Người đứng sau thành công Zara

(ĐTTCO) - CEO Pablo Isla của Tập đoàn Inditex từng được Tạp chí Business Havard Review của Đại học Havard bình chọn CEO tài năng nhất 2 năm liên tiếp (2017 và 2018) với chiến lược phát triển và phổ biến hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Zara, Massimo Dutti, Pull&Bear…

Củng cố nền tảng
Sau khi mở rộng kinh doanh đến nhiều khu vực trên thế giới, ông chủ Tập đoàn Inditex, tỷ phú Amancio Ortega, cần tìm kiếm phụ tá có sức ảnh hưởng và khả năng phản ứng nhanh trước những thay đổi của môi trường kinh doanh. Pablo Isla với hồ sơ ấn tượng tại các cơ quan tổ chức uy tín tại Tây Ban Nha, như Giám đốc các vấn đề Pháp lý tại Ngân hàng Banco Popular Espanol, Quản lý cấp cao Kho bạc nhà nước Tây Ban Nha… đã lọt vào mắt xanh. Năm 2005, Pablo Isla chính thức được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Inditex.
Người đứng sau thành công Zara ảnh 1  CEO Pablo Isla.
Thời điểm Pablo Isla trở thành lãnh đạo Inditex, tập đoàn đang sở hữu hơn 1.000 cửa hàng của các thương hiệu khác nhau. Việc điều hành tập đoàn khổng lồ với chuỗi cửa hàng tại nhiều quốc gia thật sự là thử thách không hề nhỏ. Pablo Isla đã thành công với “nước cờ” hợp lý trong chính sách phát triển, bằng việc kết hợp giữa kênh bán hàng truyền thống tại các cửa hàng sang trọng và kênh bán hàng online, giúp các thương hiệu của Inditex giữ được doanh thu ổn định trong giai đoạn thị trường chuyển giao và cạnh tranh mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cam kết phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường trong ngành may mặc của Inditex, đã giúp hình ảnh của các thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng hơn.
Để mở rộng và phát triển, Pablo Isla đã xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát các chuỗi cửa hàng ở nhiều khu vực trên thế giới. Hệ thống quản lý này tạo nên giá trị chung cho tất cả chuỗi cửa hàng và các thương hiệu của Inditex theo quy chuẩn chung, được gọi là “tam giác thông tin”, bao gồm bộ phận kinh doanh, bộ phận nghiên cứu xu hướng thời trang (DT) và nhóm các cửa hàng trưởng.
Theo đó, các cửa hàng trưởng sẽ tổng kết và thống kê số liệu, doanh thu và liệt kê các sản phẩm bán chạy trong ngày, gửi đến bộ phận kinh doanh và bộ phận DT. 2 đơn vị này sẽ phân tích các số liệu và xu hướng mua sắm của khách hàng, gửi về trụ sở chính của Inditex tại Tây Ban Nha và được bộ phận thiết kế chính tiếp tục sáng tạo các bộ sưu tập mới. Các số liệu này cũng được gửi về các cửa hàng trưởng và đề xuất trưng bày các mẫu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tam giác thông tin này giúp các cửa hàng bám sát nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn, bắt kịp xu hướng thị trường.
Người đứng sau thành công Zara ảnh 2
CEO Pablo Isla còn tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm chặt chẽ để đảm bảo chất lượng của tất cả sản phẩm từ xưởng sản xuất đến các cửa hàng. Trong đó, tất cả sản phẩm đều phải gửi ngược về cho bộ phận kiểm tra chất lượng tại Tây Ban Nha, trước khi được trưng bày tại các cửa hàng. Thậm chí, các xưởng sản xuất tại khu vực châu Á phải gửi sản phẩm trở lại Tây Ban Nha, sau đó mới xuất trở lại các cửa hàng châu Á. 
Khác với các thương hiệu thời trang nổi tiếng khác, Inditex không chủ trương thực hiện các chiến dịch quảng cáo rầm rộ với các minh tinh hay ngôi sao màn bạc. Thay vào đó, CEO Pablo Isla đề ra chiến lược tiếp cận trực diện khách hàng. Ông luôn tìm kiếm vị trí đắc địa tại các trung tâm thương mại lớn trên những con phố sầm uất ở trung tâm các đô thị lớn trên thế giới.

Tiệm cận xu hướng TMĐT
Có nhiều nhận định cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của Zara nói riêng và các thương hiệu của Inditex nói chung, nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008. Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, bắt đầu tìm kiếm những thương hiệu thời trang có mức giá phù hợp hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tính thời trang. Zara và các thương hiệu khác của Inditex là một trong những lựa chọn tốt nhất trên thị trường lúc bấy giờ. CEO Pablo Isla đã sử dụng những chiến lược hợp lý để giữ vững phong độ của tập đoàn Inditex, cũng như mang đến cho thị trường những sự thay thế phù hợp cho người tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn về kinh tế bao trùm các mặt của đời sống. 
Bước sang những năm đầu thập niên 2010, ứng dụng internet và điện thoại thông minh ngày càng được phổ biến rộng rãi. Các nhà bán lẻ hàng đầu như eBay và Amazon được xem như những người tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) thời điểm nay. Nhận thấy xu hướng mới sẽ tạo những bước ngoặt mới trong thói quen tiêu dùng trên thị trường, CEO Pablo Isla đã đề xuất những giải pháp giúp Inditex thích nghi những thay đổi mới, tạo nên sự ổn định để tiếp tục phát triển. 
Việc phát triển kênh TMĐT sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí so với việc vận hành một cửa hàng, như thuê nhân viên, thuê mướn mặt bằng, phí xuất nhập khẩu, phí vận chuyển… Trong thời đại kỷ nguyên số, kết nối với nhau thông qua internet, chiến lược phát triển kênh TMĐT của CEO Pablo Isla được xem là chiến lược hiệu quả. Người tiêu dùng có thể ngồi tại nhà và “shopping” ngay trên máy vi tính hay các thiết bị di động có kết nối internet, giúp tiếp cận cả khách hàng ở những khu vực chưa thể vươn đến.
Bằng việc thu thập số liệu về doanh thu trên kênh TMĐT, Inditex có thể đưa ra các chiến lược phát triển, như xem xét mở cửa hàng mới tại thị trường có nhu cầu. Sau hơn 5 năm phát triển, kênh TMĐT đã tạo ra doanh thu ổn định hơn 2,5 tỷ EUR mỗi năm, đóng góp 10% doanh thu chung của tập đoàn. Kênh TMĐT còn kết nối với hàng triệu khách hàng trên toàn cầu, giúp phát triển chuỗi các cửa hàng của Inditex lên đến gần 8.000 cửa hàng tại nhiều khu vực và nhiều thị trường mới. 

Truyền cảm hứng cho thế hệ tài năng
Thành công Inditex có được trong những năm lãnh đạo của Pablo Isla đến từ phong cách làm việc cởi mở và kết nối của ông. Khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên được thu hẹp, tất cả trở nên hòa đồng và khiêm tốn hơn trong tập thể. CEO Pablo Isla đề cao nguồn nhân lực chất lượng cao, xem họ là nguồn sống và là sự phát triển của tập đoàn. Vai trò của CEO là cần phải tạo động lực, truyền cảm hứng và định hướng sự phát triển cho nhân viên của mình. 
Đối với các cửa hàng ở các quốc gia khác nhau, ông tin tưởng trao quyền cho các thuộc cấp của mình tại các khu vực đó để họ có thể tự do phát triển và tạo dựng văn hóa riêng ở từng khu vực. Điển hình như nhân viên tại các cửa hàng Zara ở Nhật Bản được cho phép thực hiện cuộc họp nhỏ trước giờ làm để định hướng những việc phải làm trong ngày. Năm 2010, Pablo Isla đưa ra tầm nhìn phát triển cho Inditex trong vòng 10 năm, trong đó năm 2020 tất cả cửa hàng thuộc Inditex đều phải có kênh TMĐT riêng. Tầm nhìn chiến lược TMĐT này giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm không cần phải đến cửa hàng.   
 Tập đoàn Inditex, công ty mẹ của hàng loạt thương hiệu thời trang nhanh hay thời trang mì ăn liền (fast-fashion) nổi tiếng như Zara, Massimo Dutti, Pull&Bear. Tuy nhiên, để có được sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt thương hiệu như ngày nay, phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của CEO Pablo Isla.

Các tin khác