán những đôi Tiger Nhật chất sau thùng xe. Đến năm 1969, Phil đã thu về hơn 1 triệu USD cho hãng giày Tiger.
Tuy nhiên, đến năm 1971 Phil phát hiện Công ty Onitsuka đã “đâm sau lưng” khi bí mật đàm phán với một số nhà phân phối khác tại Mỹ. Ngay lập tức ông đã thực hiện một kế hoạch B, tự sản xuất đôi giày do chính mình thiết kế, đồng thời đổi tên Công ty Blue Ribbon Sports thành Nike, tên nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp. Những mẫu giày đầu tiên của Nike do Bowerman thiết kế nảy sinh từ ý tưởng làm bánh waffle (bánh quế, bánh tổ ong hay bánh kẹp) cho bữa sáng. Hình dáng của chiếc bánh giúp Bowerman nảy ra ý tưởng về đế giày có rãnh, giúp vận động viên bám chặt hơn trên đường chạy. Ý tưởng này khai sinh ra “Nike Waffle Trainer”.
Năm 1972, chuẩn bị cho Thế vận hội Olympics 1972 ở Munich, Phil tung ra mẫu giày Cortez đa dạng về màu sắc và lần đầu tiên gắn logo swoosh (có nghĩa là đôi cánh Thần Chiến thắng) của Nike, biến chúng trở thành một trong những mẫu giày sneaker có sức hấp dẫn cả về khía cạnh thời trang và chức năng. Mẫu giày đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các vận động viên Olympics, đem về doanh thu 2 triệu USD. Từ một hãng nhỏ Nike đã vươn lên và điền tên mình vào danh sách các công ty giày sneaker lớn nhất. 

Chiến lược quảng cáo thần kỳ
Nếu như Adidas là một thương hiệu tập trung về phát triển mẫu mã thiết kế giày thì ngược lại, Nike lại luôn chú trọng vào hiệu năng của một đôi giày. Phil Knight là vận động viên điền kinh nên ông nhất quán chiến lược phát triển xuyên suốt: đôi giày của Nike sẽ có chất lượng tốt nhất để giúp các vận động viên có được thành tích tốt nhất khi thi đấu. Nike luôn chú trọng đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đây chính là một trong những ưu điểm giúp thương hiệu luôn duy trì đẳng cấp, mạnh mẽ khẳng định ví trị của mình.
Năm 1980, Nike vượt qua Adidas trở thành công ty dẫn đầu về giày thể thao ở Mỹ.  Năm 1982, công ty trình làng mẫu Air Force - dòng đầu tiên của Nike có tính năng Nike Air với một túi khí ở gót chân, có thêm đệm và hỗ trợ cho những vận động viên bóng rổ. Mẫu này nhanh chóng trở thành một trong những đôi sneaker được ưa chuộng nhất mọi thời đại. Đến nay, hàng triệu đôi vẫn được tiêu thụ hàng năm.
Tuy nhiên, những năm sau đó, doanh số bán của Nike bắt đầu sa sút. Phil biết rằng công ty cần phải có sự đột phá lớn. Ông nhận thấy rằng dù Nike đang được bán cho những vận động viên hàng đầu, song phần lớn khách hàng là những người bình thường - nhiều người thậm chí không sử dụng giày Nike cho mục đích thể thao. Do đó, năm 1984, Nike ký hợp đồng với Michael Jordan, lúc ấy là vận động viên trẻ của đội Chicago Bulls, để quảng cáo loại giày bóng rổ mang tên Air Jordan.
Hợp đồng thời hạn 5 năm với trị giá 500.000USD/năm, một con số rất cao thời điểm đó. Khi Michael Jordan trở thành thần tượng của giới trẻ Mỹ, giày Air Jordan cũng trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục của thanh thiếu niên Mỹ. Air Jordan xuất hiện trong các cửa hàng với giá 65USD/đôi vào tháng 3-1985, và đến tháng 5 doanh số bán mẫu giày này đạt 70 triệu USD, đưa doanh thu cả năm của mẫu giày này lên trên 100 triệu USD.
Đến nay, Jordan là vận động viên có hợp đồng quảng cáo lớn nhất của Nike. Đây trở thành bản hợp đồng có giá trị nhất trong làng sneaker khi đã mang về cho Nike một lợi nhuận khổng lồ. Doanh thu của công ty tăng từ 28,7 triệu USD năm 1972 lên 867 triệu USD năm 1983. 
Đến năm 1984, doanh số bán hàng xuống thấp, Nike buộc phải giãn thợ và sa thải nhân viên. Phil phải tạo ra sự thay đổi to lớn để cứu thương hiệu. Ông chấp nhận tăng lương tối thiểu cho công nhân, cải thiện quy phạm lao động và đảm bảo các nhà xưởng luôn có không khí trong lành. Phil thay đổi Nike từ tập trung nghiên cứu, bán sản phẩm sang đẩy mạnh tiếp thị. 
Ông khẳng định chuyện sống còn của Nike là phải tìm cho được những khuôn mặt nổi tiếng, các siêu sao mới để cập nhật gu thần tượng của thời đại. Phil sẵn sàng chọn làm đại diện thương hiệu cả với các tên tuổi vận động viên nổi loạn nhưng tài năng của Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) như Dennis Rodman, James LeBron. Rồi một số vận động viên nhiều tai tiếng trong những môn thi đấu đỉnh cao như trong quần vợt John McEnroe, Andre Agassi, hay trên sân golf như Tiger Woods, Charles Barkley... cũng đứng vào hàng ngũ đại sứ cho cuộc cách mạng kinh doanh. 
Những cái tên không ai ngờ ấy cuối cùng đã làm nên thành công vang dội của Nike. Năm 2003, Phil dành danh hiệu "Nhà quảng cáo của năm" ở tuần lễ quảng cáo Cannes Lions. Kết thúc năm tài chính 2004, lợi nhuận của Nike tăng hơn năm trước 27%. Tạp chí Sports Illustrated gọi ông là “Người quyền lực nhất ở các sân vận động”. Hiện Nike đang kiểm soát 62% thị phần giày thể thao tại Mỹ với doanh thu hàng năm đạt 30 tỷ USD.
 Vào tháng 2-2021, Phil Knight được tạp chí Forbes xếp hạng 24 trong số những người giàu nhất trên thế giới, với khối tài sản trị giá 53 tỷ USD. Ông hiện cũng đang là chủ sở hữu của công ty sản xuất phim hoạt hình Laika.

Các tin khác