Ceo Bob Iger: Kiến thiết đế chế thâu tóm

(ĐTTCO) - Walt Disney, một đế chế đứng đầu trong ngành giải trí và truyền thông thế giới ngày nay, với tổng tài sản lên đến 98,9 tỷ USD. Nhưng ít ai biết, người đã đưa tên tuổi của tập đoàn Walt Disney phát triển rực rỡ như ngày nay từng là CEO (tổng giám đốc điều hành) công ty đối thủ của Walt Disney, và bị chính tập đoàn này thâu tóm: CEO Robert Allen Iger.

Robert Allen Iger (hay còn gọi là Bob Iger), tốt nghiệp Đại học Ithaca chuyên ngành Phát thanh truyền hình, và bắt đầu sự nghiệp tại Hãng truyền hình American Broadcasting Company (ABC). Tháng 7-1993, ông giữ chức Phó Chủ tịch ABC, và 1 năm sau (1994) trở thành Chủ tịch và Giám đốc phát triển ABC. 

Thời thế tạo anh hùng
Tuy nhiên, năm 1995, Tập đoàn Walt Disney dưới kỷ nguyên hoàng kim của CEO Micheal Eisner đã thâu tóm hãng ABC, để sở hữu toàn bộ cơ sở vật chất và nguồn nhân lực công ty. CEO Eisner cho phép Bob Iger tiếp tục nắm giữ quyền điều hành ABC, đồng thời chỉ định thêm chức Giám đốc mảng quốc tế của Walt Disney. Trong suốt quá trình giữ vị trí mảng quốc tế, Bob Iger đã liên tục phát triển các dự án công viên giải trí Disneyland, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp và quảng bá hình ảnh Disney rộng rãi trên khắp thế giới. 
Ceo Bob Iger: Kiến thiết đế chế thâu tóm ảnh 1
 Năm 2000, doanh thu của ABC dưới quyền điều hành Bob Iger đã đem về tới 34% lợi nhuận cho Walt Disney. Do đó, ông đã được ban lãnh đạo và hội đồng quản trị chỉ định để trở thành COO (giám đốc kinh doanh) mới của Walt Disney, vị trí có quyền lực và sức ảnh hưởng lớn thứ 2 tại Walt Disney chỉ sau CEO Micheal Eisner. 
 Walt Disney phải tạo ra những bộ phim hoạt hình ăn khách, để từ đó sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn trên thị trường. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái ăn theo các bộ phim hoạt hình đình đám như công viên giải trí, các trò chơi điện tử, các ấn phẩm, quà lưu niệm nhằm tạo ra doanh thu từ các mặt hàng này. 
CEO Bob Iger
Tập đoàn Walt Disney những năm thập niên 90 đến 2000 có một loạt thành công của các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Aladdin (1992), Tarzan (1995), Vua sư tử (1995)… được ví là thời kỳ hoàng kim thứ hai sau sự xuất hiện lần đầu tiên của Chuột Mickey. Tuy nhiên, khoảng thời gian tươi đẹp này không kéo dài. Năm 2001, Walt Disney phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm gần 4.000 nhân viên để có đủ chi phí hoạt động. Điều này đã dẫn đến những cuộc tranh đấu trong nội bộ của hội đồng quản trị, dẫn đến việc CEO Micheal Eisner phải nộp đơn từ chức. Walt Disney rơi vào tình trạng rắn mất đầu. 
Cùng thời điểm này, gã “tân binh” trong ngành hoạt hình Pixar dưới sự điều hành của CEO tài năng Steve Jobs, với loạt phim Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) và A Bug’s Life (Thế giới côn trùng), đang ngày càng lớn mạnh và cạnh tranh trực tiếp với Walt Disney làm công ty càng thêm khó khăn.
Trong tình nghiêm trọng, tháng 3-2005 ban lãnh đạo đã quyết định lựa chọn Bob Iger kỳ vọng tái thiết và định hình tầm nhìn mới cho Walt Disney. Điều đầu tiên sau khi trở thành CEO là Bob Iger giải quyết bất đồng trong nội bộ của Walt Disney, hậu quả của cuộc cạnh tranh là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nhân viên và các cổ đông lớn. Bob Iger đã hàn gắn và xây dựng lại lòng tin tất cả mọi người trong công cuộc tái thiết. Ông đã đặt ra một tầm nhìn và phương hướng phát triển mới cho công ty. 
Ceo Bob Iger: Kiến thiết đế chế thâu tóm ảnh 2 Các công viên Disneyland giúp tập đoàn Walt Disney quảng bá hình ảnh khắp thế giới. 
Chiến dịch thâu tóm
Bob Iger nhận ra một điều, Walt Disney luôn đi đúng lộ trình, nhưng kết quả lại là con số không. Lý do các bộ phim hoạt hình nổi tiếng và ăn khách đều được phát hành bởi Pixar, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Walt Disney. Bob Iger thực hiện thương vụ mua lại toàn bộ Pixar từ tay Steve Jobs với giá 7,4 tỷ USD. Thương vụ này bao gồm xưởng sản xuất, các nhân viên đồ họa tài năng nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cho Walt Disney. Đồng thời, đưa CEO Steve Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của Walt Disney. Được sự hỗ trợ từ ông chủ hãng Apple, công ty có được một nguồn vốn hoạt động cực kỳ hiệu quả.
Để tiếp tục đẩy mạnh và phát triển các công viên giải trí và các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp trên toàn thế giới hướng đến mọi đối tượng và thực hiện được tham vọng to lớn này, Bob Iger đã thâu tóm hàng loạt hãng sản xuất phim lớn tại Hollywood lúc bấy giờ. 
Tháng 8-2009, nhận thấy tiềm năng giải trí chất lượng cao từ hãng sản xuất truyện tranh siêu anh hùng nổi tiếng Marvel Entertainment, ông đã quyết định thâu tóm bằng thương vụ trị giá 4 tỷ USD, và sở hữu toàn bộ bản quyền truyện tranh và hàng loạt các ý tưởng về thế giới của các siêu anh hùng Marvel. Kết quả là loạt series phim về các siêu anh hùng Marvel được làm mới hoàn toàn và gây chấn động trên toàn cầu, tạo thành một hiện tượng mới trong ngành giải trí, thu về hàng tỷ USD phòng vé sau mỗi bộ phim. 
Chưa dừng lại ở đó, tháng 10-2012, Bob Iger đã ký hợp đồng trị giá 4 tỷ USD với nhà làm phim George Lucas, để tiếp tục thâu tóm hãng phim Lucasfilm Ltd. Sở hữu được hãng phim này đồng nghĩa với việc Walt Disney có đầy đủ quyền sở hữu đối với loạt phim đã từng làm mưa làm gió trong quá khứ Star War (Chiến tranh giữa các vì sao), và tiếp tục phát hành loạt phim tiếp theo và thu về hàng tỷ USD tiền vé.
Để làm rõ hơn về tham vọng của Bob và Walt Disney, không thể không kể đến chiến dịch thâu tóm hãng phim 21st Century Fox, tập đoàn truyền thông lớn thứ 4 thế giới lúc bấy giờ. Tháng 12-2017, Walt Disney đưa ra giá mua lại phần lớn tài sản trực thuộc của hãng phim 21st Century Fox lên tới 52,4 tỷ USD. Tuy nhiên, Fox của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch sáng lập, vẫn chưa hoàn toàn đồng ý. Một đối thủ khác là Comcast nhảy vào thương vụ và đưa ra giá trị hợp đồng lên đến 65 tỷ USD. 
Đứng trước nguy cơ mất trắng 21st Century Fox, Bob Iger đã quyết định nâng mức giá lên con số khổng lồ 71,3 tỷ USD, con số cao nhất trong suốt lịch sử của Walt Disney từng chứng kiến. Thương vụ chính thức ngã ngũ vào tháng 3-2019 vừa qua, Walt Disney sở hữu toàn bộ hãng phim Fox và bản quyền của tất cả các bộ phim ăn khách mà hãng này từng sản xuất như X-Men (Dị nhân), Deadpool (Quái nhân), Fantastic Four (Bộ tứ siêu đẳng), Avatar, và nhà phát hành Fox Searchlight (từng giành chiến thắng giải Oscar với phim The Shape of Water -Người đẹp và thủy quái), cùng một số chương trình truyền hình ăn khách như The X-Files, Empire. Có được Fox, Bob Iger đã chính thức đưa Walt Disney trở thành gã khổng lồ thống trị ngành giải trí trên toàn cầu, bên cạnh hàng loạt công viên giải trí, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới.
Những gì Bob Iger đã làm trong suốt thời gian qua đủ để ban lãnh đạo Walt Disney quên đi hình bóng của Micheal Eisner tài năng hơn 10 năm về trước. Giờ đây dưới thời của Bob Iger, Walt Disney đã đạt được những thành công ngoài mong đợi, tổng giá trị tài sản lên đến 98,9 tỷ USD, mang về 15 tỷ USD lợi nhuận hàng năm, biến Disney trở thành hãng sản xuất phim lớn nhất trong ngành giải trí, cung cấp hàng loạt những phương tiện giải trí dành cho mọi đối tượng. 
 Khi nắm quyền, CEO Bob Iger bắt đầu hàng loạt thương vụ thâu tóm hàng tỷ USD trong ngành giải trí Mỹ, và xây dựng Walt Disney thành một đế chế khổng lồ, đứng đầu ngành giải trí toàn thế giới. Disney thống lĩnh các chương trình truyền hình trên khắp nước Mỹ, sản xuất và phát hành hàng loạt bộ phim bom tấn dẫn đầu các phòng vé trên toàn cầu. 

Các tin khác