CEO Larry Page: Người khởi đầu Google

(ĐTTCO) - Larry Page và Sergey Brin là 2 nhà đồng sáng lập Công ty Google. Kể từ khi ra đời đến nay, Google đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong đời sống thường nhật của nhân loại, và có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ số của thế giới. 
Sự sáng tạo không ngừng, niềm đam mê khoa học công nghệ, cùng bản lĩnh táo bạo đã xây dựng nên hình tượng một CEO khởi nghiệp thành công lừng lẫy trên khắp thế giới.
Larry Page có bằng cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Michigan (Mỹ). Sau đó ông theo học tiến sĩ tại Đại học Stanford. Ở Stanford, ông gặp Sergey Brin. 2 người nhanh chóng trở thành bạn thân do có cùng niềm đam mê công nghệ mãnh liệt. 

Mất chức vì quyết định sai lầm
Năm 1998, Larry Page trăn trở với câu hỏi về một "cỗ máy" tìm kiếm thông tin. Lúc bấy giờ, Altavista là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất, sử dụng từ khóa để cho ra kết quả tìm kiếm có liên quan với thông tin người dùng cần. Page nhận thấy rằng sẽ tốt hơn nếu một công cụ tìm kiếm có thể xếp hạng các trang web dựa theo tính liên quan của các trang web đó so với nội dung người dùng đang cần, bằng cách sử dụng các thuật toán từ khóa phức tạp hơn. Liệu có cách nào tải hết toàn bộ trang web, và ông bắt đầu miệt mài với ý tưởng đó. 
CEO Larry Page: Người khởi đầu Google ảnh 1
Ông rủ Brin cùng tham gia với cỗ máy tìm kiếm có tên gọi ban đầu BackRub. Dự án sau đó nhanh chóng trở thành Google. Đây là cái tên xuất phát từ nguyên bản “googol” - một dãy số với số 1 đứng đầu và 100 số 0 theo sau, tương ứng với ý nghĩa một công cụ tìm kiếm cung cấp lượng thông tin khổng lồ. Thành công liên tiếp trong 3 năm đầu thành lập, Larry Page trở nên tự tin hơn, nhưng đây cũng là lúc khủng hoảng bắt đầu xuất hiện tại Google. 
Xuất thân là người làm công nghệ thông tin, Larry Page không có bất cứ kinh nghiệm trong mảng điều hành và quản lý. Năm 2001, Google đã trở thành công ty có vị thế lớn tại nước Mỹ, Larry Page bất ngờ nhận hàng loạt đánh giá bất tín nhiệm đến từ các nhân viên, các quản lý dưới quyền vì những bất đồng trong cách quản lý nhân sự, điều hành công ty giữa ông và hội đồng quản trị.
Larry cho rằng văn hóa tự do chính là cách để các nhân viên có thể trao đổi trực tiếp với ban giám đốc giúp tiến độ công việc hoàn thành hiệu quả hơn: "Không ủy thác quyền cho bất kỳ ai, hãy làm mọi điều bạn có thể để hoàn thành công việc nhanh hơn". Nhưng thực tế hoạt động của công ty cho thấy, mỗi công việc cần có một vị trí chịu trách nhiệm cho những vấn đề của họ.
Đỉnh điểm tháng 7-2001, Page bất ngờ quyết định sa thải toàn bộ quản lý dự án, bởi do họ không làm tốt phần việc của mình. Hơn thế nữa, ông không tin tưởng khả năng lãnh đạo của những người không có chuyên môn máy tính có thể quản lý đội ngũ kỹ sư của công ty. Tuy nhiên, quyết định này của ông không được đón nhận. Để cứu vãn tình thế chia rẽ và tránh Google phải chịu khủng hoảng trầm trọng hơn, Larry Page đã lựa chọn việc rút lui, thay thế bởi cựu CEO của Công ty Novell, Eric Schmidt. 
Yếu tố thành một nhà lãnh đạo tốt
Eric Schmidt giữ cương vị CEO Google trong vòng 10 năm. Dưới thời của Schmidt, Google phát triển phồn thịnh với sự kiện IPO thành công năm 2004 và thương vụ thâu tóm Android năm 2005. Số lượng nhân viên của Google tăng lên tới 24.000 người và giá trị vốn hóa thị trường đạt 180 tỷ USD.
Nhưng đến năm 2011, Google gặp phải một mối đe dọa hoàn toàn lạ lẫm trước đây họ chưa từng biết đến, mang tên Facebook của nhà lãnh đạo trẻ Mark Zuckerberg. Google trở nên bệ rạc và rã rời khi hàng loạt nhân sự chất lượng cao bắt đầu rời bỏ công ty và đầu quân cho Facebook. Đỉnh điểm vào năm 2010, hơn 140 kỹ sư cấp cao của Google tham gia đầu quân dưới quyền điều hành của Mark Zuckerberg. 
Trước sức ép quá lớn từ Facebook, Larry Page trở lại vị trí CEO của Google vào năm 2011, đặt ra mục tiêu đưa Google trở thành công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới và phát triển Google trở thành một công cụ đa năng nhất. Để làm được điều đó, điều đầu tiên Larry Page phải thực hiện tái cơ cấu hệ thống nhân sự.
Ông nhận thấy các nhân viên đang mất phương hướng trong việc phát triển công ty, ban giám đốc quan liêu khiến công ty chia rẽ sâu sắc, và điều tất yếu là chảy máu chất xám. 
Ngay sau khi trở lại lãnh đạo, Larry Page đã đích thân mời các CEO từ các công ty khác được Google sáp nhập tham gia điều hành nhiều mảng của Google, đồng thời sẵn sàng trao quyền cho các nhân viên thân thiết điều hành những bộ phận quan trọng.
Điều này giúp Google giữ chân các nhân tài, và bước đầu tái thiết lực lượng nhân sự chất lượng cao và trung thành với công ty. Ở Google, Page được biết đến là người luôn đưa ra những câu hỏi. Ông luôn quan tâm mọi người thực hiện công việc như thế nào và thách thức bằng những giả thuyết rằng tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy. 
Trong cuộc phỏng vấn tại một diễn đàn năm 2015, Page chia sẻ: “Tôi rất thích trò chuyện với những người điều hành trung tâm dữ liệu của công ty. Tôi hỏi họ những câu về máy biến thế hoạt động thế nào? Nguồn năng lượng được chuyển vào ra sao? Để rồi sau đó hướng đến hoạt động của công ty chúng ta trả giá thế nào cho việc này? Tôi luôn suy nghĩ về tất cả những câu hỏi ở khía cạnh một doanh nhân, một người làm kinh doanh, tìm hiểu xem cơ hội nằm ở đâu”.
Bên cạnh đó, Larry Page đã liên tục phát triển những sản phẩm và công cụ mới với những chức năng khác nhau tung ra thị trường. Vào năm 2012, công ty ra mắt mạng xã hội Google+, laptop Chromebook, kính thông minh Google Class, dịch vụ internet tốc độ cao Fiber và nhiều sản phẩm khác.
Đến 2015, hãng tái cấu trúc quy mô lớn và Page trở thành CEO Alphabet - công ty mẹ của Google. Ở vị trí này, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu những công nghệ mới, gặp gỡ và tìm kiếm nhân tài, hoạch định những bước đi tiếp theo của hãng. Thông qua Alphabet, Page muốn theo đuổi đam mê với các thiết bị thông minh trong nhà, lan tỏa internet thông qua dự án Project Loon và kéo dài cuộc sống của con người.
Với việc thu về hàng loạt bằng sáng chế công nghệ từ các công ty phần mềm khác nhờ vào những thương vụ M&A, giờ đây Google không chỉ là công cụ tìm kiếm thông tin thông thường, mà đã sở hữu hàng loạt chức năng tiện ích khác góp phần xây dựng cuộc sống của con người trở nên tiện nghi hơn. Những chiến lược của Larry Page dần trở nên có hiệu quả, Google đã trở lại đúng định hướng mà Larry Page đề ra. 
Trong quý III-2013, chỉ sau 2 năm Larry Page trở lại vị trí CEO, Google đạt được doanh thu lên đến 14,89 tỷ USD. Riêng dịch vụ tìm kiếm của Google đã đóng góp 10,8 tỷ USD trong doanh thu được tính bằng số lần nhấp chuột của người dùng vào quảng cáo. Tiếp theo đó, năm 2016, Google đã trở thành thương hiệu có giá trị cao thứ 2 trên thế giới, giá trị tổng tài sản được định mức 133 tỷ USD.  
Larry Page là một trong những nhân vật quyền lực có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2018, ông đứng trong top 10 người giàu nhất hành tinh, Forbes ước tính khối tài sản của ông hiện tại khoảng 53,8 tỷ USD.

Các tin khác