Christine Lagarde - Người phụ nữ quyền lực và tài ba

(ĐTTCO) - Ngày 16-7, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã chính thức đệ đơn từ chức để chuẩn bị cho vị trí mới cũng không kém phần quan trọng: Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Năm ngoái, bà Lagarde được tạp chí Forbes xếp hạng là người phụ nữ quyền lực thứ 3 trên thế giới.

Với vai trò mới ở ECB, bà Lagarde được dự đoán trở thành nhân vật quyền lực nhất trong lĩnh vực tài chính quốc tế, người dẫn đầu trong việc hướng dẫn nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Bà sẽ thay thế ông Mario Draghi, một nhà kinh tế người Ý, người đã lèo lái khu vực eurozone - 19 quốc gia sử dụng đồng euro - qua kỷ nguyên nguy hiểm, bao gồm cả sự phá sản của Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Nhiều lần đi tiên phong
Công việc của bà Lagarde không xuất hiện những mối nguy hiểm nhưng không ít thách thức. Một phần do hiệu ứng của các cuộc chiến thương mại, vốn đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Financial Times (FT), bà có vẻ khó chịu khi được suy đoán rằng mình là ứng cử viên cho bất kỳ vị trí hàng đầu nào ở Brussels hoặc Frankfurt, nơi đặt trụ sở của ECB. "Tôi có công việc rất quan trọng mà tôi muốn làm ở đây. Và tôi sẽ không rời khỏi con tàu tuyệt đẹp đó khi có thể có những vùng nước xù xì ngoài kia" - bà nói với FT.
Christine Lagarde - Người phụ nữ quyền lực và tài ba ảnh 1
Tuy nhiên, có lẽ bà đã thay đổi suy nghĩ. Nhờ đó, ECB giờ đây sẽ được dẫn dắt bởi người phụ nữ đầy sức thu hút và thông minh, từng sánh vai với những nhân vật nổi tiếng nhất trong giới tài chính toàn cầu. Bà cũng thoải mái không kém trong giới thượng lưu ngoại giao tại hội nghị thượng đỉnh G20 và những người khổng lồ kinh doanh tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Với bộ đồ Chanel và mái tóc trắng đặc biệt, bà xuất hiện trên các chương trình trò chuyện của Mỹ, trên tạp chí danh tiếng Vogue và trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes.
Bà Lagarde có một sơ yếu lý lịch bao gồm nhiều lần là "người đầu tiên": chủ tịch đầu tiên của Công ty luật Baker McKenzie có trụ sở tại Chicago (Mỹ); người phụ nữ đầu tiên trở thành Bộ trưởng Tài chính của nền kinh tế G8. Và bà chắc chắn là nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đầu tiên xuất thân từ một vận động viên bơi lội của đội tuyển quốc gia Pháp. Đặc biệt, đấu tranh cho nữ quyền là chủ đề xuyên suốt trong sự nghiệp của bà.
Nói về sự cấp bách đạo đức của bình đẳng giới, bà Lagarde đã viết trên blog của IMF vào tháng 9-2018: "Nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra điều này: Nếu có phần lớn phụ nữ trong hội đồng quản trị của các ngân hàng và cơ quan giám sát tài chính, sẽ dẫn đến sự ổn định cao hơn. Như tôi đã nói nhiều lần, nếu đó là Chị em nhà Lehman chứ không phải là Anh em nhà Lehman, thế giới ngày nay có thể sẽ khác đi rất nhiều".
Bà Lagarde rất thông thạo tiếng Anh và sống ở Mỹ từ năm 1973 theo chương trình trao đổi sinh viên. Kỹ năng ngôn ngữ của bà được nâng cao qua từng năm khi bà còn là một thiếu niên, sống với gia đình ở vùng ngoại ô Maryland. Bà được nhớ đến như một cô gái cố gắng thêm vẻ quyến rũ vào bộ đồng phục ở Trường tư thục Holton-Arms ở Bethesda.
Đặc biệt, trong thời gian bà đang thực tập tại văn phòng của Nghị sĩ William R. Cohen, một đảng viên Cộng hòa bang Maine. Ông Cohen cần người nói tiếng Pháp có thể dịch thư của những thành viên người Pháp, những người đang cân nhắc về thủ tục luận tội tổng thống. Bà đã giúp đỡ nghị sĩ trẻ này trong phiên điều trần vụ bê bối Watergate, sau đó khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Hướng đi nào cho ECB?
Là một luật sư chống độc quyền được đào tạo chuyên nghiệp, bà Lagarde dự báo sẽ có sự thay đổi đáng kể trong các cơ chế của chính sách tiền tệ. Bà cũng sẽ thừa hưởng một nền kinh tế đang bước đi chao đảo, dù chưa gặp khủng hoảng lớn như thời người tiền nhiệm. Nỗi lo về suy thoái kinh tế đã được khuếch đại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Nhật-Hàn, căng thẳng ở Trung Đông và một nước Anh lộn xộn trong nỗ lực rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Ông Draghi đã nói về việc hồi sinh một số biện pháp được sử dụng để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, như mua trái phiếu để giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế. Nhưng cách tiếp cận đó đang gây tranh cãi, dù nó giữ cho các công ty hoặc ngân hàng tồn tại nhờ tiền rẻ. Nhưng nếu các nhà đầu tư đột nhiên mất hứng thú với các khoản nợ có rủi ro cao, những doanh nghiệp này có thể sụp đổ hàng loạt và làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái kinh tế.
Bà Lagarde sẽ phải quyết định cách tiếp cận nào để hỗ trợ: nới lỏng hơn chính sách tiền tệ, hay chuyển dần sang tín dụng chặt chẽ hơn để dần loại bỏ các công ty xác sống. Đối với một số nhà phân tích, việc bổ nhiệm bà Lagarde, là bất ngờ và bằng chứng về việc châu Âu đã gặp khó khăn như thế nào để tìm ra ứng cử viên đồng thuận cho vị trí này.
"Tôi nghĩ họ có thể đi tìm người có nền tảng thông thường hơn. Bà Lagarde không có kinh nghiệm về ngân hàng trung ương. Vì vậy, rất khó để đánh giá bà về những điều trước đây mà bà ấy đã nói về chủ đề này" - Angel Talavera, nhà kinh tế hàng đầu khu vực đồng euro tại Oxford, nói.
Những gì bà Lagarde đã nói về nền kinh tế thế giới nghe có vẻ lạc quan hơn trong những tháng gần đây. Trong một bài đăng trên blog IMF vào tháng 6, bà nói rằng dữ liệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể sẽ ổn định. Mối quan tâm lớn nhất của bà vẫn là các cuộc chiến thương mại đang sôi sục khắp thế giới.
Thậm chí, bằng những từ ngữ thẳng thắn đặc trưng dường như nhắm vào Tổng thống Trump, bà đã cảnh báo về những mặt trái của thuế quan. "Đây là những vết thương tự gây ra chúng ta phải tránh. Bằng cách nào? Bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại được thực hiện gần đây và bằng cách tránh các rào cản tiếp theo dưới bất kỳ hình thức nào" - bà Lagarde viết. 
 Bà Lagarde sẽ bắt đầu công việc mới vào ngày 1-11, bà gọi đó là một vinh dự. Di sản của bà tại IMF bao gồm gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay - một hợp đồng trị giá 57 tỷ USD với Argentina nhằm ngăn chặn một cuộc vỡ nợ cấp quốc gia.

Các tin khác