Kích vẫn khó nhích

Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố cắt giảm lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 11-2014. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh, hòng cứu nền kinh tế đang trì trệ.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố cắt giảm lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 11-2014. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực kích thích kinh tế của Bắc Kinh, hòng cứu nền kinh tế đang trì trệ.

Theo đó, lãi suất cơ bản được giảm 0,25%, xuống còn 4,35%/năm. Ngoài ra, PBOC cũng lần thứ tư giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Chính phủ cũng giảm áp lực đối với người tiêu dùng, bằng cách bỏ mức trần lãi suất đối với tiền gửi. Các nhà chức trách tin rằng những động thái mới nhất có thể giúp tăng thu nhập của người dân.

 Đây là một phần trong chuỗi các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tự do hóa hệ thống ngân hàng và giúp nó trở nên hiệu quả hơn. Nó cũng phản ánh những khó khăn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp phải. Theo dữ liệu chính thức được công bố đầu tuần trước, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chỉ tăng 6,9% trong quý III, mức tăng theo quý yếu ớt nhất kể từ năm 2009 - khi đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Lạm phát cũng ở mức thấp. Như các nước châu Âu và Nhật Bản, Trung Quốc hiện phải đối mặt với vấn đề giải lạm phát trong giá sản xuất và sự gia tăng yếu ớt đối với giá tiêu dùng. Tình hình này có thể khiến các công ty buộc phải cắt giảm đầu tư, trong khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, khiến nền kinh tế đã trì trệ càng trì trệ hơn. Dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn xa mới đi đến bờ vực, nhưng dựa vào diễn biến những tháng gần đây, giới quan sát cho rằng các vấn đề ngày càng tích tụ lớn.

Nếu không có thêm các biện pháp kích thích, có thể nền kinh tế sẽ lâm nguy. “Những động thái mới nhất chứng minh những quan ngại rằng các biện pháp từ trước đó có hiệu quả rất hạn chế trong việc kích thích tăng trưởng. Vì vậy, cần có thêm nhiều biện pháp mới mạnh mẽ hơn trong các tháng tới” - theo Eswar Prasad, giáo sư ngành chính sách thương mại của Đại học Cornell, Hoa Kỳ.

PBOC đang gia nhập danh sách các ngân hàng trung ương nỗ lực tìm cách thúc tăng trưởng bằng chính sách nới lỏng tiền tệ, cho dù Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đang tính chuyện tăng lãi suất. Hôm 22-10, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết sẵn sàng gia tăng các biện pháp kích thích tiền tệ, như giảm lãi suất (có thể vào tháng 12 tới), tùy tình hình sức khỏe của kinh tế châu Âu.

Giới quan sát cũng tin rằng Nhật Bản sẽ sớm phải gia tăng chương trình mua lại trái phiếu (QE) do sản lượng nền kinh tế sụt giảm. Tại Trung Quốc, việc triển khai hàng loạt biện pháp kích cầu được kỳ vọng sẽ giúp kích thích nền kinh tế. Bằng việc giúp hoạt động vay mượn rẻ hơn, Bắc Kinh hy vọng sẽ khuyến khích được giới doanh nghiệp đầu tư và chi tiêu nhiều hơn.

Nhưng tín dụng dễ dãi hơn cũng có thể làm gia tăng hoạt động xây dựng các tòa nhà chung cư, tháp văn phòng và trung tâm thương mại. Hiện Trung Quốc đang phải chật vật giải quyết vấn đề dư cung bất động sản và nợ cao. “Việc phụ thuộc vào chính sách tiền tệ cũng có thể làm tổn hại mục tiêu cân bằng nền kinh tế bằng cách giảm phụ thuộc vào đầu tư dựa trên tín dụng” - ông Prasad nói.

Một cửa hàng ở Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc trong quý III tăng chậm nhất 6 năm qua.

Một cửa hàng ở Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc trong quý III tăng chậm nhất 6 năm qua.

Việc Trung Quốc phụ thuộc vào lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, vốn đã cao hơn Hoa Kỳ, cũng có thể làm yếu thêm đồng nội tệ nước này và kích hoạt chảy máu tiền tệ. Việc giảm giá NDT của Trung Quốc hiện là mối quan ngại của chính phủ các nước, theo sau việc Bắc Kinh bất ngờ điều chỉnh giảm đồng nội tệ hồi tháng 8. Dù NDT khá ổn trong 2 tháng qua, nhưng hiện tượng chảy máu tiền tệ vẫn gia tăng do các nhà đầu tư lo ngại NDT có thể bị điều chỉnh giảm trong tương lai gần.

Các tin khác