Guillaume Faury: Niềm hy vọng mới của Airbus

(ĐTTCO) - Sau hàng loạt sự cố dòng máy bay A320neo, Tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất châu Âu Airbus vừa bổ nhiệm tân CEO Guillaume Faury, thay cho cựu CEO Tom Enders từ chức sau 5 năm lãnh đạo Airbus. Với kinh nghiệm dày dạn trong ngành hàng không, Faury được kỳ vọng sẽ mang lại một làn gió mới cho Airbus, cũng như đương đầu với những thử thách được dự báo cho hãng này trong tương lai.

CEO Guillaume Faury xuất thân là kỹ sư người Pháp, tốt nghiệp Học viện Bách khoa Ecole chuyên ngành hàng không vũ trụ. Ông bắt đầu sự nghiệp vào năm 1993 với vai trò kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm kiêm bộ phận mua bán vũ khí và công nghệ tại Tổng cục Vũ khí, thuộc bộ Quốc phòng Pháp. 

Bản hồ sơ không thành tựu
Khi công tác tại Tổng cục Vũ khí, Faury còn được bổ nhiệm vị trí kỹ sư trưởng quản lý chất lượng sản phẩm lô hàng trực thăng quân sự Tiger hợp tác giữa Đức và Pháp. 
Từ năm 1998-2001, ông chuyển đến công tác tại Công ty Eurocopter, một bộ phận sản xuất máy bay trực thăng dân dụng và quân sự thuộc Tập đoàn Airbus, tiếp tục nắm giữ vị trí kỹ sư trưởng, sau đó kiêm vị trí phó giám đốc kinh doanh.
Sự nghiệp của ông tiếp tục thăng tiến tại Helicopter, khi vào năm 2007 ông được đề bạt để trở thành trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển, đồng thời trở thành thành viên Hội đồng quản trị công ty. 
Guillaume Faury: Niềm hy vọng mới của Airbus ảnh 1 CEO Guillaume Faury  
Nhưng đến năm 2010, ông đột ngột chuyển hướng sang mảng xe hơi dân dụng và tiếp tục gặt hái nhiều thành công tại PSA, tập đoàn mẹ của những hãng xe nổi tiếng Peugeot, Citreon và Opel. Với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành kỹ thuật hàng không, ông nhanh chóng trở thành điều hành phó của bộ phận nghiên cứu và phát triển tại tập đoàn này. 
Năm 2013, ông quay trở về “ngôi nhà xưa” Eurocopter, bấy giờ đã chuyển đổi thành Airbus Helicopter và nắm giữ vị trí cao nhất chỉ 1 năm sau đó.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Thực tế, khi nhìn lại con đường sự nghiệp Guillaume Faury, khó ai có thể tin ông có thể trở thành tân CEO của Airbus, khi trong hồ sơ không có nổi 1 thành tựu gây ấn tượng mạnh mẽ.
Để có thể trở thành một CEO của tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất nhì thế giới, đòi hỏi vị lãnh đạo có bản lĩnh, tài năng và nhiều kinh nghiệm thể đương đầu với hàng loạt vấn đề đang hiện hữu của Airbus, điển hình là định hình và phát triển các dòng sản phẩm mới để cạnh tranh với Boeing, đối mặt với vấn đề sản xuất và phát triển dòng máy bay A320neo, giải quyết triệt để sự cố hỏng động cơ của dòng máy bay A400M từ năm 2015, cũng như các vấn đề mới nổi như Brexit và lệnh trừng phạt kinh tế của Tổng thống Mỹ D.Trump lên EU.

Ứng phó khủng hoảng
Để lựa chọn Guillaume Faury làm CEO mới, lãnh đạo Airbus phải nhìn thấy được điểm sáng trong suốt sự nghiệp của ông. Ít ai biết rằng, 3 năm sau (2016) khi Guillaume Faury trở thành CEO Công ty Airbus Helicopter, công ty đã dính phải sự cố kỹ thuật cực kỳ nghiêm trọng, khiến doanh số bán hàng lao đao. Và chính Guillaume Faury, người hùng thầm lặng của Airbus đã nhanh chóng đưa Airbus Helicopter trở lại trên thị trường hàng không. 
Guillaume Faury: Niềm hy vọng mới của Airbus ảnh 2  
Sự việc diễn ra vào ngày 29-4-2016, khi chiếc trực thăng mang số hiệu EC225LP Super Puma, do Công ty Airbus Helicopter sản xuất đã rơi khi đang làm nhiệm vụ tại vùng biển của Na Uy, chiếc trực thăng rơi xuống hòn đảo, nổ tung, 13 người trên chiếc trực thăng đều thiệt mạng. 
Sau sự cố, Ủy ban An toàn Hàng không châu Âu đã ban hành lệnh cấm bay đối với dòng máy bay EC225LP Super Puma. Điều này đồng nghĩa việc các tổ chức, doanh nghiệp có hợp đồng mua dòng máy bay trực thăng này đều phải hủy bỏ. Thậm chí, các dòng máy bay trực thăng khác của Airbus Helicopter đều bị tẩy chay, điển hình như AS532 Cougar và EC275 bị Đức và Brazil từ chối mua; hay dòng Surion được Hàn Quốc đặt hàng riêng với Airbus Helicopter phải ngưng hoạt động. 
Đứng trước nguy cơ Helicopter tan rã, Guillaume Faury đã nhanh chóng đẩy nhanh phát triển hàng loạt chương trình mới và khởi động lại các dự án máy bay cũ, nhằm tung ra những dòng máy bay có chất lượng tốt hơn. Đầu tiên là dòng H160, được phác thảo từ năm 2015. H160 có khả năng chuyên chở cao với sức chứa 12 hành khách.
Dòng H160 này có tốc độ tối đa 325km/giờ và quãng đường di chuyển xa nhất 852km. Airbus Helicopter đã chi 1 triệu EUR để phát triển H160. Airbus thông báo đã tung ra thị trường 120-150 chiếc trực thăng thuộc dòng H160 mỗi năm. Bộ quốc phòng Pháp đã đặt hàng 160-190 chiếc H160 của Helicopter trong chương trình cải tiến phương tiện quân sự cho đến năm 2024. Guillaume Faury đưa ra chiến lược tung ra sản phẩm mới nhằm giải quyết khủng hoảng, nhanh chóng khiến thế giới quên đi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào năm 2016. 

Thách thức phía trước
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của Guillaume Faury tại Airbus Helicopter 3 năm về trước chỉ với 23.000 nhân viên, quy mô nhỏ và khó khăn ít hơn nhiều so với Airbus. Dù cho người tiền nhiệm Tom Enders để lại một Airbus khá hứa hẹn trong tương lai, với đơn đặt hàng lên đến 7.350 máy bay thương mại, đủ để hãng hoạt động trong 10 năm tiếp theo. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn Faury sẽ phải đối mặt. 
Xét về nội bộ, Airbus cần phải nhanh chóng giải quyết việc sản xuất và phân phối dòng A320neo đang bị trì trệ trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, giải quyết triệt để vụ máy bay quân sự A400M tại Sevilla, Tây Ban Nha  gặp sự cố ngay khi vừa cất cánh trong lần bay thử đầu tiên. Cho tới nay, A400M vẫn chưa thể nối lại việc sản xuất. 
Một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là nếu Brexit diễn ra, chuỗi cung ứng của Airbus ngay lập tức sẽ gặp khó khăn. Airbus là hãng sản xuất máy bay có sự hợp tác từ các chuỗi cung ứng khác nhau trên khắp EU, nếu nước Anh rời khỏi EU, sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất, và khi hợp đồng 7.350 máy bay có nguy cơ treo nếu Guillaume Faury chưa tìm được nguồn thay thế.
Hơn thế, mặc dù dính phải những khủng hoảng gần đây, khiến việc sản xuất và kinh doanh máy bay bị giảm sút nghiêm trọng, nhưng Boeing vẫn đủ khả năng cạnh tranh trực tiếp với Airbus. Hơn thế nữa, với sự “đỡ đầu” của Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng việc áp thuế 11 tỷ USD lên hàng hóa của EU, nhằm trả đũa cho việc EU có những chính sách trợ giá dành cho Airbus. 
Guillaume Faury và Airbus chỉ mới bắt đầu mối lương duyên. “Đường dài mới biết ngựa hay”, hy vọng trong tương lai, vị CEO người Pháp này sẽ có những động thái quyết liệt, sáng tạo và bản lĩnh như cách ông đã thực hiện khi còn nắm giữ vị trí giám đốc điều hành tại Airbus Helicopter, giúp Airbus tiếp tục giữ vững vị trí thống lĩnh thị trường hàng không.
 Dù cho người tiền nhiệm Tom Enders để lại một Airbus khá hứa hẹn trong tương lai, với đơn đặt hàng lên đến 7.350 máy bay thương mại, đủ để hãng hoạt động trong 10 năm tiếp theo. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn Faury sẽ phải đối mặt. 

Các tin khác