Xuất khẩu hoa

Tiềm năng nội, thụ hưởng ngoại

Thiếu vốn và thông tin để tiếp cận thị trường là nguyên nhân khiến nước ta chưa thể trở thành một nước xuất khẩu hoa hàng đầu Đông Nam Á, dù có nhiều tiềm năng.

Thiếu vốn và thông tin để tiếp cận thị trường là nguyên nhân khiến nước ta chưa thể trở thành một nước xuất khẩu hoa hàng đầu Đông Nam Á, dù có nhiều tiềm năng.

Nước ta hiện có khoảng 8.000ha trồng hoa với 4,5 tỷ cành/năm, trong đó 1 tỷ cành được xuất khẩu. Năm 2010 doanh thu từ xuất khẩu hoa đạt 60 triệu USD. Những thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Singapore, Australia… Bộ NN-PTNT cho biết sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu hoa sang các nước khu vực Bắc Mỹ và Trung Âu, do nhu cầu của những thị trường này khá lớn.

Song để thực hiện được mục tiêu này, cần nhiều DN trong nước tham gia. Bởi hiện nay các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu hoa. TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là địa phương trồng và xuất khẩu hoa lớn nhất cả nước với 3.500ha hoa và 2.000 hộ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này. Tuy mỗi năm Đà Lạt thu hoạch 1,2 tỷ cành hoa, nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng 5% tổng sản lượng, trong đó, chiếm phần lớn là của Dalat Hasfarm (công ty của Hà Lan hoạt động tại Đà Lạt hơn 14 năm nay). Đây là công ty sản xuất và xuất khẩu hoa lớn nhất Đà Lạt.

Mỗi năm Đà Lạt thu hoạch 1,2 tỷ cành hoa nhưng chỉ xuất khẩu được 5% tổng sản lượng. 

Mỗi năm Đà Lạt thu hoạch 1,2 tỷ cành hoa nhưng chỉ xuất khẩu được 5% tổng sản lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Văn Đảnh, Giám đốc marketing Dalat Hasfarm, cho biết: “Năm 2010 công ty đã xuất 80 triệu cành hoa và 150 triệu cây con sang Nhật Bản, Australia, Singapore… Riêng xuất khẩu hoa đạt doanh thu 30 triệu USD”. Hiện Dalat Hasfarm có khoảng 300ha nông trại, trong đó hơn 100ha trang bị nhà kính, 70% sản lượng phục vụ cho xuất khẩu. Để đạt được kết quả như vậy, Dalat Hasfarm đã không ngần ngại đầu tư vốn cho hệ thống nhà kính. Trung bình 1ha nhà kính đầu tư khoảng 150.000-200.000EUR. Tất cả công nghệ được nhập từ Pháp và Hà Lan. Bên cạnh đó công ty có quy trình kiểm định nghiêm ngặt để đáp ứng đòi hỏi của các thị trường khó tính và đặc biệt chú trọng khâu vận chuyển nhằm tránh làm giảm chất lượng hoa. 

Vốn đầu tư là bài toán hóc búa với DN trồng hoa trong nước. Một doanh nhân từng thất bại trong việc đầu tư xuất khẩu hoa tại Đà Lạt chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi cứ nghĩ đơn thuần để trồng hoa xuất khẩu thành công chỉ cần một hệ thống nhà kính, nên mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà kính. Tuy nhiên thực tế cho thấy trồng hoa công nghệ cao để xuất khẩu đòi hỏi số vốn cao hơn rất nhiều. Ngoài nhà kính trồng hoa, còn phải đầu tư hệ thống nhà lạnh để bảo quản hoa; xây dựng quy trình khép kín từ nhân giống, nuôi trồng, bảo quản đến xuất khẩu. Đó là những yêu cầu quá sức đối với phần lớn DN Việt Nam”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực trồng và xuất khẩu hoa, khi có đủ vốn, vấn đề quan trọng hơn cả là cách đầu tư như thế nào cho đúng hướng. Ngoài ra, những rào cản từ phía nước nhập khẩu hoa cũng là một khó khăn đối với nông dân và DN.

Để tìm hướng đi riêng, một số DN Việt Nam đã chuyển sang xuất khẩu hoa khô. Hiện Công ty Rừng Hoa Đà Lạt là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu hoa khô. Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, cho biết thị trường hoa khô trên thế giới rất lớn, lợi nhuận cao hơn so với hoa tươi khoảng 12 lần. Song ngay cả việc xuất khẩu hoa khô cũng đòi hỏi phải đầu tư công nghệ từ khâu trồng trọt, chế biến vì không phải loại hoa nào cũng có thể sấy khô và đem xuất khẩu được.

Để ngành trồng hoa Việt Nam phát triển xứng với tiềm năng, cần sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước và địa phương trong việc tìm kiếm nguồn vốn, đầu tư công nghệ và tiếp cận thị trường.

Các tin khác