Jean-Claude Biver - Huyền thoại ngành đồng hồ Thụy Sĩ

(ĐTTCO) - Trong suốt hơn 40 năm sự nghiệp của mình, CEO Jean-Claude Biver đã khiến cho báo giới tốn không ít giấy mực để nói về những thành tựu lừng lẫy của ông trong ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ. 
Ông đã ra tay vực dậy hàng loạt thương hiệu đồng hồ đeo tay nổi tiếng trước nguy cơ tan rã trong cuộc “cách mạng đồng hồ quartz” như Blancpain, Omega, Hublot và TAG Heuer. Ông được xem là vua Midas, chạm tay biến mọi thứ thành vàng, của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.
Dù được đào tạo bài bản chuyên về lĩnh vực kinh tế tại đại học Laussane, Thụy Sĩ nhưng Jean-Claude Biver lại bắt đầu sự nghiệp bằng việc phát triển một trang trại, nơi ông sống với niềm đam mê đặc biệt sản xuất phô mai mang thương hiệu của riêng. Cho đến khi Chủ tịch Georges Golay, ông chủ Tập đoàn đồng hồ Audemars Piguet biết đến Jean-Claude Biver thông qua các mối quan hệ, và đích thân mời về làm việc vì ấn tượng bởi nguồn năng lượng dồi dào và phong thái làm việc tích cực ông thể hiện trong quá trình điều hành trang trại. 

Hồi sinh thương hiệu Blancpain
Sau 4 năm làm việc tại Tập đoàn Audemars Piguet, Biver đã học hỏi và thấu hiểu tường tận mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp đồng hồ của Thụy Sĩ. Ông bắt đầu công việc tại thương hiệu Omega với vai trò giám đốc tiếp thị và bán hàng. 
 Jean-Claude Biver được xem là huyền thoại, người đàn ông thành công nhất trong lịch sử ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ. Trong suốt 40 năm sự nghiệp của mình, ông lần lượt vực dậy và đem đến thành công cho 5 thương hiệu đồng hồ với mỗi câu chuyện khác nhau.
Thời điểm năm 1979, cuộc “cách mạng đồng hồ quartz” đang nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu. Đồng hồ quartz được biết đến là đồng hồ điện tử, có cấu tạo đơn giản, thiết kế tinh gọn và độ chính xác cao, nhưng có giá thành phù hợp hơn so với đồng hồ hoạt động bằng động cơ truyền thống. Cùng với đó, Nhật Bản ngày càng phát triển với công nghệ sản xuất đồng hồ quartz đã nhanh chóng chiếm đa số thị phần đồng hồ thế giới. Trong cuộc cách mạng này, chỉ có Omega được đánh giá là thương hiệu có khả năng đứng vững trước thách thức và có sức cạnh tranh trên thị trường, hơn thế đây còn là thương hiệu đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ cơ của Thụy Sĩ. Vì vậy, trọng trách đặt nặng trên vai Biver không chỉ giúp Omega khởi sắc trở lại trên thị trường đồng hồ, mà còn cứu cả ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ hàng trăm năm trên bờ vực của sụp đổ. 
Jean-Claude Biver - Huyền thoại ngành đồng hồ Thụy Sĩ ảnh 1
Để thực hiện trọng trách này, Biver đã nghiên cứu, lựa chọn để xây dựng một thương hiệu đồng hồ làm ngọn cờ đầu trong ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ, từ đó lan rộng tầm ảnh hưởng đến các thương hiệu khác. Ông cùng Jacques Piguet hợp tác mua lại một thương hiệu đã chết, Blancpain với giá 22.000 franc Thụy Sĩ (tương đương 16.000USD).
Tại Blancpain, Jacques Piguet giữ vai trò Giám đốc phát triển và vận hành, trong khi Biver hoạt động đúng sở trường với chức vụ Giám đốc tiếp thị và bán hàng. Biver đã thực hiện một cuộc cải cách vĩ đại mà chưa có ai từng nghĩ đến, và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Cụ thể, bằng việc nhắm đến phân khúc khách hàng thuộc giới thượng lưu và đẳng cấp cao, Biver đã định hình các sản phẩm đồng hồ đeo tay Blancpain sản xuất không chỉ có chức năng của chiếc đồng hồ, mà còn là biểu tượng quyền lực, thành công và đẳng cấp của chủ nhân sở hữu. Từng bộ phận trong chiếc đồng hồ Blancpain sản xuất đều được chế tác hoàn toàn thủ công và tuổi thọ gần như vĩnh viễn. Điều này khiến các sản phẩm của thương hiệu “đắt xắt ra miếng”. 
Ấn tượng với chiến lược tiếp thị của Biver, doanh nhân người Anh Marcus Margulies đã đặt hàng Blancpain sản xuất 50 chiếc đồng hồ riêng cho mình với tất cả các chi tiết bằng vàng. Tuy nhiên, Blancpain lúc đó không đủ kinh phí để chuẩn bị nguyên liệu đủ sản xuất hàng loạt chi tiết bằng vàng cho đơn hàng. Biver bằng khả năng thương thuyết tinh tế của mình đã thuyết phục Margulies ứng trước 50% kinh phí đơn hàng để đủ chi phí sản xuất. Sau thương vụ trên, thương hiệu Blancpain được nâng tầng trở thành bảo chứng cho sản phẩm đẳng cấp thượng lưu.
Chỉ trong chưa đầy 10 năm, doanh số bán hàng của Blancpain đã tăng ngoạn mục, từ 8,9 triệu franc thời điểm mua lại, lên đến 56 triệu franc năm 1991. Biver và Piguet đã biến thương hiệu có giá trị vỏn vẹn 22.000 franc trở thành nhãn hiệu đồng hồ đẳng cấp thế giới dành cho giới thượng lưu, có trị giá lên đến 60 triệu franc (tương đương 43 triệu USD). 

Giải cứu Omega
Bị thuyết phục bởi màn trình diễn tại Blancpain, Chủ tịch Tập đoàn Swatch Group Nicolas Hayek đích thân mời Jean-Claude Biver về “ngôi nhà xưa” Omega, vốn đã rệu rã và bệ rạc khi ngấm đòn “cuộc cách mạng quartz”. Chủ tịch Hayek đưa ra yêu cầu ngắn gọn cho Biver là hãy giải cứu Omega khỏi cuộc khủng hoảng như cách đã thực hiện tại Blancpain. Bắt tay vào việc, Biver lập tức quy tụ hàng loạt nhân viên kỳ cựu, được biết đến với cái tên “Biver’s boy”, sau này đã trở thành các CEO hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong ngành đồng hồ và thời trang, phải kể đến như cựu CEO Aldo Magada của Gucci và Jean-Frederic Dufour, người sau này đã trở thành CEO của thương hiệu đối thủ Rolex… 
Với sự điều hành và dẫn dắt của Biver, nhóm “Biver’s boy” đã đưa ra chiến thuật marketing được xem là “vô tiền khoáng hậu” vào thời điểm đó, và trở thành tiền đề hình thành phương thức marketing đến sau này. Cụ thể, Biver đã thực hiện chiến dịch quảng bá hình ảnh sản phẩm Omega bằng cách hợp tác với các minh tinh điện ảnh Hollywood bấy giờ như siêu mẫu Cindy Crawford và tài tử Daniel Craig trong vai điệp viên James Bond của loạt phim điện ảnh ăn khách “Điệp viên 007”. Với việc cộng tác với các ngôi sao điện ảnh, sản phẩm của Omega gần gũi hơn với công chúng, từ đó doanh số bán hàng của thương hiệu trở nên khởi sắc đáng kể. Từ năm 1995-1999, doanh số bán hàng Omega tăng gần 3 lần, từ 350 triệu USD lên 900 triệu USD. 

Trở lại mạnh mẽ cùng Hublot
Như là định mệnh, đang thành công vang dội trong thương trường, Biver bất ngờ đổ bệnh trong chuyến công tác đến Hồng Kông vào năm 1996 vì lao lực. Ông quyết định từ chức điều hành tại Blancpain và Omega để dành thời gian điều trị.
Gần 4 năm chiến đấu với cơn bạo bệnh, Biver trở lại cùng người bạn điều hành một công ty dược phẩm. Tuy nhiên, Biver nhận ra rằng mình chỉ thuộc về thế giới của đồng hồ. Và ông đã tìm đến Hublot, một thương hiệu ít tên tuổi để tạo dựng một cuộc trở lại thế giới đồng hồ mang phong cách Jean-Claude Biver.
Khi Biver đến với Hublot, thương hiệu này đang trong tình trạng khó khăn, thua lỗ nặng nề trong năm 2004 lên đến hàng triệu USD. Sau hàng loạt phân tích thấu đáo và với kinh nghiệm của mình, Biver đã tìm ra giải pháp sáng tạo dành cho các sản phẩm của Hublot.
Các sản phẩm của Hublot đặc trưng với phần máy hoạt động bằng cơ học không khác gì các sản phẩm của các thương hiệu đắt tiền khác, nhưng phần dây đeo được làm bằng cao su có độ bền cao, có khả năng chống chịu va đập tốt hơn với các chất liệu khác. Nhận thấy ưu điểm của sản phẩm Hublot có thể sử dụng trong mọi điều kiện và mọi hoạt động, Biver tập trung chiến lược quảng bá điểm đặc biệt của Hublot đến với thị trường. 
Theo Carlos Crocco, CEO Hublot thời điểm đó, Biver trình bày ý tưởng một cách độc đáo bằng cách phác họa hình ảnh với một đường thẳng tượng trưng cho bề mặt trái đất, trên đường thẳng đó, Biver vẽ một hàng cây và nói đó là sự kết hợp trong sản phẩm của Hublot. Biver giải thích ý tưởng rằng sản phẩm Big Bang của Hublot sẽ là sự kết hợp của 2 nguyên tố dường như không thể nào chạm được đến nhau, một là cao su từ rừng cây ở Malaysia để làm dây đeo và viền bảo vệ đồng hồ còn nguyên tố kia đến từ sâu trong lòng đất ở Nam Phi: vàng nguyên chất dùng để chế tác các chi tiết máy. 
Sản phẩm mới của Hublot nhanh chóng được công chúng ưa chuộng, mặc dù giá tiền mỗi chiếc Big Bang này lên đến 10.000USD. Big Bang trở thành món hàng đắt tiền nằm trên cổ tay của những vị khách vương giả nhất nhì châu Âu như nhà vua Constantine của Hy Lạp, vua Juan Carlos của Tây Ban Nha, vua Gustav của Thụy Điển và quốc vương Rainier của Công quốc Monaco. Chiếc đồng hồ Big Bang được nhận giải thưởng Thiết kế đẹp nhất tại cuộc thi Grand Prix d’Horlogerie de Genève (giải thưởng Nghệ thuật chế tác đồng hồ Geneva) năm 2005. 
Đối với Biver, marketing chính là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa. Mục tiêu của Hublot là chăm sóc những khách hàng từ lâu bị ngành đồng hồ xa xỉ ở Thụy Sĩ thờ ơ. Để tiếp cận phân khúc thị trường mới này, Biver đã đàm phán hợp tác với những đội bóng rổ chuyên nghiệp ở Mỹ, các câu lạc bộ bóng đá và cầu thủ nổi tiếng ở châu Âu, FIFA World Cup, các nghệ sĩ nổi tiếng, vận động viên Olympic, các tay đua xe F1, điều mà trước giờ chưa từng có tiền lệ. Mỗi sự hợp tác sẽ gắn liền với một dòng đồng hồ phiên bản giới hạn được phát triển dành riêng cho các đối tác và người hâm mộ.
Trước khi nghỉ hưu vào năm 2014, Jean-Claude Biver còn điều hành thương hiệu TAG Heuer và cũng đã có những thành công vang dội. 
 Grand Prix d’Horlogerie de Genève (Giải thưởng Nghệ thuật chế tác đồng hồ Geneva) là giải thưởng danh giá nhất dành cho công nghệ chế tác đồng hồ cơ khí thế giới, được ví như giải Oscar của giới đồng hồ. Năm 2018, Ban tổ chức đã quyết định trao cho Jean-Claude Biver giải thưởng Ban giám khảo đặc biệt dù ông không còn điều điều hành thương hiệu đồng hồ nào trong nhiều năm qua. Đây là một giải thưởng ghi nhận những cống hiến xứng đáng của Biver cho ngành đồng hồ. 

Các tin khác