Carl Icahn “Ác mộng” phố Wall

(ĐTTCO) - Giới tài chính và các doanh nghiệp thường kháo nhau rằng, không phải Warren Buffet hay George Soros là cái tên khiến các doanh nghiệp e sợ, Carl Icahn và công ty đầu tư của ông mới chính là “cơn ác mộng” của họ. Với phong cách đầu tư “xé lẻ” doanh nghiệp để thu lại lợi nhuận cho cá nhân, thật không ngoa nếu gọi tỷ phú cổ phiếu Carl Icahn là gã “sói già phố Wall”. 

Carl Icahn “Ác mộng” phố Wall
Tư duy đầu tư độc đáo
Con đường trở thành một chuyên gia đầu tư bắt đầu khi Carl Icahn còn là sinh viên của Trường Đại học Princeton. Để có thể trang trải sinh hoạt phí, Carl Icahn bắt đầu học đánh bạc. Sau khi thua gần hết số tiền mình có vì bộ môn này, ông đã tìm đọc 3 cuốn sách hướng dẫn tường tận về cách chơi. Bằng sự nhạy bén của mình, ông đã nhanh chóng trở thành tay chơi bạc chuyên nghiệp. Thậm chí ông còn dành dụm đủ tiền để trở thành một nhà môi giới chứng khoán về sau. 
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1957, Carl Icahn phải mất một thời gian để tìm kiếm con đường sự nghiệp cho riêng mình. Chỉ cho đến khi gặp một người họ hàng đang làm việc tại phố Wall, Carl Icahn được nhận vào làm môi giới chứng khoán tại Dreyfus&Co. Vào thời điểm bước chân vào phố Wall, thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong giai đoạn tăng trưởng “con bò” và ông nhanh chóng giàu có. Tuy nhiên, trạng thái thị trường nhanh chóng chuyển sang “con gấu” khiến Carl Icahn mất tất cả. 
Carl Icahn với bản lĩnh và sự gan lì đã bằng mọi giá gây dựng lại sự nghiệp và chuyển hướng trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm. Ông vay mượn 400.000USD để thành lập Công ty chứng khoán Icahn & Co chuyên về lĩnh vực giao dịch quyền chọn (option trading) và đầu tư mạo hiểm, trở thành “thợ săn” nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ và yếu thế. Carl Icahn thường mua một lượng lớn cổ phần chi phối của những công ty nhỏ hoặc không mấy thu hút. Sau đó, dùng vị thế của mình kêu gọi hội đồng quản trị thông qua quyết định dùng lợi nhuận hay vay mượn thêm để mua lại cổ phiếu, qua đó đẩy giá cổ phiếu tăng trong ngắn hạn. Carl Icahn sẽ không ngần ngại bán tài sản của công ty, thực hiện chính sách mua lại cổ phiếu hoặc thậm chí làm bất cứ điều gì để có thể thu lợi về nhanh nhất, bất chấp doanh nghiệp có thể sẽ bị thâu tóm hay phá sản sau đó.
“Con mồi” đầu tiên Carl Icahn nhắm đến đó là Tappan&Co, một doanh nghiệp nhỏ bán lò nướng tại Ohio. Qua phân tích báo cáo tài chính, ông nhận thấy giá trị cổ phiếu tiềm năng của công ty ở mức 20USD/cổ phiếu, cao hơn giá trị đang niêm yết mức giá 7,5USD. Do đó, từ cuối năm 1977 ông đã âm thầm mua cổ phiếu công ty này cho đến khi sở hữu 20% cổ phần. Ngay sau đó ông yêu cầu có một vị trí trong ban lãnh đạo công ty. Đạt được mục đích, Carl Icahn hối thúc ban lãnh đạo nhanh chóng thanh lý cổ phần. Đến năm 1987, Tappen&Co đã bị Electrolux mua lại và lợi nhuận mà Carl Icahn thu được từ công ty lên đến 2,7 triệu USD. 

Chuyên gia “xé lẻ” doanh nghiệp
Sau khi “hạ gục” Tappen&Co, Carl Icahn tiếp tục chuyến “đi săn” và lần này là công ty hàng không Trans World Airlines (TWA) vào năm 1985. Thành lập vào năm 1930, TWA là 1 trong 4 hãng hàng không biểu tượng của Mỹ trong những năm 1940-1950. Tuy nhiên cho đến những năm 1960, hãng đã “vung tay quá trán” đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực trái sở trường khiến hãng đối mặt với nguy cơ bị phá sản. Chưa dừng lại ở đó, Đạo luật bãi bỏ quy định hàng không năm 1978 do Tổng thống Jimmy Carter ban hành đã mở cửa thị trường hàng không tự do cạnh tranh, khiến hãng ngày càng rệu rã. Và đây chính là thời điểm “đi săn” của Carl Icahn. 
Sau khi thông tin về việc Carl Icahn dự định sẽ đầu tư vào TWA, ban lãnh đạo lo sợ Carl Icahn “xé lẻ” doanh nghiệp nên đã tìm đến đối tác sáp nhập cùng hãng hàng không Texas International Airlines của chuyên gia quản lý hàng không Mỹ Frank Lorenzo. Texas International Airlines đồng ý mua lại hệ thống đặt chỗ và bộ phận quốc tế của TWA, 2 bộ phận có giá trị nhất của hãng. Nếu Texas International Airlines có được 2 hệ thống này từ TWA, hãng sẽ dần mất giá trị và Carl Icahn sẽ rút lui. Để ngăn chặn 2 hãng hàng không sáp nhập với nhau, Carl Icahn đã vay nợ và đưa ra yêu cầu sở hữu 45,54% cổ phần của công ty với giá 24USD/cổ phiếu. Cuộc tranh giành bắt đầu trở nên gay cấn khi Frank Lorenzo đưa ra một đề nghị sở hữu 6% cổ phần của TWA với giá 26 USD/cổ phiếu. 
Tuy nhiên, Carl Icahn đã đi trước táo bạo khi bí mật liên hệ với công đoàn phi công và công đoàn công nhân máy móc hứa với họ sẽ tăng lương và lợi nhuận và cho phép họ quyền sở hữu cổ phiếu của hãng. Đòn tấn công không ngờ này giúp Carl Icahn đạt được chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tranh giành TWA. Ban lãnh đạo TWA đã họp biểu quyết và Carl Icahn được chỉ định trở thành chủ tịch với hơn 50% cổ phần. Sau khi có được TWA, Carl Icahn đã cắt giảm 3.000 nhân viên, chất lượng phục vụ ngày càng yếu kém khiến hãng lỗ đến 169 triệu USD chỉ trong 1 quý. 
Dù đối mặt với những khó khăn, Carl Icahn đưa ra quyết định khó hiểu sáp nhập hãng hàng không ít tên tuổi Ozark Air với giá 225 triệu USD. Sau khi sáp nhập Ozark Air, TWA phải gánh thêm khoản nợ cao ngất ngưởng 1,9 tỷ USD. Sau đó, Carl Icahn quyết định bán đường bay từ Mỹ đến thủ đô London (Anh) cho hãng American Airlines với giá 445 triệu USD vào năm 1991. Việc bán dần tài sản của công ty giúp Carl Icahn trả nợ khoản tiền vay đã sử dụng để mua TWA. Tuy nhiên, những quyết định trên càng khiến TWA lâm vào khủng hoảng, giá cổ phiếu sụt giảm. Năm 1993, TWA tuyên bố phá sản, Carl Icahn từ chức và yêu cầu ban lãnh đạo thanh toán toàn bộ cổ phần của mình. 
TWA đưa ra phương thức trả giá trị cổ phiếu của Carl Icahn bằng quyền mua tất cả các loại vé của hãng chỉ giá 55 xu để bán lại cho khách hàng với giá cao hơn. Hãng TWA có gài thêm yêu cầu không được bán các loại vé này cho các công ty du lịch nhằm khiến ông không thể thu được lợi nhuận nhanh chóng. Nhưng Carl Icahn đã thành lập một trang web lowestfares.com để bán vé TWA. Động thái này khiến hãng không lường trước, đã thiệt hại 100 triệu USD vì không có điều khoản ngăn bán vé máy bay thông qua internet. Đến năm 2001, hãng đã không thể trả hết các khoản nợ tuyên bố phá sản lần thứ 3 và để American Airlines tiếp quản. 
Sau mấy chục năm "săn mồi" trên Phố Wall, Carl Icahn nắm giữ cổ phần hoặc quyền kiểm soát nhiều công ty lớn như Texaco, Phillips Petroleum, Western Union, Viacom, TimeWarner, Motorola, Apple, Netflix...
 Forbes ước tính tài sản của Carl Icahn 16,7 tỷ USD vào năm 2020, đưa ông trở thành nhà đầu cơ giàu thứ 5 tại Mỹ. Dù bị đánh giá là nhà đầu cơ “tàn bạo” và “ích kỷ”, nhưng các chiến lược đầu tư được xem là “vô tiền khoáng hậu”, khiến các đối thủ khó có thể nắm bắt được. 

Các tin khác