Maryllin Hewson “Nữ thần chiến tranh” nước Mỹ

(ĐTTCO) - Ít ai biết rằng, Lockheed Martin, tập đoàn sản xuất vũ khí quốc phòng hàng đầu thế giới, nhà cung ứng các phương tiện chiến tranh cho Bộ Quốc phòng Mỹ được dẫn dắt và điều hành bởi một phụ nữ.
Lockheed Martin cung các phiên bản trực thăng Marine One.
Lockheed Martin cung các phiên bản trực thăng Marine One.
Kể từ khi điều hành vào năm 2013, nữ Chủ tịch Marillyn Adams Hewson không chỉ giúp vốn hóa thị trường của tập đoàn tăng gấp đôi, mà còn trở thành “trợ thủ” đắc lực cho hàng loạt chính sách an ninh quốc phòng của Mỹ trên toàn cầu.

Ứng biến trước thử thách
Để hiểu rõ hơn tầm quan trọng của bà Marillyn Hewson tại Lockheed Martin, phải kể đến dự án VH-71 với chính phủ Mỹ đã kéo dài suốt gần 20 năm. Sau sự kiện 11-9-2001, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra hàng loạt yêu cầu mới để đảm bảo an ninh quốc gia. Một trong những yêu cầu đó là nâng cấp toàn bộ phi đội trực thăng Marine One chuyên chở các “ông chủ Nhà Trắng” lên mức an toàn tuyệt đối.
Lầu Năm Góc đặt tên dự án này là VH-71 và cho phép các tập đoàn sản xuất các phương tiện vũ trang tham gia đấu thầu như Boeing, Lockheed Martin, General Eletric-Aviation, Sikorsky (nhà cung cấp các phiên bản trực thăng Marine One trước đây cho Bộ Quốc phòng Mỹ)… Sau khi loại bỏ hàng loạt các đối thủ “sừng sỏ”, dự án VH-71 chính thức thuộc về Lockheed Martin vào năm 2005.
Maryllin Hewson “Nữ thần chiến tranh” nước Mỹ ảnh 1
Tuy nhiên điều này dẫn đến việc Lockheed Martin phải vật lộn để đáp ứng những yêu cầu cực kỳ khắt khe như nâng cấp chiếc Marine One phiên bản cũ do Công ty trực thăng Sikorsky đã sản xuất trước đây, trở thành một phiên bản trực thăng Marine One có đầy đủ các tính năng tân tiến không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên chở,mà còn phải bảo vệ được tổng thống. 
Điều này cũng đồng nghĩa với việc hợp đồng sản xuất chiếc trực thăng bắt đầu đội giá, từ 1,7 tỷ USD cho 28 chiếc trực thăng đời mới khi ký hợp đồng vào năm 2005 lên đến 13 tỷ USD cho 28 chiếc trực thăng VH-71 vào năm 2009. Mức chi phí cao đã khiến chính phủ Tổng thống Barack Obama bất ngờ tuyên bố tạm ngừng quá trình sản xuất các mẫu trực thăng này, dù hãng đã sản xuất được 9 chiếc VH-71 tân tiến nhất.
Quyết định này đã khiến bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất VH-71 của Lockheed Martin điêu đứng. Ngay sau đó, Lockheed Martin đã bổ nhiệm bà Marillyn Hewson trở thành kỹ sư trưởng dự án với mục tiêu theo đuổi đến cùng dự án VH-71 với chính phủ Mỹ. 
Sau đó, tháng 4-2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt vấn đề nối lại dự án thay mới phi đội trực thăng Marine One phục vụ tổng thống, với tên gọi chương trình VXX và cho phép các tập đoàn tham gia đấu thầu. Nhận thấy công ty sản xuất máy bay trực thăng Sikorsky đã vượt qua các tập đoàn khác để trúng gói thầu dự án VXX mới nhất của Bộ Quốc phòng, bà Marillyn Hewson đã nhanh chóng thúc đẩy hợp tác giữa Lockheed Martin với Sikorsky, dù cả 2 là đối thủ trong dự VH-71 lần trước.
Đối với Lockheed Martin, Sikorsky chính là cách để tập đoàn này tiếp tục theo đuổi dự án VXX cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính. Ngược lại, Sikorsky rất cần đến những công nghệ tiên tiến của Lockheed Martin trong các trang thiết bị và phương tiện quân sự. Tuy nhiên, bà Maryllin Hewson còn nhắm đến một mục tiêu khác lớn hơn, đó là sở hữu hoàn toàn cổ phần của Công ty Sikorsky vốn đã có hơn 50 năm kinh nghiệm chuyên sản xuất trực thăng cho các “ông chủ của Nhà Trắng”. 

Chiến lược thâu tóm
Khi dự án thâu tóm Sikorsky vẫn còn nằm trên giấy, bà Maryllin Hewson bất ngờ được bổ nhiệm trở thành tân CEO mới của Lockheed Martin, thay thế cựu CEO Christopher E. Kubasik, bị cách chức vì những mối quan hệ bất chính với đồng nghiệp cấp dưới. Quyết định lựa chọn bà Marillyn Hewson trở thành CEO mới và là chủ tịch của Lockheed Martin đã tạo ra nhiều bất ngờ. Lần đầu tiên trong lịch sử, một người phụ nữ trở thành lãnh đạo quyền lực nhất của một tập đoàn sản xuất vũ khí chiến tranh hàng đầu thế giới Lockheed Martin. Việc nắm giữ chức vụ CEO sẽ giúp bà tiếp tục những công việc còn dang dở như kế hoạch mua lại Công ty Sikorsky, thúc đẩy dự án sản xuất máy bay trực thăng VXX. 
Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng Lockheed Martin mua lại Sikorsky là một quyết định sai lầm, bởi nhu cầu về trực thăng thương mại và trực thăng quân sự đang giảm dần vì giá dầu giảm trong những năm cuối nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Barack Obama.
Tại một số quốc gia có ngành khai thác dầu khí, trực thăng là phương tiện phổ biến nhất để vận chuyển các công nhân dầu khí từ đất liền đến các giàn khoan dầu ngoài khơi, giá dầu giảm cũng làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng máy bay trực thăng để vận tải giàn khoan ngoài khơi. Tuy nhiên, mục tiêu bà Maryllin Hewson hướng đến chính là dự án VXX vẫn còn đang dang dở mà Sikorsky đang sở hữu, cũng như hàng loạt công nghệ quan trọng mà công ty này hiện có. 
Chỉ 1 năm sau khi được bổ nhiệm vị trí CEO, bà Maryllin Hewson đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục mua lại công ty sản xuất máy bay trực thăng Sikorsky đúng như kế hoạch vào năm 2015 với giá 9 tỷ USD. Năm 2017, công ty này đã thu về được doanh thu 51 tỷ USD, trong đó gần 70% trong số đó đến từ chính phủ Mỹ.

Hoạch định chiến lược dài hạn
Với vai trò là chủ tịch của một tập đoàn sản xuất phương tiện chiến tranh hàng đầu nước Mỹ, bà đã có cơ hội được mời đến buổi tiệc thân mật của tân Tổng thống Donald Trump tại “tư dinh” Trump Tower một tháng trước khi ông chính thức đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc gia. Chính trong buổi tiệc này, bà Maryllin Hewson đã có đàm phán không chính thức về quyết định chi tiêu mạnh tay hơn cho ngân sách quốc phòng trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump. 
Những toan tính của bà Maryllin Hewson không chỉ dừng lại ở dự án VXX, bà Maryllin Hewson là CEO có khả năng hoạch định chiến lược dài hạn cực kỳ khôn ngoan, vì Lockheed Martin là tập đoàn sản xuất các phương tiện, vũ khí quân sự cần có sự đầu tư và nghiên cứu rất kỳ công, nên đòi hỏi các nhà lãnh đạo của tập đoàn phải tìm được khoản kinh phí khổng lồ để tập đoàn có thể vận hành trong thời gian dài từ 10-20 năm. Vì thế, yêu cầu nâng mức chi tiêu quốc phòng bà Maryllin Hewson đưa ra không chỉ giúp Lockheed Martin giải quyết dự án VXX, mà có thể tiếp tục hoàn thành dự án chiến đấu cơ F-35 cực kỳ đồ sộ tập đoàn đang sở hữu từ năm 2001 với tổng giá trị lên đến 406,1 tỷ USD, với số lượng hơn 2.000 chiếc của Bộ Quốc phòng và dự định bàn giao trong năm 2020. 
Kết quả của cuộc đàm phán hoàn toàn không được tập đoàn tiết lộ vào thời điểm đó, nhưng chỉ vài năm sau lần gặp gỡ này, chi tiêu cho ngân sách quốc phòng của chính phủ Mỹ bất ngờ tăng mạnh từ 682,69 tỷ USD vào năm 2018 lên đến 718,69 tỷ USD năm 2019. Đây được xem là chiến thắng quan trọng nhất trong suốt những năm bà Maryllin Hewson lãnh đạo Lockheed Martin, vì mức chi tiêu khổng lồ không chỉ giúp tập đoàn có thể tiếp tục thúc đẩy dự án VXX mà dự án F-35 cũng được nối lại sản xuất trong thời gian dài và bàn giao đúng thời hạn. 

Các tin khác