CEO Florian Reuter - Biến giấc mơ taxi bay…

(ĐTTCO) - Florian Reuter, một doanh nhân trẻ và CEO của Công ty công nghệ khởi nghiệp Volocopter của Đức, được dự đoán sẽ trở thành CEO công nghệ cao thế hệ mới khi sản phẩm taxi bay Volocity của ông và công ty đang nhận được sự đánh giá cao sau những màn bay thử nghiệm thành công gần đây. Dự kiến trong tương lai, taxi bay sẽ là một giải pháp hữu ích để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông đô thị.

Dù đi sau…
CEO Florian Reuter và Công ty Volocopter không phải là người duy nhất trong cuộc đua taxi bay sử dụng trong đô thị. Vào tháng 5-2019, Công ty nghiên cứu thị trường Roland Berger cho biết có đến 170 công ty và tập đoàn đang tham gia vào cuộc cạnh tranh phát triển các phương tiện bay sử dụng năng lượng điện, và một nửa trong số này phát triển taxi bay sử dụng trong đô thị. 
Hơn thế nữa, vào tháng 10-2019, hãng xe hơi nổi tiếng của Đức Porsche đã thông báo kế hoạch hợp tác cùng Boeing phát triển các mẫu xe taxi bay. Trong khi đó, Huyndai của Hàn Quốc đã thuê đội ngũ kỹ sư chế tạo tên lửa của NASA để phát triển các phương tiện di chuyển trên không và hãng taxi công nghệ Uber dự kiến sẽ thực hiện buổi bay thử đầu tiên của công nghệ mới Uber Air trong năm nay.
CEO Florian Reuter - Biến giấc mơ taxi bay… ảnh 1 CEO Florian Reuter đứng bên chiếc taxi bay Volocity.
Dù không phải là công ty duy nhất chế tạo taxi bay sử dụng năng lượng điện, nhưng Florian Reuter và Volocopter là người tiên phong mở đầu cho cuộc cạnh tranh đến tương lai. Phát kiến về chiếc taxi bay Volocity sử dụng năng lượng điện đã được nhen nhóm từ những năm 2010 bởi 2 kỹ sư phần mềm Alexander Zosel và Stephan Wolf. Tuy nhiên, chỉ sau khi Florian Reuter tham gia vào dự án vào tháng 1-2015, chiếc taxi bay Volocity mới thật sự được bay lên bầu trời.

Nhưng đang vươn lên bằng ý tưởng
Volocopter vốn là một công ty khởi nghiệp, trong những ngày đầu hoạt động chỉ nhận được khoản hỗ trợ có trị giá hơn 2 triệu USD đến từ Bộ Tài chính Đức. Với nguồn vốn khiêm tốn và hạn hẹp này, Volocity không thể cất cánh. Vì vậy, ngay khi trở thành CEO của Volocopter, ưu tiên hàng đầu của Florian Reuter là giúp công ty nhận được các khoản đầu tư và tài trợ nhiều nhất có thể. 
Bằng mối quan hệ của mình trong suốt thời gian hoạt động tại Siemens AG Munich, Florian Reuter đã tranh thủ được sự ủng hộ từ Ủy ban An toàn hàng không CHLB Đức và nhận được chứng chỉ an toàn bay trong đô thị dành cho chiếc taxi bay Volocity. Dù phải hoạt động với nguồn vốn ít ỏi từ những ngày đầu, nhưng Florian Reuter đã khéo léo xoay sở để có thể sử dụng khoản tiền này đúng chỗ để nhằm tạo ra những thay đổi đúng thời điểm. 
Trong khi thị trường vẫn băn khoăn về sự khả thi của chiếc taxi bay Volocity sử dụng năng lượng điện, Florian Reuter đã lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu khả năng tự vận hành cho chiếc taxi bay này. Khi được hỏi về quyết định đầy táo bạo này của mình, Florian Reuter đã bày tỏ quan điểm của mình rằng hầu hết các doanh nghiệp khác chú trọng đến cải tiến chất lượng công nghệ cho sản phẩm, để tạo được sự đột phá, Volocity cần tạo ra một sự khác biệt trong sản phẩm của mình nhằm mang đến cho khách hàng sự tiện lợi tối đa nhất và đó là lý do công nghệ tự vận hành được áp dụng cho Volocity. 
Florian Reuter nhận định thành phố Dubai (UAE) là nơi tập trung của hầu hết giới nhà giàu cũng như các vương giả quý tộc, là thị trường tiềm năng cho sự phát triển của dịch vụ taxi bay đô thị Volocity. Ông đã chinh phục thành công thị trường này khi nhận được sự đồng thuận từ cơ quan về giao thông vận tải của chính quyền Dubai vào tháng 6-2017. Ngay sau khi thông tin về buổi lễ ký kết giữa chính quyền Dubai và Florian Reuter, Volocopter đã nhận được một khoản đầu tư khổng lồ có trị giá lên đến 30 triệu USD đến từ Tập đoàn Daimler, tập đoàn mẹ của thương hiệu xe hơi Mercedez-Benz và hàng loạt các thương hiệu xe hơi khác nổi tiếng của Đức vào tháng 8-2017. 
Ngay sau khi chuyến bay thử nghiệm của Volocity diễn ra thành công vào tháng 11-2017, trang truyền thông của Volocopter đã đăng tải thông tin về việc công ty nhận được khoản đầu tư có giá trị cao đến từ một tập đoàn công nghệ của Mỹ. Với gói đầu tư trị giá 5 triệu USD ban đầu, Tập đoàn Intel tăng dần đầu tư qua từng năm và giờ đây đã là “ông lớn” thứ 2 ngoài Daimler tham gia chia sẻ cổ phần của Volocopter. 

Những phát kiến không tưởng
Florian Reuter hướng đến việc xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ cao trong thành phố nhằm phục vụ tối đa cho quá trình vận hành của Volocity. Theo ý tưởng của CEO Florian Reuter, hệ thống này sẽ bao gồm 2 cơ sở chính để điều hành quá trình vận hành của hệ thống taxi bay Volocity là Volo-Hubs và Volo-Port. Volo-Hubs có chức năng như một trạm dừng của taxi bay.
Ngay sau khi đáp xuống trạm dừng Volo-Hubs, từng chiếc taxi bay sẽ được tự động di chuyển vào trong nhà ga nhằm giúp cho hành khách tránh được các ảnh hưởng từ thời tiết như gió hoặc mưa. Tại đây, những chiếc taxi bay sẽ được cung cấp nhiên liệu và bảo dưỡng nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra. Sau mỗi 30 giây, một chiếc Volocity khác sẽ được di chuyển đến bãi cất cánh và thực hiện các chuyến bay tiếp theo. 
Trong khi đó Volo-Ports cũng được lên ý tưởng vận hành như Volo-Hubs, nhưng có quy mô lớn hơn và được đặt tại nhiều địa điểm khác nhau như trên sân thượng của các trung tâm thương mại, các bệnh viện, các cơ quan hành chính quan trọng trong thành phố hay tại các địa điểm có nhiều người qua lại như quảng trường thành phố… 
Vào ngày 18-2-2020, Grab, thương hiệu vận tải công nghệ lớn nhất của thị trường Đông Nam Á bất ngờ tuyên bố họ sẽ thực hiện các nghiên cứu về việc tiến hành xây dựng hệ thống các chuyến bay taxi cùng Volocopter tại các nước Đông Nam Á. 

Các tin khác