Phát triển đô thị: Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ-xã hội

Trong những năm gần đây, TPHCM đầu tư nhiều vào hạ tầng giao thông và chủ trương phát triển đô thị vệ tinh để giải quyết bài toán giao thông. Nhưng tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng, còn việc phát triển đô thị vệ tinh chưa đi đến đâu. ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, về những vấn đề liên quan.

Trong những năm gần đây, TPHCM đầu tư nhiều vào hạ tầng giao thông và chủ trương phát triển đô thị vệ tinh để giải quyết bài toán giao thông. Nhưng tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng, còn việc phát triển đô thị vệ tinh chưa đi đến đâu. ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, về những vấn đề liên quan.

PHÓNG VIÊN: - Là chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, ông đánh giá thế nào về hiệu quả đầu tư cho hạ tầng giao thông tại TPHCM trong thời gian qua?

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA: - Phải nhìn nhận rằng những năm qua TPHCM đầu tư cho hạ tầng giao thông khá nhiều. Cụ thể hàng loạt con đường mới mở, nhiều đường cũ được nâng cấp, chỉnh trang. Tuy nhiên, hầu hết dự án chỉ tập trung ở ngoại thành, đó là những tuyến đường vành đai như đại lộ Võ Văn Kiệt, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây…

Những tuyến đường này chỉ có ý nghĩa lớn kết nối TPHCM với các địa phương khác, chưa thực sự giải quyết bài toán giao thông cho toàn TP.

Giao thông nội thị giữa các quận nội thành với nhau vẫn đang là một thách thức lớn của TP. Dường như chúng ta quá cầu toàn trong việc giải quyết bài toán giao thông nội thị, như phải chờ làm đường mới, tàu điện ngầm… Tình trạng giao thông của TPHCM hiện nay tương tự Bangkok của Thái Lan vào thập niên 60 của thế kỷ trước.

Đó là việc phát triển đường trên cao, tàu điện dọc kênh rạch… Các giải pháp này vừa nhanh vừa đỡ tiêu hao chi phí đầu tư, khi không cần thiết nữa có thể dễ dàng tháo dỡ. Nếu chúng ta mở đường mới hay đầu tư tàu điện ngầm chi phí sẽ rất cao và tốn nhiều thời gian.

Trong khi điều kiện kinh phí của TP eo hẹp, tình trạng giao thông ngày một tồi tệ cần tính toán lại những phương án khả thi, ít tốn kém và an toàn. Riêng phương án triển khai tàu điện ngầm tiềm ẩn nhiều rủi ro, như trận lụt ở Bangkok năm ngoái đã làm toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm ở đây bị tê liệt.

- TP đã triển khai giải pháp đô thị vệ tinh, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn, thưa ông?

Giao thông lộn xộn trước cổng Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Ảnh: LÃ ANH

Giao thông lộn xộn trước cổng
Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Ảnh: LÃ ANH

- TPHCM đã đề cập đến mô hình đa cực phi tập trung hóa từ năm 1998, đến năm 2004 quyết định hình thành 2 đô thị vệ tinh, 1 ở phía Tây Bắc TP (thuộc huyện Củ Chi) và 1 ở phía Nam TP (khu vực cảng Hiệp Phước). Nhưng gần 10 năm qua, cho dù lãnh đạo TP đã mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước nhưng 2 đô thị vệ tinh này vẫn chưa thành hình.

Việc phát triển TP vệ tinh không thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về khách quan, đó là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều nhà đầu tư sau khi “xí phần” đã không động tĩnh gì sau nhiều năm, điển hình như dự án đô thị đại học quốc tế ở phía Tây Bắc TPHCM của tập đoàn Berjaya (Malaysia), được cấp giấy phép với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD, nhưng đến giờ vẫn nằm trên giấy.

Lâu nay chúng ta có quan niệm sai lầm rằng cứ phát triển đô thị tự khắc dân sẽ đến ở. Một đô thị mới chỉ có hạ tầng kỹ thuật thì chưa đủ, mà cần phải đồng bộ với hạ tầng xã hội - dịch vụ. Hàng ngày đi qua Bệnh viện phụ sản Từ Dũ đều thấy kẹt xe, quá tải, bệnh viện này đang được mở rộng nhưng liệu có giải quyết nổi tình trạng quá tải nếu như nơi này không có chỗ đậu xe, không có nơi nghỉ ngơi cho người nuôi bệnh?

Thử đặt vấn đề: Tại sao chúng ta không xây dựng chi nhánh bệnh viện Từ Dũ ở các cửa ngõ như Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức để chia sẻ sự quá tải. Tôi có trao đổi với nhiều bác sĩ tại đây, họ cho rằng về mặt chuyên môn hoàn toàn có thể thực hiện được.

- Vậy để đô thị vệ tinh của TPHCM trở thành hiện thực, theo ông cần gì?

- Tôi cho rằng TP phải có chính sách để thu hút nhà đầu tư và có những đầu tư ban đầu để tạo nền tảng cho đô thị vệ tinh. Đó là các dịch vụ, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Khi phát triển đô thị vệ tinh, TP phải đặt nó trong bối cảnh liên kết phát triển cả vùng chứ không chỉ riêng TPHCM. Thí dụ, đô thị vệ tinh Tây Bắc Hóc Môn - Củ Chỉ phải đặt trong mối liên kết phát triển với các khu vực lân cận như Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Thủ Dầu Một, TP mới (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh)…

Việc hình thành TP vệ tinh không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính, mà điều chính yếu là nó phải thu hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao, như con người, tiền bạc, tài nguyên. Hay nói cách khác là người ta muốn đến định cư và đầu tư lớn.

Ngoài ra, do sai lầm trong quan điểm quy hoạch trước kia nên khu công nghiệp ô nhiễm tập trung các cơ sở được di dời từ trong nội thành ra cách nay 10 năm ở xã Tân Phú Trung - chính là trung tâm của đô thị mới - đang là điều ngán ngại cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, việc vận động các doanh nghiệp tiếp tục di dời đi xa hơn mà không có sự hỗ trợ đáng kể là điều không thể.

- Xin cám ơn ông.

Các tin khác