Hết LIBOR, tới EURIBOR

Bloomberg ngày 6-11 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch phạt 6 ngân hàng lớn vì liên quan đến hành vi thao túng lãi suất EURIBOR, một loại lãi suất được xem là “chị em” với lãi suất LIBOR, để làm lợi bất chính.

Bloomberg ngày 6-11 cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch phạt 6 ngân hàng lớn vì liên quan đến hành vi thao túng lãi suất EURIBOR, một loại lãi suất được xem là “chị em” với lãi suất LIBOR, để làm lợi bất chính.

Hiện lãi suất EURIBOR được dùng làm cơ sở định giá cho khoảng 250.000 tỷ EUR (337.300 tỷ USD) tài sản tài chính, từ hợp đồng thế chấp đến phái sinh. Vì vậy, quy mô của vụ việc này được xem không kém vụ bê bối lãi suất LIBOR là mấy. Nằm trong “tầm ngắm” của EC gồm HSBC, Royal Bank of Scotland (RBS), Deutsche Bank, JPMorgan (JPM), Credit Agricole và Societe Generale (SG).

Các ngân hàng này đều có thể bị phạt hàng triệu EUR. Tuy nhiên, một bài báo của Reuters cho rằng có thể Ngân hàng Barclays sẽ được tha bổng vì có công cảnh báo cho EC về các hành vi đáng ngờ liên quan đến vụ việc lần này. 6 ngân hàng này sẽ được biết rõ về số phận của mình trong tháng tới, sau 2 năm kể từ khi các nhà chức trách châu Âu tiến hành điều tra những cáo buộc rằng lãi suất EURIBOR bị thao túng.

EC chuẩn bị phạt nhiều ngân hàng vì thao túng lãi suất EURIBOR.

EC chuẩn bị phạt nhiều ngân hàng vì thao túng lãi suất EURIBOR.

Trước đó, Barclays, UBS AG và RBS nằm trong số những ngân hàng đã bị phạt tổng cộng 3,7 tỷ USD vì liên quan đến bê bối thao túng lãi suất LIBOR, một lãi suất liên quan tới việc định giá hơn 300.000 tỷ USD chứng khoán toàn cầu. Barclays là ngân hàng đầu tiên chi tiền để hòa giải vụ LIBOR, với 464,1 triệu USD nộp phạt cho các nhà chức trách ở Anh và Hoa Kỳ.

RBS, ngân hàng Anh được nhà nước hỗ trợ, đã bị phạt 624,2 triệu USD và phải bỏ ra 4,24 tỷ USD để dự phòng rủi ro liên quan đến việc bán bảo hiểm bảo vệ thanh toán sai lệch cho khách hàng. Tháng trước, Ngân hàng Rabobank trở thành ngân hàng mới nhất bị phạt trong vụ LIBOR, với số tiền phạt lên tới hơn 1 tỷ USD (655 triệu bảng). Các ngân hàng liên quan đến lãi suất LIBOR còn có thể đối mặt với một đợt phạt mới trong những tháng tới.

Trong vụ EURIBOR đang diễn ra, nếu các ngân hàng chọn cách hòa giải với EC, tức tự thừa nhận có thông đồng trong việc thao túng lãi suất LIBOR, sẽ được hưởng mức phạt nhẹ hơn 10% và sẽ nộp phạt ngay trong tháng tới.

Tuy nhiên, các luật sư cảnh báo việc thừa nhận liên quan có thể khiến các ngân hàng bị khởi kiện. Trường hợp có ngân hàng phản đối mức phạt của EC, họ phải gửi văn bản phản đối riêng và như vậy có thể đối mặt với cáo buộc chính thức và những quá trình điều tra, tố tụng sau đó có thể kéo dài nhiều năm.

Theo Bloomberg, HSBC - ngân hàng có thị giá lớn nhất châu Âu - đã bỏ ra khỏi phòng đàm phán hôm 5-11 vì bất đồng với EC về mức phạt dự kiến. Cho đến nay, HSBC đã bị dính đến nhiều vụ tai tiếng, trong đó có việc bị cáo buộc giúp rửa tiền cho các tổ chức tội phạm ma túy và khủng bố. Tuần trước, ngân hàng này đã phải sa thải 6 giao dịch viên vì liên quan đến hoạt động thao túng thị trường ngoại hối.

Các nhà chức trách toàn cầu đang điều tra các cáo buộc cho rằng các giao dịch viên của những ngân hàng toàn cầu thông đồng thao túng lãi suất trên thị trường ngoại hối có giá trị giao dịch hàng ngày lên tới 5.300 tỷ USD (xem ĐTTC số 674, trang 16).

Giới quan sát ước tính các ngân hàng trên toàn cầu phải bỏ ra khoảng 125 tỷ USD để bồi thường những hành vi sai trái của họ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nếu JPMorgan đồng ý nộp phạt 13 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ liên quan đến những sai trái trong hoạt động kinh doanh tài sản thế chấp.

Cổ phiếu của các ngân hàng đều giảm trong phiên giao dịch ngày 5-11, với RBS giảm 5,7%, HSBC giảm 5% và Barclays giảm 6,15%.

Các tin khác