Ingvar Kampard - Nhà sáng lập đế chế IKEA vĩ đại

(ĐTTCO) - Tỷ phú Ingvar Kampard là một nhà tư sản người Thụy Điển, đồng thời là người sáng lập thương hiệu bán lẻ nội thất IKEA lớn thứ 3 trên toàn thế giới. Tạp chí Forbes đánh giá Ingvar Kampard là doanh nhân vĩ đại nhất thế kỷ 20, luôn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá đến 28 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2006-2010. 

Ingvar Kampard xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại miền Nam Thụy Điển. Cuộc sống khó khăn khiến ông không thể theo học các chương trình đào đại học như những người bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, với tư chất thông minh và khả năng kinh doanh thiên phú, Ingvar Kampard đã đi lên từ khó nghèo và xây dựng đế chế bán lẻ nội thất hàng đầu thế giới. Những sản phẩm của IKEA được người dùng đánh giá cao về sự tiện nghi và tính thẩm mỹ. 

Tài năng xuất chúng
Tư chất thông minh và tài năng kinh doanh của Ingvar Kampard đã thể hiện từ khi còn nhỏ. Ông nhận ra vùng hẻo lánh phía Nam nơi ông sinh sống rất khan hiếm những nhu yếu phẩm, đặc biệt là quẹt diêm, một thứ không thể thiếu tại vùng khí hậu lạnh giá ở Bắc Âu. Ông mua số lượng lớn sản phẩm từ thủ đô Stockholm và phân phối đến từng hộ gia đình trong khu vực sinh sống. Hướng đến sự tiện lợi dành cho khách hàng đã giúp Ingvar “ăn nên làm ra” ngay từ nhỏ, giúp những người hàng xóm không cần phải di chuyển quãng đường dài 250km từ vùng hẻo lánh tỉnh Småland đến Stockholm. 
Ingvar Kampard - Nhà sáng lập đế chế IKEA vĩ đại ảnh 1
Bán diêm thành công, Ingvar Kampard bắt đầu mở rộng đầu tư và kinh doanh thêm nhiều sản phẩm khác như cá, hạt giống, đồ trang trí, bút… Và đến năm 1943, lúc 17 tuổi, với số tiền tích lũy được từ kinh doanh, Ingvar Kampard đã thành lập công ty đầu tiên với tên IKEA. Trong đó, I và K là viết tắt tên ông, còn E và A là Elmtaryd và Agunnaryd, tên nông trường và ngôi làng ông lớn lên.
IKEA kinh doanh nhiều mặt hàng từ các nguồn cung khác nhau như ví, đồng hồ đeo tay, trang sức và thậm chí cả cổ phiếu. Tại IKEA, Ingvar Kampard tiếp tục áp dụng triết lý mang sự tiện lợi dành cho khách hàng trở thành phương hướng phát triển công ty. Ông chủ động đề nghị khách hàng đặt hàng giao tại nhà thông qua thư mà không cần phải đến cửa hàng, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức cũng như tiền bạc từ mô hình kinh doanh này. Triết lý kinh doanh của Ingvar Kampard chính là nền tảng cho những mô hình kinh doanh của các nhà bán lẻ điện tử sau này như Walmart, Amazon hay Alibaba...
Sau 5 năm thành công, IKEA đã bắt đầu gặp phải những cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực. Vì thế, để tìm một hướng phát triển riêng biệt, Ingvar Kampard đã chuyên sâu hơn vào triết lý kinh doanh của mình, và phát triển nó thành lý tưởng dẫn dắt sự phát triển mạnh mẽ của IKEA. 

Hướng đến sự tiện lợi dành cho khách hàng
Ông cho rằng tất cả mọi người đều có quyền được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, và IKEA sẽ giúp họ đáp ứng được những mong muốn đó. Để thực hiện ý tưởng của mình, Ingvar Kampard đã bắt đầu đưa thêm các mặt hàng nội thất vào chuỗi sản phẩm bán lẻ của IKEA vào năm 1947 và chính thức bước vào kinh doanh các mặt hàng nội thất vào năm 1953.
Ông cho rằng tổ ấm của mỗi người chính là nơi họ cảm thấy an toàn và hạnh phúc nhất, là nơi tái tạo nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục sống và làm việc. Chính vì vậy, làm đẹp nội thất sẽ góp phần nâng cao mức độ hạnh phúc của mỗi người và giúp họ tích cực hơn trong cuộc sống. 
Ingvar Kampard hướng đến những sản phẩm nội thất flat-packed - được đóng gói sẵn và có thể tự lắp ghép tại nhà. Điều này xuất phát từ việc nhiều khách hàng than phiền về sự bất tiện và khó khăn khi mang chiếc ghế to về nhà. Sáng kiến này cũng giúp cho công ty tiết kiệm được một khoản tiền vận chuyển đáng kể, đồng thời giúp các khách hàng phụ nữ nội trợ có thể tự mình sử dụng sản phẩm IKEA mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của các quý ông. 
Để nâng cao trải nghiệm sản phẩm cũng như mang đến nhiều sự lựa chọn dành cho khách hàng, Ingvar Kampard đã thành lập cửa hàng trưng bày sản phẩm đầu tiên của IKEA vào năm 1953. Tại đây, IKEA phục vụ các khách hàng đi mua sắm như đang đi phiêu lưu kỳ thú, có thể tự tay chạm vào từng sản phẩm, ngắm nghía và suy nghĩ bất kể thời gian mà hoàn toàn không bị các nhân viên quấy nhiễu.
Sự tinh tế của IKEA còn thể hiện ở sự bày trí và thứ tự mỗi sản phẩm, khách hàng sẽ di chuyển từ khu vực sản phẩm nội thất phòng khách, nhà bếp, phòng làm việc, phòng ngủ và đến phòng tắm. Tại cửa hàng của IKEA luôn trang bị sẵn bút, giấy ghi chú và thước dây giúp khách hàng tự do tham quan và lựa chọn sản phẩm mà không cần nhờ đến sự hỗ trợ của các nhân viên.
Đến nay đế chế của IKEA vẫn luôn bám sát 3 tôn chỉ: Nghiên cứu rất kỹ những thị trường mới trước khi quyết định đầu tư; luôn cố gắng tối ưu hóa giá thành; liên tục cải tiến sản phẩm để khách hàng có thể tự lắp ráp được. Đây cũng chính là điều tạo nên sự khác biệt của IKEA so với các doanh nghiệp cũng lĩnh vực.
Chính nhờ sự sáng tạo và tinh tế, ngày càng có nhiều khách hàng mong muốn quay lại sử dụng dịch vụ của IKEA. Tất cả sản phẩm nội thất của IKEA được đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, thiết kế tinh tế nhưng luôn ở mức giá phải chăng, phù hợp nhiều phân khúc khách hàng. Thành công với mô hình kinh doanh này, Ingvar Kampard nhanh chóng mở mạng lưới.

Phong cách khiêm tốn
Dù đã từng trên đỉnh cao của thành công, nhưng Ingvar Kampard luôn thể hiện sự khiêm tốn và giản dị. Đạt được thành công nhiều người đều khao khát, nhưng Ingvar Kampard luôn từ chối danh xưng tỷ phú mà truyền thông đặt cho ông. Ông luôn được biết đến với sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo không ngừng, hăng say làm việc không biết mệt mỏi.
Ingvar Kampard chỉ sống trong một căn biệt thự tầm trung, sử dụng chiếc Volvo cũ có tuổi đời trên 20 năm và vẫn thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng xuống phố đi mua thức ăn tại siêu thị địa phương. Ingvar Kampard đã từng bị từ chối tham dự một buổi lễ vinh danh ông do chính nhà vua Thụy Điển đích thân tổ chức. Tại buổi lễ, nhân viên bảo vệ đã từ chối cho ông tham dự vì đã nhìn thấy ông bước xuống từ chiếc xe bus trong bộ trang phục đơn sơ. 
Ingvar Kampard cũng là một nhà hoạt động từ thiện lớn trên thế giới và có cảm tình đặc biệt đối với Việt Nam. Ông từng nói: “Tôi sinh ra tại Thụy Điển, mang ơn Ba Lan và rất yêu quý Việt Nam”. Quỹ IKEA đã có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quý báu dành cho Việt Nam. Quỹ này đã tài trợ cho dự án Giúp trẻ em ung thư Việt Nam tại bệnh viện Nhi trung ương kéo dài trong vòng 6 năm từ năm 2008. Bên cạnh đó, quỹ IKEA là nhà tài trợ lớn cho Tổ chức Save the Children, tổ chức giúp đỡ và xây dựng lại cơ sở vật chất tại các trường học cho trẻ em do ảnh hưởng của siêu bão Damrey vào năm 2017. 
Tháng 1-2018, Ingvar Kampard đã ra đi mãi mãi, nhưng những gì ông để lại và đóng góp cho nhân loại sẽ không bao giờ mất đi. Đế chế IKEA dưới sự tiếp quản của 3 người con trai sẽ tiếp nối triết lý của Ingvar Kampard, mang đến tiện nghi và sự thoải mái đến cho từng ngôi nhà trên thế giới. 
 Đầu năm 2019, IKEA cho biết sẽ đầu tư 450 triệu EUR để phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội. Khi hoàn thành, Hà Nội sẽ trở thành nơi cung ứng cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á của thương hiệu này.
 Năm 2018, đế chế bán lẻ nội thất IKEA có tổng giá trị tài sản lên đến 58,4 tỷ USD, doanh thu hàng năm 41,8 tỷ USD, với 403 cửa hàng tại 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 194.000 nhân sự. Mỗi năm đón khoảng 936 triệu lượt khách hàng ghé thăm, chưa kể tới 2,3 tỷ người mua sắm thông qua website của hãng.

Các tin khác