Anne Mulcahy vực dậy Xerox

(ĐTTCO) - Xerox là tác giả của máy photocopy, máy fax và máy in lazer đầu tiên. Chuột và máy tính để bàn cũng là sản phẩm của tập đoàn công nghệ trứ danh này. Tuy nhiên, những trang sử huy hoàng của Xerox tưởng chừng sẽ chấm hết vào năm 2000 nếu không có sự xuất hiện của vị cứu tinh Anne Mulcahy.

Anne Mulcahy vực dậy Xerox
Lắng nghe và thuyết phục
Khi đó, dự trữ tiền mặt của Xerox đã giảm xuống gần 100 triệu USD, trong khi nợ lên tới gần 19 tỷ USD. Đồng thời, công ty phát hiện những bất cập kế toán trong công ty con ở Mexico, bị đưa vào cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Khách hàng và nhân viên bắt đầu bỏ đi. Những việc này xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế đang suy yếu do cuộc khủng hoảng dot com. "Thật đáng báo động khi mọi thứ bắt đầu phơi bày vào cuối năm 1999 và 2000. Chúng tôi đã đặt ra thuật ngữ "Cơn bão hoàn hảo" - bà Mulcahy nhớ lại.
Đứng trước sự sống còn của công ty, tháng 5-2000 HĐQT Xerox đưa ra quyết định chưa từng có trong lịch sử công ty: trao chức tổng giám đốc (CEO) vào tay bà Anne Mulcahy. Tại sao HĐQT giao phó tương lai của Xerox cho một người phụ nữ?
Bởi bà được cho là người am hiểu công ty hơn ai hết, do đã kinh qua hầu hết vị trí trong công ty, từ "vặt vãnh" cho đến trọng đại trong suốt 24 năm gia nhập (từ 1976), như nhân viên bán hàng, giám đốc nhân sự, giám đốc phụ trách khách hàng… "Tôi đã dành 18 năm đầu tiên để vượt qua các cấp bậc hoạt động trong công ty" - Mulcahy cho biết.

Ngay sau khi trở thành CEO, Mulcahy đã thực hiện chuyến đi để lắng nghe, tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc từ nhân viên, khách hàng và chuyên gia trong ngành về những sai lầm của Xerox. Nhân viên nói rằng họ cần mục tiêu rõ ràng hơn. Khách hàng cho biết Xerox đã mất khả năng phản hồi. Các chuyên gia công nghệ cho rằng Xerox đang đầu tư ngẫu nhiên, thay vì tập trung vào vài thị trường có thể thống trị.
Mulcahy cũng đã vận động 58 ngân hàng đồng ý gia hạn dòng tín dụng quay vòng của công ty, nếu không Xerox sẽ phá sản. Bà đã "quấy rối" các nhân viên ngân hàng và tìm cách thuyết phục được tất cả, trừ 2 người, trong đó có tỷ phú Warren Buffett. “Buffett từ chối vì ông ấy không bao giờ đầu tư vào các công ty công nghệ. Tuy nhiên, ông là người bạn và cố vấn tuyệt vời đối với tôi" – Mulcahy nói.

Mạnh tay tái cấu trúc
Quay trở lại Stamford, nơi Xerox đặt trụ sở, Mulcahy và nhóm của bà đã thực hiện kế hoạch tập trung đầu tiên vào việc tạo ra tiền mặt, vì công ty cần tiền mặt để tồn tại. Sau đó, họ giảm chi phí bằng cách cắt giảm việc làm từ khoảng 80.000 xuống còn 58.000, sắp xếp hợp lý cấu trúc công ty và không tham gia các thị trường nơi Xerox không có lợi thế cạnh tranh. 
Nhưng việc tái cấu trúc không đơn giản chỉ là phân chia công ty, sa thải nhân viên và đóng cửa các nhà máy. Mulcahy tìm định hướng việc tái cấu trúc Xerox từ lời khuyên đơn giản của một khách hàng ở Texas. Ông nói bà giống như người nông dân có con bò bị mắc kẹt trong mương nước.
Người nông dân phải đưa con bò ra khỏi mương, phải hiểu làm thế nào con bò vào được và phải thay đổi để nó không bao giờ bị mắc kẹt ở đó nữa. "Mỗi ngày tôi đều nghĩ về lời khuyên đó và tìm hiểu hành trình đã đưa chúng tôi đến tình cảnh hiện tại. Sau đó tôi nghĩ cách làm thế nào đi ngược lại hành trình đó và không mắc phải sai lầm tương tự trong tương lai" - Mulcahy chia sẻ.
Trong phân tích Mulcahy, những sai lầm khiến Xerox rơi "xuống mương" bao gồm những cuộc cải tổ nửa vời. Điều này khiến nhân viên không chắc chắn về vai trò của mình và hoài nghi về hướng đi của công ty.
"Trong suốt những năm 1990, chúng tôi đã cắt nhỏ doanh nghiệp thành các nhánh công nghiệp, dòng sản phẩm và địa lý. Nó có vẻ tốt trên lý thuyết nhưng thực tế rất tệ. Chẳng hạn, Xerox từng cố gắng tập trung quản trị và tổ chức lại lực lượng bán hàng của mình. Ý tưởng nghe có vẻ tốt, nhưng được thực hiện kém và chúng tôi đã phải trả giá về mối quan hệ khách hàng, tính liên tục và niềm tin” - Mulcahy nhớ lại và cho rằng giám đốc điều hành phải tạo ra một nơi làm việc người lao động cảm thấy không bị đe dọa và biết rằng ông chủ của họ rất coi trọng đề xuất của họ. 
Tóm lại, bà đã ra lệnh tái cấu trúc giúp cắt giảm chi phí hàng năm 1,7 tỷ USD, cắt giảm 25.000 việc làm và bán tài sản không thiết yếu trị giá 2,3 tỷ USD để giảm nợ dài hạn của Xerox. Mulcahy cũng đã nộp khoản tiền phạt 10 triệu USD, điều chỉnh lại 5 năm doanh thu của Xerox để làm dịu một vụ bê bối kế toán. Các đồng nghiệp khen ngợi bà đã đạt được phép màu nhỏ thông qua sự trung thực, cởi mở và sẵn sàng giải quyết các nhiệm vụ khó khăn.

Chú trọng nghiên cứu phát triển
Mulcahy cũng xác định lại lĩnh vực chính công ty cần tập trung. Theo bà, Xerox là công ty quản lý tài liệu, tập trung vào các công nghệ như quét, hình ảnh, quản lý nội dung và tìm kiếm. Ngoài ra, công ty từ lâu đã được biết đến như một nhà đổi mới. Vì vậy, ngay cả những lúc khó khăn tài chính tồi tệ nhất, Mulcahy vẫn không cắt giảm các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, bà mong họ làm việc thông minh hơn.
Bà đã nghĩ cách để tạo ra lợi nhuận cao hơn cho công việc của họ ở các trung tâm nghiên cứu của công ty. Một cách tiếp cận mới là tiếp thị khả năng nghiên cứu của Xerox cho các công ty khác. Chẳng hạn, trung tâm Palo Alto nhận được tài trợ từ các công ty công nghệ sinh học và hợp tác với họ.
Bảo vệ nghiên cứu và phát triển cho phép Xerox tung ra nhiều dịch vụ mới khi sức khỏe tài chính được cải thiện. Tính đến năm 2005, khoảng 3/4 doanh thu của công ty đến từ các sản phẩm và dịch vụ được giới thiệu trong 2 năm trước đó. Đến năm 2004, lần đầu tiên công ty có doanh số tăng kể từ năm 2000. Các trung tâm nghiên cứu lừng danh của Xerox làm việc với hiệu quả đáng khâm phục.
Chỉ tính riêng trong năm 2007 có tới 584 bằng sáng chế được nhà nước cấp cho các kỹ sư của công ty. Trong thời gian đó, Mulcahy cũng giảm được một nửa số nợ của công ty và tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận tăng và Xerox có lượng tiền mặt kha khá. "Quan trọng nhất, chúng tôi đã xây dựng lại uy tín của mình trên thị trường" - Mulcahy nhấn mạnh.
Khi nghỉ hưu vào năm 2010, Mulcahy thậm chí còn làm nên lịch sử khi chuyển vị trí CEO cho Ursula Burns, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên từng đứng đầu một tập đoàn tầm cỡ này. Hiện nay, Xerox có tài sản trị giá khoảng 27,7 tỷ USD, doanh thu hàng năm 9,8 tỷ USD, lợi nhuận 361 triệu USD, theo Forbes. Sau khi rời Xerox, Mulcahy tiếp tục trở thành Chủ tịch và ủy thác của Liên đoàn Cứu trợ Trẻ em từ năm 2009-2017. Bà cũng tiếp tục phục vụ trong hội đồng quản trị một số tập đoàn nổi tiếng, như Johnson & Johnson và Target. 
Sự nghiệp của Anne Mulcahy chứng minh rằng ngoài việc là người giỏi nhất trong công việc, phải là người có đôi mắt tinh anh và tâm hồn cởi mở, sẵn sàng học hỏi và dám mạo hiểm với sự khôn ngoan truyền thống. 

Các tin khác