Trứng muỗi nhiễm virus Zika sống được 3-4 tháng

(ĐTTCO) - Sáng 29-11, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân TPHCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1 về công tác theo dõi người bệnh bị nhiễm virus Zika trên địa bàn TP.

(ĐTTCO) - Sáng 29-11, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân TPHCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng 1 về công tác theo dõi người bệnh bị nhiễm virus Zika trên địa bàn TP.

Tại buổi làm việc, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, đến thời điểm hiện tại bệnh viện vẫn chưa tiếp nhận người bệnh nhiễm virus Zika. Tuy nhiên bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika gây ra như: Triển khai khám lọc bệnh nhiễm virus Zika; triển khai khu cách ly khoa nhiễm khi có bệnh nhân nhiễm virus Zika; riêng trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ, nghi ngờ biến chứng do mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai sẽ được nằm theo dõi tại khoa Sơ sinh.

Bệnh viện chủ động tổ chức lớp huấn luyện cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại bệnh viện về hướng dẫn tiếp cận, chẩn đoán, xử trí phòng ngừa bệnh nhiễm virus Zika và một số bệnh lây qua đường hô hấp.

Về quy trình xử trí đối với trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ nghi ngờ do nhiễm virus Zika, bệnh viện sẽ đo vòng đầu cho các trẻ khi được nhập viện. Đối với trẻ rơi vào tiêu chuẩn tật đầu nhỏ, bệnh viện sẽ thông báo cho Viện Pasteur và Trung tâm Y tế Dự phòng TP để tiến hành xét nghiệm người mẹ. Nếu mẹ dương tính với virus Zika sẽ tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu của trẻ. Khi ổn định, trẻ sẽ được khám thính lực và đánh giá sự phát triển tâm thần vận động.

Ngoài ra bệnh viện còn tuyên truyền ở nhiều hình thức, như treo băng rôn tuyên truyền, thông tin phòng chống virus Zika trên website của bệnh viện.

Cũng trong buổi làm việc, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, cách phòng ngừa nhiễm virus Zika bằng cách phun thuốc diệt muỗi, ngủ mùng, mặc đồ sáng màu. Tuy nhiên, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là người dân dọn dẹp, chà rửa sạch sẽ các vật dụng có chứa nước. Bởi vì trứng muỗi nhiễm virus Zika có thể sống trong điều kiện bình thường từ 3 đến 4 tháng, khi gặp nước là sẽ nở thành muỗi.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika gây ra. Trong ảnh là Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika gây ra.
Trong ảnh là Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Đường lây truyền virus Zika từ người sang người đã được chứng minh do lây qua vết muỗi đốt có nhiễm virus Zika; từ mẹ sang con trong quá trình mang thai; qua đường sinh dục, truyền máu hay phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm hoặc cơ sở điều trị bệnh. Tuy nhiên, đường lây truyền phổ biến nhất và khiến dịch Zika bùng nổ trên thế giới là do muỗi đốt.

Người nhiễm virus Zika sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, nhức đầu, đau nhức khớp, cơ, nổi ban trên da, viêm kết mạc (đỏ mắt) vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 sau khi bị muỗi đốt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 4 người nhiễm virus Zika mới có 1 người biểu hiện các triệu chứng kể trên. Một tỉ lệ rất nhỏ người nhiễm virus Zika diễn tiến thành các biến chứng nặng nề của bệnh. Khi đã nhiễm virus Zika, người bệnh tạo được kháng thể bảo vệ suốt đời cho cơ thể, nên không biểu hiện bệnh trong những lần nhiễm virus Zika sau đó.

Thai phụ nhiễm virus Zika trong thai kỳ có thể truyền siêu vi này sang cho thai nhi, từ đó gây nên hội chứng nhiễm Zika bẩm sinh cho thai nhi. Thai nhi bị bệnh Zika bẩm sinh có các biểu hiện nặng nề như tật đầu nhỏ, khiếm khuyết não bộ, dị tật hốc mắt, giới hạn vận động khớp, ức chế trương lực cơ ngay sau sinh. Tuy nhiên, không phải thai nhi nào nhiễm Zika bẩm sinh cũng có những biểu hiện bệnh như kể trên.

Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ mối liên quan giữa nhiễm virus Zika trong lúc mang thai với các khiếm khuyết của thai nhi. Công tác quan trọng nhất trong lúc điều trị cho thai phụ nhiễm virus Zika là giúp thai phụ giữ được tinh thần ổn định. Lo lắng, sợ hãi là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất xấu đến thai nhi.

Theo nhận định của Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, mầm bệnh virus Zika đang lưu hành tại TPHCM. Những quận, huyện chưa có trường hợp mắc bệnh không có nghĩa là không có mầm bệnh, vì 80% trường hợp mắc bệnh này không có triệu chứng.

Ngày 18-10-2016, UBND TPHCM đã chính thức công bố dịch Zika ở cấp xã, phường.

Thống kê đến ngày 28-11, tại TPHCM ghi nhận 83 trường hợp nhiễm virus Zika tại 17 quận huyện, trong đó có 9 thai phụ đang theo dõi thai kỳ.

Trong số 17 quận huyện có bệnh nhân nhiễm virus Zika, quận Bình Thạnh dẫn đầu với 17 trường hợp, tiếp đến là quận 2 với 14 ca, quận 12 có 9 ca, quận Tân Phú có 9 ca …

Các tin khác