Đã đến lúc thế giới xem xét lại khái niệm trên 65 tuổi là "già"?

(ĐTTCO) - Khi lương hưu được đưa ra lần đầu tiên ở nước Phổ vào những năm 1880, khái niệm này miêu tả rất đúng. Thời đó không có nhiều người sống quá 65 tuổi, và những người có thể bước qua độ tuổi này hiếm khi có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều người trên 65 tuổi vẫn khỏe mạnh và năng động.
Đã đến lúc thế giới xem xét lại khái niệm trên 65 tuổi là "già"?

Ở nhiều quốc gia phát triển, 65 tuổi vẫn được coi là cột mốc đánh dấu tuổi già bắt đầu gõ cửa. Đó là lúc cả quãng đời làm việc kết thúc để chuyển sang giai đoạn nghỉ hưu, bạn được nhận trợ cấp và thậm chí bắt đầu bị coi là gánh nặng tài chính thay vì là 1 “tài sản quốc gia”. Nhóm người từ 65 tuổi trở lên càng lớn so với nhóm người trong độ tuổi lao động thì các nhà hoạch định chính sách càng phải lo lắng hơn về chi phí cho hệ thống y tế cũng như lương hưu. Theo dự báo, đến cuối thế kỷ này, tỷ lệ phụ thuộc sẽ tăng gấp 3. Những người bi quan còn cho rằng có một “cơn sóng thần đến từ những mái đầu bạc” đang ập đến, cuối cùng sẽ khiến các nước phá sản.

Nhưng, có một câu hỏi ngày càng hiện ra rõ nét: 65 tuổi đã thực sự là già?

Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Anh Oxford, “già” có nghĩa là “đã sống một thời gian dài”. Cuốn từ điển minh họa ý nghĩa này với một cụm từ đi kèm: “người già nằm trên tấm đệm”, có nghĩa là: hàm ý người già là những người đã cống hiến hết khả năng cho xã hội và giờ sẽ nghỉ ngơi.

Khi lương hưu được đưa ra lần đầu tiên ở nước Phổ vào những năm 1880, khái niệm này miêu tả rất đúng. Thời đó không có nhiều người sống quá 65 tuổi, và những người có thể bước qua độ tuổi này hiếm khi có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, ngày nay rất nhiều người trên 65 tuổi vẫn khỏe mạnh và năng động. Những chính trị gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump (71 tuổi) hay Tổng thống Nga Vladimir Putin (64 tuổi) vẫn rất sung sức. Trong khi đó các Chính phủ và chủ sử dụng lao động vẫn coi 65 tuổi là ngưỡng để coi là già.

Quan niệm này là sai lầm vì 3 lý do. Thứ nhất, khái niệm “già” chỉ mang ý nghĩa tương đối. Khác xa so với hàng trăm năm trước, ngày nay trung bình 1 người Đức 65 tuổi hoàn toàn có thể sống thêm 20 năm nữa. Thứ hai, quan niệm xưa cũ coi người già là 1 gánh nặng cho hệ thống y tế, nhưng hiện nay có nhiều người ở tuổi 70 mà có sức khỏe như 60. Thứ ba, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn những người trên 65 tuổi vẫn muốn kết nối với cộng đồng và tham gia vào nền kinh tế. Có rất ít người muốn nghỉ hưu và hoàn toàn rút khỏi xã hội. Họ muốn tiếp tục làm việc, tất nhiên là trong điều kiện linh hoạt hơn.

Tất cả những điều kể trên cho thấy các giai đoạn trong cuộc đời con người đều là khái niệm xuất phát từ quan niệm xã hội. Những từ như “già”, “nghỉ hưu” là chỉ báo cho các nhà hoạch định chính sách và cả chính bản thân những người già về cách họ nên cư xử và được đối xử như thế nào.

Trong 3 giai đoạn của cuộc đời, 1 người sẽ học khi còn trẻ, làm việc khi trưởng thành và nghỉ ngơi khi già. Kết quả là hầu hết mọi người coi 65 là ngưỡng cửa mà sau đó con người ta trở nên vô dụng đối với xã hội. Tuy nhiên già đi là 1 quá trình từ từ, và mỗi người trải nghiệm một cách khác nhau. Ở tuổi 65, một số người cảm thấy ốm yếu nhưng phần lớn là không. Đã đến lúc thế giới phải xem xét lại khái niệm “già”.

Các tin khác