Tỷ giá tăng, VNĐ vẫn ổn định

Ngày 18-6, NHNN thông báo điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH giữa VNĐ và USD tăng 1%. Khác với những lần trước, việc NHNN tăng tỷ giá lần này không làm cho thị trường biến động mạnh và VNĐ cũng không suy yếu nhiều.

Ngày 18-6, NHNN thông báo điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH giữa VNĐ và USD tăng 1%. Khác với những lần trước, việc NHNN tăng tỷ giá lần này không làm cho thị trường biến động mạnh và VNĐ cũng không suy yếu nhiều.

Giao dịch vẫn bình thường

Theo thông báo của NHNN, tỷ giá VNĐ/USD từ 21.036VNĐ/USD tăng lên 21.246VNĐ/USD, áp dụng từ ngày 19-6. Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên NH, tỷ giá trần là 21.458 VNĐ/USD, tỷ giá sàn là 21.034VNĐ/USD. Đây là lần điều chỉnh sau gần 12 tháng NHNN giữ tỷ giá ổn định ở mức 21.036 đồng/USD.

Theo NHNN, trong những tháng đầu năm 2014, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định, cung cầu ngoại tệ vẫn đảm bảo, cụ thể 5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 10 tỷ USD, huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn ở mức cao.

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, việc điều chỉnh tỷ giá nhằm góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm. Theo khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá 1% không phải là điều bất ngờ lớn khi tỷ giá USD/VNĐ đã được giao dịch ở mức trần trong thời gian qua.

Việc điều chỉnh 1% tuy tác động chưa lớn nhưng cũng thể hiện được chính sách tỷ giá phù hợp với chủ trương nội địa hóa hiện nay, đặc biệt giải quyết vấn đề liên quan đến nông sản. Với tình hình hiện nay, đặc biệt là vấn đề cung cầu trên thị trường sẽ không có cơ sở gì để gây áp lực lên tỷ giá.

TS. Trần Du Lịch,
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Sau vài ngày điều chỉnh tỷ giá, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết thị trường không có biến động lớn, mặt bằng tỷ giá mới được thiết lập thấp nhiều hơn so mức trần quy định, các NHTM niêm yết tỷ giá thấp hơn khoảng 120-180 đồng và tỷ giá trên liên NH cũng thấp hơn 150 đồng so với trần quy định, tỷ giá trên thị trường tự do không khác nhiều so với tỷ giá trên thị trường chính thức.

Cụ thể, ngày 19-6 Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VNĐ tăng 40 đồng chiều mua vào và tăng 90 đồng chiều bán ra so với ngày 18-6, tương ứng 21.240-21.330 đồng/USD. Trong khi đó ở các NHTM khác, mức tăng dao động từ 60-120 đồng ở chiều mua vào và từ 154-160 đồng ở chiều bán ra.

Sau đó 1 ngày tỷ giá lại biến động nhẹ, Vietcombank niêm yết 21.290-21.350 đồng/USD, trong khi các NH khác dao động trong khoảng 21.250-21.280 đồng/USD ở chiều mua vào và 21.340-21.380 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, tỷ giá tại các NH có xu hướng giảm hoặc giữ tỷ giá không đổi so với ngày 20-6. Như vậy, so với mức điều chỉnh tăng từ 100 đồng ở chiều mua vào và gần 200 đồng ở chiều bán ra của các NHTM sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá vào cuối tháng 6-2013, lần này các NHTM điều chỉnh tăng thấp hơn.

Đại diện Vietcombank cho biết sau khi điều chỉnh tỷ giá hoạt động kinh doanh ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường. Trên thị trường tự do tỷ giá giao dịch ở mức 21.300-21.400 đồng/USD, nhưng giao dịch trầm lắng.

Hỗ trợ xuất khẩu, ổn định kinh tế

Theo các chuyên gia, sự điều chỉnh nhỏ lần này không làm cho VNĐ suy yếu. Trong năm tới, VNĐ vẫn được giữ tương đối ổn định với dòng ngoại hối cân bằng hơn và dự trữ ngoại hối đang ở mức tốt hơn. Đây là một biện pháp can thiệp nhằm mục tiêu bình ổn thị trường hơn hướng tới sự cải thiện của tăng trưởng.

Bởi hiện nay, trong cán cân thương mại và xuất nhập khẩu, đầu vào của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nên khi tăng tỷ giá nếu xuất khẩu được hưởng lợi cũng sẽ bù trừ với việc nhập khẩu bị ảnh hưởng xấu. Theo đó tác động lên cán cân thương mại và xuất nhập khẩu được dự báo sẽ ở mức cân bằng.

Song song đó, mức điều chỉnh 1% không nhiều và trong bối cảnh tổng cầu yếu, tỷ giá tăng có kéo theo các yếu tố đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp cũng sẽ không dễ dàng tăng giá đầu ra nên áp lực lên lạm phát sẽ không quá lớn.

Việc tăng tỷ giá lần này sẽ tác động xấu lên tổng cung, nhưng với những doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đặc biệt là khối FDI, do triển vọng các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản vẫn khá tích cực, nên việc tăng chi phí đầu vào do tỷ giá điều chỉnh cũng có thể được bù đắp bởi tăng giá đầu ra.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nội địa với thị trường chính là trong nước, việc tăng tỷ giá sẽ đẩy giá đầu vào của doanh nghiệp tăng trong khi việc tăng giá đầu ra vẫn khó khăn do cầu yếu, theo đó khiến biên lợi nhuận sụt giảm. Điều này rất có thể dẫn đến việc thu hẹp sản xuất.

Đối với thị trường chứng khoán, trước mắt việc điều chỉnh tăng tỷ giá có tác động tiêu cực trong ngắn hạn, đặc biệt là yếu tố tâm lý. Bởi trong những lần điều chỉnh trước đây thị trường thường giảm, sau đó các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia thị trường nên việc nâng tỷ giá khiến lợi nhuận của họ quy ngược ra USD giảm đi gần 1% tương ứng.

Tuy nhiên, với tuyên bố ngay từ đầu năm của NHNN về khả năng điều chỉnh tỷ giá không quá 2%, NHNN lại còn nhiều dư địa và biện pháp để tiếp tục đảm bảo sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối, nên  những tác động xấu từ việc tăng tỷ giá lên thị trường chứng khoán sẽ sớm qua đi.

Điều này đã được dự báo từ trước khi tỷ giá tại các NHTM liên tục tăng trần trong nhiều ngày qua. Ngoài ra, tỷ giá điều chỉnh sẽ giúp thị trường ngoại hối ổn định trở lại và có thể tác động tích cực lên thị trường chứng khoán sau đó.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Trước lo ngại về sự tác động của việc điều chỉnh tỷ giá với doanh nghiệp và TCTD, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng định hướng điều hành tỷ giá đã được NHNN thông báo từ đầu năm nên các doanh nghiệp và NHTM cũng đã có sự chuẩn bị khi đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2014.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các TCTD đã tăng cường bán ngoại tệ cho NHNN, nguồn ngoại tệ các TCTD bán cho NHNN không chỉ từ nguồn ngoại tệ mua được của doanh nghiệp và người dân mà còn bán âm trạng thái ngoại tệ của mình.

Do vậy việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hướng đến chi phí tài chính của hệ thống các TCTD, nhưng sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu. Qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.  

Theo nhóm phân tích của NH HSBC, sự điều chỉnh nhỏ tỷ giá giao dịch VNĐ-USD lần này sẽ không làm VNĐ suy yếu nhiều. VNĐ đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối vào Việt Nam cân bằng hơn trong năm ngoái. Cán cân xuất nhập khẩu được giữ mức trung lập nhờ vào tình hình xuất khẩu cải thiện cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu ít hơn. Thêm vào đó, nguồn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trở lại và đạt mức trung bình 1 tỷ USD/tháng trong năm nay. Chính những dòng chảy này đã giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, lãi suất thực tế đã bị đẩy gần ngưỡng âm trong mấy tháng gần đây và tính thanh khoản của VNĐ trên thị trường trong nước tương đối dôi dư khi lãi suất liên NH giảm nhẹ. Điều này dẫn đến lực cầu USD tăng do khoảng cách lãi suất của 2 loại tiền tệ này bị thu hẹp. Mặc dù dự trữ ngoại hối có tăng lên nhưng các nhà lập pháp rõ ràng không mặn mà với việc sử dụng lượng dự trữ này quá sớm, thực tế họ cho phép tỷ giá điều chỉnh mà không bị cản trở nào về mặt chính sách.

Các tin khác