CEO Satya Nadella: Người biến đổi Microsoft

(ĐTTCO) - Ở thời điểm hiện tại, Microsoft là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, vượt qua Apple và Amazon, 2 tập đoàn đầu tiên trên thế giới trở thành công ty có vốn hóa chạm mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2018. Để có được thành quả này, không thể không nhắc tới Giám đốc điều hành (CEO) người Ấn Độ 51 tuổi của Microsoft -  Satya Nadella, ông chủ thứ ba trong lịch sử của tập đoàn do Bill Gates sáng lập.

Nadella gia nhập Microsoft vào tháng 2-2014. Có lẽ ông không phải là người nổi tiếng nhất cũng như không có sức lôi cuốn nhất trong số những “ông chủ” vĩ đại. 
Nhưng trong buổi tiệc kỷ niệm 5 năm ngày đứng đầu Microsoft, Satya Nadella có thể tự hào về con đường đã đi, biến công ty thành người khổng lồ trong lĩnh vực điện toán đám mây và không còn bị so sánh với Google, Apple, Facebook hay Amazon, những nơi thường khiến Microsoft bị lu mờ trong những năm gần đây.
Sự trỗi dậy của một kỹ sư tài giỏi
Sinh năm 1967 tại Hyderabad (phía Đông Nam Ấn Độ), cha của Satya Nadella là nhà kinh tế học và mẹ là giáo sư của nhà hát tiếng Phạn. Khi Satya Nadella mới 8 tuổi, ở đầu kia thế giới, Bill Gates đã sáng lập hãng phần mềm Microsoft cùng người bạn đồng hành Paul Allen. Satya Nadella là một học sinh giỏi và có niềm đam mê mãnh liệt với môn cricket.
Được cha mẹ khuyến khích khám phá tri thức, thúc đẩy trí tò mò, anh theo học tại Học viện Công nghệ Manipal và tốt nghiệp năm 1988 với bằng kỹ sư điện. Nhưng số phận chàng trai Ấn trẻ tuổi đã rẽ ngang khi anh được nhận vào Đại học Milwaukee ở Mỹ, vào cuối những năm 80 học về tin học. Ông có thêm 2 bằng thạc sĩ: một về khoa học máy tính từ Đại học Wisconsin, và một bằng quản trị kinh doanh từ Đại học Chicago. Nadella làm việc tại Sun MicroSystems cho đến năm 1992.
Từ năm 1992, Nadella được Microsoft, công ty có trụ sở tại Redmond, Washington, tuyển dụng. Được mô tả là biết cách ứng dụng, hiếu kỳ và khiêm tốn trong một thế giới vốn bị coi có quá nhiều người kiêu ngạo, Satya Nadella nhanh chóng hòa nhập và tiến dần từng bước.
 CEO Satya Nadella: Người biến đổi Microsoft ảnh 1  
Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch bộ phận kinh doanh của Microsoft, Phó Chủ tịch nghiên cứu và phát triển của bộ phận dịch vụ trực tuyến (từ năm 2009-2011). Ông tiếp tục làm Chủ tịch Công ty phần mềm khổng lồ trị giá 19 tỷ USD Server and Tools Business (2011-2013). Gần đây nhất, ông giữ chức Phó Chủ tịch điều hành nhóm Cloud and Enterprise nhằm định hình chiến lược hệ điều hành Cloud OS của Microsoft, hệ thống phụ trợ cho các dịch vụ trực tuyến của mình.
Cloud OS giúp chạy các dịch vụ của Microsoft như Bing, SkyDrive, Xbox Live, Windows Server và Visual Studio. Các dịch vụ này, đặc biệt là Office, xếp hạng mạnh nhất trong số các dịch vụ của Microsoft.
Quyết định chiến lược
Tháng 2-2014, Satya Nadella trở thành CEO trong bối cảnh công ty hỗn loạn, với hàng loạt cuộc tranh giành nội bộ khốc liệt. Vị thế của Microsoft ngày càng xuống dốc khi Windows 8 bị coi là thảm họa, hoạt động kinh doanh tập trung vào các phần mềm gốc bấy lâu (Office, Windows), còn mảng điện thoại Windows bị Android và iOS vượt mặt. Microsoft ngày càng bảo thủ trong việc tiếp cận xu hướng bùng nổ phát triển công nghệ, vị trí số 1 thế giới về trị giá vốn hóa rơi vào tay đối thủ trực tiếp Apple. 
 Khi CEO Steve Ballmer rời khỏi vai trò quản lý của Microsoft vào năm 2014, Satya Nadella đảm nhiệm vị trí bỏ trống đó, sát cánh với cố vấn công nghệ uy tín Bill Gates, trở thành ông chủ thứ ba trong lịch sử của tập đoàn.
Không ít nhà đầu tư tự hỏi liệu sản phẩm thuần túy này của hãng có thể đánh thức con khủng long đang trên đường đi xuống không. Tuy nhiên, Satya Nadella đã nhanh chóng tạo dấu ấn nhờ phong cách thoải mái, nhờ những bài phát biểu không khác gì tài liệu văn học tham khảo, nhưng lại là những lựa chọn chiến lược cho kỷ nguyên mới.
Phá vỡ những điều cấm kỵ của 2 người tiền nhiệm, ông thúc đẩy việc mở cửa cho phần mềm Office chạy được trên điện thoại và máy tính bảng Apple và Google, cấp miễn phí Windows cho các nhà sản xuất thiết bị. Ông chấm dứt cuộc phiêu lưu của Microsoft trong lĩnh vực di động với Nokia. Công ty chỉ giữ lại các bằng sáng chế, và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các dịch vụ đám mây.
Để đa dạng hóa công ty, Satya Nadella cũng bắt tay vào việc thực hiện các thương vụ mua lại đắt tiền (Linkedin, Minecraft). Khi đó, LinkedIn trở thành công cụ khiến không một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Microsoft trên lĩnh vực doanh nghiệp. Trò may rủi lớn gần nhất của ông là tiếp quản nền tảng mã hóa Github với giá 7,5 tỷ USD.
Kết quả là gã khổng lồ đã trở lại, hiện là một trong những công ty đứng đầu về điện toán đám mây cùng với Amazon và Google. Theo báo cáo kinh doanh của Microsoft công bố ngày 24-4, lợi nhuận của tập đoàn này đã tăng 19%, lên 8,8 tỷ USD trong tổng doanh thu 30,8 tỷ USD trong quý I-2019 tính đến ngày 31-3.
 
Hình ảnh đáng mến
Satya Nadella cũng đã thành công trong việc rũ bỏ lớp bụi cố hữu phủ lên hình ảnh của các công ty phần mềm để biến nó thành một doanh nghiệp tuyệt vời. Mặc dù có nhiều thành tích đưa công ty đứng đầu thế giới về vốn hóa, nhưng Nadella, cha của 3 đứa trẻ, chỉ đứng thứ 40 trong bảng xếp hạng của Forbes về những nhân vật quyền lực nhất hành tinh, cách xa các nhân vật tầm cỡ khác như Jeff Bezos, Mark Larry, Mark Zuckerberg, Jack Ma, Tim Cook, Elon Musk... Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá điều này không hề khiến Staya Nadella buồn lòng vì nếu cứ tiếp tục gặt hái thành công như hiện nay, CEO tài ba này sẽ nhanh chóng tiến gần đến những vị trí đầu tiên.
Các nhà phân tích coi Nadella là người cầm lái an toàn có thể thay đổi Microsoft. Trên báo Economic Times của Ấn Độ, ông Cameron Rajeev Chand, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của một ngân hàng đầu tư công nghệ nhận định Nadella là người phù hợp để lèo lái công ty đúng hướng và tiếp tục phát huy được thế mạnh của Microsoft.
Lúc đầu, mọi người nghi ngờ bởi di động là một lỗ hổng trong kiến thức nền của Nadella. Chọn một người có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực di động để lãnh đạo một công ty đang rất cần một chiến lược dành cho di động có vẻ không hợp lý. Tuy nhiên, qua thời gian Nadella đã thể hiện được khả năng thích nghi với môi trường mới. 

Các tin khác