Mukesh Ambani - Tỷ phú những dự án khủng

(ĐTTCO) - Theo Forbes, tỷ phú Mukesh Ambani, 62 tuổi, có khối tài sản hơn 54 tỷ USD. Ông hiện đang giữ kỷ lục người giàu nhất Ấn Độ trong 11 năm liên tục và giữa năm 2018 đã vượt Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba, trở thành người giàu nhất châu Á.
Ambani, nổi tiếng là người đứng sau hàng loạt dự án khủng, như xây dựng tổ hợp khai khoáng lớn nhất thế giới ở Jamnagar, sở hữu mạng lưới dữ liệu di động rộng khắp toàn cầu cũng như công ty bán lẻ lớn nhất, lợi nhuận tốt nhất tại Ấn Độ.

Người kế nghiệp xuất sắc
Những thành quả Mukesh có được hiện nay là cả chuỗi ngày dài cố gắng và nỗ lực của 2 thế hệ. Người đứng sau thành công là người cha Dhirubhai Ambani, đã tạo những viên gạch đầu tiên cho gia tộc Ambani giàu có, để lại khối tài sản thừa kế khổng lồ. 
Ông Dhirubhai khởi nghiệp bằng nghề kế toán, rồi tự thành lập công ty riêng để kinh doanh gia vị và sợi. Năm 1966, Dhirubhai mở xưởng dệt may nhỏ Reliance với vẻn vẹn 50.000 rupee. Sau một thời gian, ông bắt đầu chuyển sang hóa dầu, buôn bán khí đốt, sản xuất năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối các mặt hàng cơ sở hạ tầng và cả nông sản… Với sự táo bạo, quyết đoán và tầm nhìn tuyệt vời, ông Dhirubhai đã phát triển Reliance thành đế chế dệt may lớn nhất Ấn Độ thông qua con đường xuất khẩu. 
Mukesh Ambani - Tỷ phú những dự án khủng ảnh 1
Dù có sự hậu thuẫn hùng mạnh của người cha, nhưng Mukesh và người em trai Anil trải qua tuổi niên thiếu rất bình dị. Hàng ngày 2 anh em vẫn đến trường bằng xe bus hoặc tàu hỏa, khổ luyện trong ngành kỹ sư hóa tại trường đại học danh giá trong nước. Sau đó, Mukesh đi du học theo ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford, Mỹ. Tốt nghiệp chương trình MBA, Mukesh trở về làm việc cho công ty của gia đình, dần tiếp nhận công việc kinh doanh và được dự đoán trở thành Thái tử kế nhiệm đế chế Reliance khi mới 20 tuổi.
Mukesh Ambani nổi tiếng với tài quản trị các dự án quy mô lớn và có vai trò quan trọng trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của công ty. Ông là người đưa Reliance vào lĩnh vực tinh chế hóa dầu những năm 90, sau đó mở rộng thêm vào lĩnh vực bán lẻ và giành quyền thống trị lĩnh vực viễn thông Ấn Độ những năm 2000.
Ông cũng giữ vị trí rất quan trọng trong việc phát triển dự án sản xuất tại Pataganga, sau đó là khu tổ hợp lọc dầu lớn nhất thế giới tại Jamnagar ở bờ biển phía Tây của Ấn Độ. Đến nay, nguồn lợi nhuận khổng lồ thu về từ khu tổ hợp tinh chế dầu Jamnagar, với tổng vốn đầu tư lên đến 24 tỷ USD, là một trong những chìa khóa đưa Reliance lọt top những doanh nghiệp giá trị nhất toàn cầu. 

Cách mạng viễn thông và hạ tầng đô thị
Năm 2002 tỷ phú Dhirubhai đột quỵ ở tuổi 70 không để lại di chúc, đã làm xảy ra chấp tài sản giữa 2 anh em Mukesh và Anil. Vụ việc kéo dài 3 năm, khiến người mẹ Kokilaben Ambani phải can thiệp bằng thỏa thuận chia đôi công ty. Ông Mukesh nắm quyền tại các mảng kinh doanh dầu mỏ, khí gas, hóa dầu và khai khoáng, trong khi người em trai Anil điều hành mảng xây dựng, sản xuất điện, viễn thông, tài chính, giải trí.
Nhưng ngay trong năm 2005, giá dầu thô tăng lên 60USD/thùng, khiến lợi nhuận của mảng lọc dầu sụt giảm đáng kể. Tình hình bết bát cho đến năm 2010, Mukesh quyết định chuyển hướng, đặt cược 35 tỷ USD vào Công ty Reliance Jio Infocomm để phát triển hệ thống mạng 4G tốc độ cao. Đây là khoản đầu tư tư nhân lớn nhất Ấn Độ, với mục tiêu chiếm lĩnh vị trí thống trị tại thị trường viễn thông lớn thứ hai thế giới. 
Jio của Reliance làm rung chuyển ngành công nghiệp viễn thông Ấn Độ bằng các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu giá rẻ. Sự xuất hiện của Jio đã tạo ra cuộc cách mạng trong công nghiệp viễn thông, khi lần đầu tiên hàng triệu người Ấn Độ có thể truy cập internet để đăng ký các dịch vụ thanh toán, tải xuống sách giáo khoa, hoặc đơn giản xem các trận cricket. Đến tháng 9-2016, hãng viễn thông Reliance Jio đã có trên 252 triệu người dùng và kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ. Năm 2018, lợi nhuận ròng của công ty chạm ngưỡng 415 triệu USD, tăng 310% so với năm 2017. Mạng xã hội Reliance Infocomm thành một trong những mạng thông tin nhiều người đọc nhất toàn cầu.
Ngoài ra, Mukesh đang cố gắng tận dụng hệ thống bán lẻ và viễn thông của mình để khai thác thị trường mua sắm trực tuyến tại Ấn Độ. Theo ước tính của Morgan Stanley, thị trường này sẽ tăng trưởng 600% lên 200 tỷ USD trong 10 năm tới.
Walmart đã phải thực hiện thương vụ thương mại điện tử lớn nhất thế giới của mình qua việc mua 77% cổ phần của nhà bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ Flipkart với giá 16 tỷ USD. Google cũng cho biết đang tăng cường đội ngũ tại Ấn Độ, trong khi Netflix - dịch vụ xem video trực tuyến của Mỹ - cho biết họ hy vọng có thêm 100 triệu khách hàng từ quốc gia này.
Không dừng ở đó, tỷ phú giàu nhất châu Á đang ôm mộng thay đổi bộ mặt của hạ tầng đô thị Ấn Độ, với kế hoạch xây dựng một siêu thành phố ở ngoại ô thủ đô Mumbai, phát triển theo hướng của Singapore như có sân bay, cảng, kết nối với biển. Khi hoàn thành, thành phố này sẽ là nơi sinh sống làm việc của hơn nửa triệu người dân.
Đại dự án kỳ vọng thu hút doanh nghiệp và các tập đoàn trên khắp thế giới, 75 tỷ USD đầu tư trong 10 năm tới. nhiều chuyên gia nhận định dự án này sẽ mở ra chương mới cho Ấn Độ, có thể làm thay đổi toàn bộ bức tranh hạ tầng đô thị của đất nước đông dân thứ 2 thế giới.

Cuộc sống xa hoa
Hiện gia đình Ambani sinh sống tại Mumbai trong tòa nhà chọc trời cao 27 tầng, sang trọng, với ước tính chi phí xây dựng 1 tỷ USD, mang tên Antilia. Tư dinh này đang giữ kỷ lục ngôi nhà đắt nhất thế giới. Tòa nhà bao gồm bể bơi, phòng sự kiện, một khu vườn trải rộng khắp 3 tầng, 3 khu đỗ trực thăng và có thể trụ vững trước động đất 8 độ richter, với khoảng 600 nhân viên phục vụ.
Đáng chú ý, Mukesh Ambani đã dành 6 tầng cho bộ sưu tập siêu xe 168 chiếc gồm toàn thương hiệu hàng đầu thế giới: Mercedes, Bentley, Roll Royces, Aston Martin… Thậm chí tòa nhà còn có trạm dịch vụ xe hơi riêng trên tầng 7. Bên trong Antilia có ngôi đền khổng lồ theo truyền thống của người Ấn Độ. Ngoài ra, còn có phòng băng được làm mát bằng những bụi tuyết nhân tạo, giúp chủ nhân có thể tránh cái nóng của mùa hè Ấn Độ.
Đầu năm 2019, Mukesh đã tổ chức lễ cưới hoa lệ cho con trai được đánh giá ngang tầm với lễ cưới của Hoàng gia Anh. Ước tính Mukesh đã chi 115 triệu USD cho ngày trọng đại này, số tiền này thậm chí còn lớn hơn mức chi phí Hoàng gia Anh từng sử dụng vào đám cưới của Thái tử Charles. Sở dĩ hôn lễ tốn kém bởi những khoản như thuê máy bay chở khách, tổ chức tiệc tùng và bao trọn đồ ăn thức uống suốt 4 ngày liên tiếp cho 5.100 người dân tại vùng Udaipur.
Chưa dừng lại ở đó, hôn lễ của Isha Ambani còn gây chú ý mạnh mẽ bởi danh sách khách mời, với sự góp mặt của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Hoa hậu Thế giới 2000 Priyanka Chopra, nam ca sĩ Nick Jonas và vợ Priyanka Chopra... Ngôi sao nổi tiếng Beyonce cũng được mời biểu diễn.   
Trong sự nghiệp nổi bật của mình, Mukesh đã nhận được nhiều giải thưởng: Doanh nhân Ernst & Young của năm 2010; Giải thưởng Truyền thông Thế giới năm 2004; Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp năm 2010; Giám đốc điều hành toàn cầu hoạt động tốt nhất năm 2010; Nhà lãnh đạo Doanh nghiệp Thiên niên kỷ của Ấn Độ năm 2013…

Các tin khác