Carlos Slim Helú -“Ông vua” viễn thông Mỹ Latin

(ĐTTCO) - Carlos Slim Helú, tỷ phú giàu có nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại Mexico và khu vực Mỹ Latin. Carlos đã xây dựng một tập đoàn có tổng giá trị lên đến 64 tỷ USD, từ bưu chính viễn thông, bất động sản, bán lẻ, tài chính ngân hàng cho đến nước giải khát và thuốc lá… Liên tục từ năm 2010-2013, ông đã vượt qua Bill Gates và Warren Buffett để trở thành người giàu có nhất thế giới, theo xếp hạng của tạp chí Forbes. 

Tài năng của Carlos Slim chịu ảnh hưởng rất lớn từ người cha của mình, một doanh nhân và là nhà tư sản người Mexico gốc Lebanon. Ngay từ nhỏ, ông đã được cha hướng dẫn cách thức quản lý tài chính và thu nhập cá nhân, cùng với phân tích các số liệu tài chính và nắm rõ các quy luật vận động của nền kinh tế.
Carlos Slim với khả năng kinh doanh thiên phú và được sự hướng dẫn bài bản từ người cha, đã sớm bộc lộ tài năng, bắt đầu mua cổ phiếu của ngân hàng Mexico, thực hiện giao dịch trên các sàn chứng khoán và có được khoản lợi nhuận 200 peso mỗi tuần. Ông đã nhanh chóng trở thành cổ đông nhỏ tuổi nhất của ngân hàng này khi chỉ mới 15 tuổi. 

Từ đầu tư mạo hiểm
Sau khi theo học và tốt nghiệp khoa kỹ thuật dân dụng tại Đại học Mexico, thay vì theo nghiệp tài chính, ông được trường giữ tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, niềm đam mê kinh doanh vẫn thôi thúc ông từng ngày. Ông quyết định trở lại thương trường bằng việc thành lập công ty môi giới chứng khoán Inversora Bursátil, với nguồn vốn có được từ số tiền tích lũy từ những giao dịch thành công đầu tiên.
Carlos Slim Helú -“Ông vua” viễn thông Mỹ Latin ảnh 1
Carlos Slim nhanh chóng sở hữu hàng loạt cổ phần của hàng trăm công ty trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Mexico suốt 2 thập niên 60-70. Nhưng kỹ năng phân tích đầu tư chỉ thực sự thành công từ khi cuộc khủng hoảng nợ tại Mexico nổ ra vào những năm 1980. 
Tháng 8-1982, chính phủ Mexico tuyên bố vỡ nợ, không đủ khả năng chi trả cho các chủ nợ nước ngoài sau những khoản vay khổng lồ nhằm mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi Mexico, để lại hàng loạt công ty trên bờ vực phá sản. Carlos Slim, với hiểu biết chuyên sâu và nhận định về các quy luật của nền kinh tế, đã đánh cược rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế trong lịch sử sẽ là dấu hiệu bắt đầu của sự tăng trưởng mới. 
Với tư duy ngược đám đông, Carlos Slim đã mua lại hàng loạt công ty chuẩn bị phá sản với mức giá thấp, trong đó có những tên tuổi lớn như: sở hữu 40% cổ phần Tập đoàn British American Tobacco, tập đoàn sản xuất thuốc lá đa quốc gia nổi tiếng của Vương quốc Anh, gần 50% cổ phần của công ty sản xuất chocolate Hershey’s…
Chiến lược đầu tư mạo hiểm đúng thời điểm đã giúp Carlos Slim nhanh chóng trở thành người có ảnh hưởng nhất tại Mexico vào những năm 80, ông đã tham gia tất cả lĩnh vực từ khai khoáng, bán lẻ, thực phẩm, giải khát, thậm chí là sản xuất lốp xe. Đến năm 1987, chính phủ của Tổng thống De la Madrid được thay thế bởi người kế nhiệm Carlos Salinas, vị tổng thống có chủ trương tư nhân hóa tất cả doanh nghiệp của chính phủ Mexico.
Một lần nữa cơ hội lại đến với Carlos Slim. Ông nhanh chóng tiếp cận với Tổng thống Carlos Salinas, đưa ra lời đề nghị “vô tiền khoáng hậu” về việc sở hữu cổ phần Tập đoàn Viễn thông quốc gia Mexico (Telefonos de Mexico - Telmex). Thương vụ thành công, Carlos Slim sở hữu 51% cổ phần của Telmex trị giá 1,9 tỷ USD, cùng với mối quan hệ gắn bó với chính phủ Mexico. 
Với 2 lần mạo hiểm đầu tư những thời điểm khắc nghiệt nhất trong kỳ khủng hoảng, Carlos Slim đã nhanh chóng trở thành người giàu nhất Mexico, với khối tài sản lên đến 6,6 tỷ USD vào những năm 1990. Sau thương vụ Telmex, Mexico đã đón nhận một làn sóng tư nhân hóa, tạo ra nguồn thu bổ sung cho ngân sách của chính phủ giúp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Với tầm ảnh hưởng của mình, Carlos Slim đã góp phần vực dậy nền kinh tế Mexico sau thời kỳ khủng hoảng, tái cơ cấu môi trường kinh doanh, thanh lọc các nhà đầu tư nước ngoài cơ hội, yếu kém, tạo làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

Đến “ông trùm” viễn thông
Dưới sự điều hành của Carlos Slim, Telmex độc quyền thống lĩnh thị trường viễn thông Mexico liên tục trong vòng 7 năm. Ông đã cho nâng cấp hàng loạt cơ sở hạ tầng, đường dây điện, trạm phát… cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân tại thủ đô Mexico City và hơn 80% người dân trên khắp Mexico, thống lĩnh toàn bộ thị trường viễn thông của quốc gia Trung Mỹ này.
Đến giữa những năm 1990, kỷ nguyên internet bắt đầu. Với sự tinh tường và nhạy bén, Carlos Slim nhanh chóng tìm cách cập nhật xu thế mới để đón đầu thị trường. Nhằm tiết kiệm nguồn lực và tài chính để nghiên cứu và phát triển internet, Carlos Slim đã mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Sau một thời gian lớn mạnh, Carlos sử dụng nguồn tài chính khổng lồ của mình để sáp nhập các công ty viễn thông lại, tạo nguồn lực khổng lồ cho công ty. 
Để nhiều khách hàng có thể tiếp cận được với dịch vụ internet và viễn thông của mình, Carlos Slim đã thành lập một công ty con America Movil nằm dưới quyền điều hành của Grupo Carso (tập đoàn tài chính của Carlos Slim) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ viễn thông và truy cập internet giá rẻ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhận thấy đặc điểm thuận lợi về địa lý của Mexico, kết nối Bắc Mỹ và khu vực Trung Mỹ, vùng biển Caribbean và Mỹ Latin, Carlos Slim đề xuất ý tưởng tạo một tuyến viễn thông thẳng theo trục dọc từ Bắc Mỹ đến Nam Mỹ, tạo thế độc quyền trên toàn bộ châu Mỹ. 
Đã có 2 triệu người sử dụng dịch vụ của America Movil kể từ năm 2000 và cho đến nay, con số này đã tăng lên đến con số 629 triệu người sử dụng tại các quốc gia Mỹ Latin như Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominican, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Puerto Rico và Uruguay. 
Dù là một người có ảnh hưởng và có khả năng thao túng cả nền kinh tế Mexico, nhưng Carlos Slim rất được người dân và chính phủ Mexico yêu mến. Ông đã xây dựng quỹ từ thiện Telmex Foundation để hỗ trợ, chăm lo cho các vấn đề như y tế và giáo dục. Hàng chục tỷ USD được trích từ lợi nhuận đã giúp cho chính phủ giải quyết hàng loạt tồn đọng trong xã hội Mexico. Bên cạnh đó, với quyền lực và danh tiếng của mình, ông đã vận động nhiều tỷ phú tại Mỹ Latin cùng quyên góp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. 
 Carlos Slim cho biết chiến lược kinh doanh của ông và Warren Buffett rất khác nhau. Trong khi Buffett chỉ quan tâm đến đầu tư tài chính thì ông coi mỗi doanh nghiệp, dự án mình đầu tư như “con đẻ”. Ông thực sự tham gia thay đổi công ty, biến chúng thành một doanh nghiệp hiệu quả chứ không đơn thuần là chỉ bỏ tiền xong bán đi lấy lợi nhuận.

Các tin khác