CEO Alan Mulally - Người hùng của Ford

(ĐTTCO) - Alan Mulally, xuất phát điểm là chàng kỹ sư hàng không vũ trụ, tốt nghiệp Trường Đại học Kansas và theo học khóa Tiến sĩ Quản lý tại Đại học M.I.T (Mỹ). Nhưng thành tựu khi giữ vị trí Giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất xe hơi có lịch sử lâu đời nhất Ford Motor Company đã đưa ông vào top 3 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới năm 2013 theo đánh giá của Tạp chí Fortune.

Câu hỏi được đặt ra là Alan Mulally đã làm gì và những tố chất nào giúp ông từ một kỹ sư ngành hàng không đã trở thành CEO vĩ đại thứ 2 của Ford Motor Company, sau người sáng lập tài ba Henry Ford. 

Lựa chọn kẻ ngoại đạo
Vào giữa mùa hè năm 2014, Mulally đã hoàn tất sứ mệnh trong 9 năm điều hành tại Ford Motor Company kể từ năm 2006. Ông đã đưa Ford từ một gã khổng lồ cháy túi đang trên đà suy thoái và chìm vào dĩ vãng, trở lại thành một tập đoàn lớn mạnh và là công ty mẹ của các thương hiệu nổi tiếng, thu về lợi nhuận liên tiếp trong 19 quý, vượt thoát cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 một cách kỳ diệu và trở lại vị thế tập đoàn sản xuất xe hơi có lịch sử hơn một thế kỷ tại Mỹ.
CEO Alan Mulally - Người hùng của Ford ảnh 1  
Điều đặc biệt, Mulally đã làm được điều này ngay trong thời kỳ u ám nhất của lịch sử kinh tế thế giới và ngành sản xuất ô tô toàn cầu, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế kéo dài nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng trong thập niên 30 của thế kỷ trước. 
Để làm rõ hơn về quá trình điều hành tại Ford Company Motor, phải kể đến thời kỳ khủng hoảng nhất của hãng này vào thời điểm trước khi Mulally được mời về từ Boeing. Năm 2006, khủng hoảng tài chính bắt đầu manh nha xuất hiện trên thị trường tài chính Mỹ, điều này dẫn đến việc doanh số bán xe hơi giảm mạnh, Ford đã thâm hụt 12,7 tỷ USD trong giai đoạn này, cùng với đó cổ phiếu mất giá trầm trọng trên thị trường chứng khoán, từ 17,34USD/cổ phiếu năm 2004 đã giảm còn 8,39USD và còn 1,01USD/cổ phiếu trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Một số nhà phân tích đầu tư và các chuyên gia đã nghi ngờ Ford sẽ không thể duy trì hoạt động và bị buộc phải phá sản. Hàng loạt sự cố khiến Ford phải thu hồi lại toàn bộ các mẫu xe SUV và xe cỡ lớn của mình trên thị trường, cùng với việc giá dầu tăng cao khiến Ford đứng bên bờ vực phá sản. Trong thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Bill Ford, chắt nội của nhà sáng lập Henry Ford, đã có bước đi lịch sử, nhanh chóng mời Alan Mulally, đang là Giám đốc điều hành của hãng máy bay lớn nhất thế giới Boeing vào thời điểm đó, trở thành Giám đốc điều hành Ford Motor Company. 
Đã có nhiều phản ứng trái chiều cũng như giận dữ về phía vị Chủ tịch và Giám đốc điều hành mới của Ford vào thời điểm đó, họ cho rằng Mulally chỉ là “kẻ ngoại đạo”, không có kinh nghiệm điều hành trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, vốn là ngành công nghiệp trụ cột suốt chiều dài lịch sử kinh tế nước Mỹ. Tuy nhiên, Mulally đã đáp trả: “Ford chỉ quản lý khoảng 3.000 bộ phận. Còn tôi từng điều hành một hãng sử dụng đến 30.000 chi tiết và bay trên trời”.

2 bài học lớn
Có 2 bài học lớn người ta luôn nhắc về câu chuyện giải cứu thần kỳ Ford của Alan Mulally. Thứ nhất, tập trung vào cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong tổ chức. Bài học này bao gồm việc thấu hiểu kỹ và kiểm soát được toàn bộ khủng hoảng công ty đang đối mặt. Đối với Ford, việc “gánh vác” quá nhiều thương hiệu trên toàn thế giới đã làm công ty bị quá tải.
Ford kỳ vọng tạo ra một phân khúc thị trường cho giới thượng lưu bằng việc mua lại các thương hiệu đẳng cấp như Aston Martin, Land Rover, Jaguar hay Volvo sẽ thu hút các nhà giàu có niềm đam mê xế hộp. Thật không may, chính những thương hiệu này lại trực tiếp cạnh tranh lẫn nhau về nguồn lực khan hiếm, đã tạo ra những khoản lỗ Ford không ngờ tới.
CEO Alan Mulally - Người hùng của Ford ảnh 2 Mulally được ví như siêu anh hùng giải cứu ngành công nghiệp ô tô Mỹ. 
Đến thời Mulally, ông đã mạnh dạn bán tống hết các thương hiệu đắt đỏ này cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Điều này giúp Ford kiếm được một khoản tiền mặt kha khá để có thể bù đắp vào ngân sách trước khi “cơn bão” khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 ập đến trên toàn cầu. 
Bên cạnh đó, ngay sau khi thanh lọc cơ cấu Ford, Mulally bắt đầu tập trung vào phát triển lại dòng Taurus đã bị bỏ rơi từ vài năm trước, bên cạnh dòng Focus và Fiesta. Ông đòi hỏi dòng Taurus này phải là sản phẩm tốt nhất từ trước đến nay Ford từng sản xuất. Dự án hồi sinh Taurus dự kiến sẽ ngốn của Ford một khoản ngân sách khổng lồ.
Ông Mulally đã lên kế hoạch vay 23,6 tỷ USD từ các ngân hàng trên khắp nước và thế chấp toàn bộ tài sản của Ford. Một quyết định gây sốc cho toàn bộ hội đồng quản trị Ford. Chỉ sau 2 tuần, Mulally đã thực hiện toàn bộ những gì ông đã trình bày trước hội đồng quản trị Ford, mang về khoản vay 23,5 tỷ USD từ các ngân hàng. Khoản vay này đã giúp ngân sách Ford thêm dồi dào, đảm bảo duy trì hoạt động trong mọi viễn cảnh xấu nhất của nền kinh tế lúc bấy giờ. 
Và chỉ trong vòng 2 năm, dự đoán của Mulally hoàn toàn trở thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 càng xấu đi, doanh số bán ô tô sụp đổ trên khắp thế giới và thị trường vốn đóng băng trong suốt thời kỳ khủng hoảng. 2 đối thủ lớn của Ford là Chrysler và General Motors đã rơi vào tình trạng suy thoái. Họ buộc phải đến Washington vay vốn khẩn cấp từ chính phủ. 
Và bài học thứ hai có thể kể về Alan Mulally là cách ông đã truyền lửa cho tập thể nhân viên cùng đồng cam cộng khổ để Ford hồi sinh kỳ diệu và gồng mình vượt qua khủng hoảng. Ngay từ khi mới nhậm chức, ông đã tập hợp một tập thể các nhân viên quản lý ưu tú nhất trong công ty cùng thảo luận về tầm nhìn mới của Ford. Ông đã xây dựng một giá trị mới, “Ford trên hết” và giúp họ thấu hiểu triệt để giá trị chung của công ty.
Do đó, khi công ty gặp khó khăn, toàn thể cán bộ công nhân viên sẵn sàng làm thêm vào ngày cuối tuần cho đến 1-2 giờ sáng mà không đòi hỏi thêm bất cứ khoản tiền lương tăng ca nào. Thậm chí là những nhân viên sắp sửa nghỉ hưu cũng cố gắng ở lại làm thêm việc, vì họ cho rằng không biết ngày mai liệu còn được đồng hành cùng Ford nữa hay không. Theo Chủ tịch Bill Ford, Mulally đã cho ông bí quyết là doanh nghiệp không chỉ nên là nơi trả tiền lương, mà phải là nơi cho nhân viên một thứ gì hơn thế. Xây dựng tốt giá trị của công ty chính là phương thức giữ chân nhân viên hiệu quả nhất. 
Chỉ 9 năm làm việc tại Ford, Alan Mulally đã khiến những người từng gọi ông là "kẻ ngoại đạo”, không thuộc về ngành công nghiệp sản xuất ô tô, phải nhắc đến mình như siêu anh hùng, người giải cứu cả ngành công nghiệp sản xuất ô tô hàng trăm năm của Mỹ tránh khỏi sự sụp đổ. Thành tựu Mulally đạt được đến nay vẫn luôn được thế giới vinh danh và là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều giám đốc điều hành các tập đoàn lớn dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua những thách thức và khó khăn phải đối mặt. 
 Kết quả mà Ford đạt được dưới sự lãnh đạo của Alan Mulally là sự thành công ngoài mong đợi. Đến cuối năm 2009, doanh số của Ford đã đi lên rõ rệt và có mức tăng trưởng cao nhất trong ngành công nghiệp ô tô hậu suy thoái kinh tế. Năm 2010, khách hàng đã quay trở lại Ford. Tổng thống Obama cũng đã ghi nhận sự hồi sinh diệu kỳ của Ford so với các đối thủ khác.

Các tin khác