TTKDTM: Thiếu liên kết, bị phân mảnh

(ĐTTCO) - Đúng là TTKDTM chưa phát triển do người dùng vẫn có thói quen dùng tiền mặt, nhưng ngược lại việc thiếu một hệ sinh thái mở kết nối liên thông các tài khoản thanh toán, đang là rào cản chính khiến người dùng chưa có điều kiện để quen với TTKDTM.
Thiếu động lực cho người dùng
Kinh doanh trong ngành thương mại điện tử, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee và Airpay Việt Nam cho biết, trong 7 nước mà Shopee đang hoạt động, Việt Nam có tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất, do vậy tất cả các hoạt động của Shopee đều hoạt động bằng công nghệ trừ khâu thanh toán.
Người tiêu dùng của Shopee tại Việt Nam hiện tại đa số dưới 35 tuổi, đi công tác, du lịch rất nhiều. Khi đến những nước khác họ không dùng tiền mặt, nhưng khi ở Việt Nam lại chỉ dùng tiền mặt. 
Theo các chuyên gia tài chính, việc người trẻ đi nước ngoài TTKDTM nhưng ở Việt Nam lại dùng tiền mặt mà đại diện Shopee nêu, là vì các nước đã xây dựng được hệ sinh thái mở cho hoạt động TTKDTM, trong khi Việt Nam chưa làm được.
TTKDTM: Thiếu liên kết, bị phân mảnh ảnh 1 Thiếu một hệ sinh thái mở kết nối liên thông các tài khoản thanh toán,
đang là rào cản chính khiến người dùng ngại TTKDTM.
Trong hệ sinh thái mở đó, tất cả các thành phần trong xã hội đều phải tham gia, và quan trọng là các điểm bán chỉ chấp nhận các phương thức thanh toán thẻ, QR Code… Chẳng hạn như tại Đài Loan, dù vào một quán ăn nhỏ, nếu khách hàng không có mã QR để quét thanh toán sẽ không thể dùng bữa, vì họ chỉ thanh toán bằng hình thức này.
Trong khi đó tại Việt Nam, các điểm bán vẫn chủ yếu nhận tiền mặt. Hơn nữa, mỗi đơn vị lại sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin riêng, không có một chuẩn chung nên để tạo ra một liên kết giữa NH, ví điện tử (VĐT) với bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ phải mất 6-9 tháng. Về phía khách hàng, muốn sử dụng một VĐT phải trải qua nhiều bước như phải liên kết với một tài khoản của NH và định danh tài khoản nếu muốn sử dụng.
Chưa dừng lại ở đó, theo các trang thương mại điện tử, sau khi 2 bên đã liên kết, để tích hợp một ví lên ứng dụng mua sắm trực tuyến theo đúng các quy định của cơ quan quản lý hiện tại, phải trải qua thêm 8 bước mới có thể kết nối thành công. Để hỗ trợ hoàn thành tất cả những bước đó đòi hỏi các bên đầu tư hạ tầng công nghệ rất lớn. Nhưng ngược lại với khách hàng, 8 bước này là một sự thách thức kiên nhẫn và rất nhiều người sau khi thực hiện 3 bước đã từ bỏ và chọn thanh toán tiền mặt hoặc hủy đơn hàng. 

Chưa đồng thuận nhiều vấn đề
Một lãnh đạo Vụ Thanh toán đã từng chia sẻ, muốn dịch vụ thanh toán thay đổi nhanh phải thực hiện được quy tắc 3-1-0, tức mọi nghiệp vụ phải hoàn thành trong thời gian 3 phút, ứng dụng phải đáp lại yêu cầu của khách hàng trong thời gian 1 giây, và không có sự can thiệp của con người trong quy trình này.
Song nhìn lại giai đoạn đã qua cho thấy, quy tắc 3-1-0 này không dễ hoàn thành. Trong đó, vướng mắc lớn là chưa có sự kết nối và chia sẻ dữ liệu. Để thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công như điện, y tế, giao thông... cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống giao tiếp lập trình ứng dụng mở (Open API) liên thông với những bộ, ngành để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.
Tức là tất cả các thành phần đều phải tham gia trên một nền tảng chung để tạo ra một hệ sinh thái liên thông, xuyên suốt. Nhưng hiện có nơi tham gia, có nơi chưa tham gia dẫn đến việc thanh toán cũng bị hạn chế.
Đáng nói hơn, kể cả các bên tham gia nhưng trong quá trình thanh toán vẫn phát sinh nhiều vấn đề khiến TTKDTM trở nên giật cục. Đơn cử theo ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, thanh toán viện phí bằng thẻ hiện nay còn nhiều hạn chế do nhiều người còn chưa biết sử dụng thẻ ATM. Nhưng kể cả khi khách hàng chấp nhận thanh toán thẻ cũng vướng nhiều vấn đề.
Cụ thể, trường hợp khách hàng dùng thẻ NH để tạm ứng viện phí nhiều hơn số tiền thực thanh toán lúc ra viện, NH chưa thể hoàn tiền vào thẻ cho khách và bệnh viện phải hoàn trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, khi bệnh viện triển khai thanh toán thẻ, NH nào cũng yêu cầu phải mở tài khoản NH mình, dẫn đến các bệnh viện phải mở tài khoản tại rất nhiều NH, khiến việc quản lý theo dõi thêm khó khăn.

Nhà nước cần đi trước
Năm 2017, lượng giao dịch qua thiết bị di động tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi sau khi Chính phủ nước này khởi động chiến dịch giảm tiền mặt lưu thông trong năm 2016. Để có kết quả này, NH Trung ương Ấn Độ đã nới lỏng nhiều quy định liên quan tới thanh toán di động, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ hình thức này thông qua việc cho phép thêm nhiều công ty tham gia thị trường, và xây dựng hệ thống thanh toán mới kết nối số chứng minh thư, số điện thoại và tài khoản NH của người dân. Nhờ cơ sở dữ liệu tập trung do chính phủ cung cấp, mọi giải pháp thanh toán có thể kết nối thông qua các giao diện lập trình ứng dụng để xác thực khách hàng.
Ở Việt Nam, các giải pháp thanh toán di động đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, như mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, VĐT, các ứng dụng thanh toán không chạm… Tuy nhiên, hệ sinh thái TTKDTM bị phân mảnh, mỗi đơn vị đầu tư một hệ thống riêng, phát triển theo khả năng của mình, thiếu sự liên thông, đồng bộ dẫn đến nhiều phiền phức khi nhu cầu thanh toán hàng ngày rất đa dạng.
Chính vì vậy, đồng bộ từ pháp lý đến hạ tầng để kết nối các tác nhân từ cơ quan quản lý, NHTM, công ty fintech, đơn vị cung ứng dịch vụ, khách hàng để cùng gia nhập vào một hệ sinh thái, điều rất cần thiết tại Việt Nam trong lúc này. 
 Nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ nhanh chóng đẩy mạnh triển khai đồng bộ hệ thống căn cước công dân điện tử (eID, eKYC) như các nước đã làm, để định danh và xác thực công dân nhanh hơn. Cơ quan quản lý cần ban hành chuẩn chung về công nghệ thông tin để các bên dễ liên kết, tích hợp dịch vụ thanh toán. 

Các tin khác