Điều chỉnh thiết kế cảng Vân Phong

Năm 2006, Bộ GTVT phê duyệt dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (CTCQTVP) tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong thuộc xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa). Sau một thời gian triển khai, chủ đầu tư dự án quyết định tạm dừng thi công để điều chỉnh thiết kế.

Năm 2006, Bộ GTVT phê duyệt dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (CTCQTVP) tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong thuộc xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa). Sau một thời gian triển khai, chủ đầu tư dự án quyết định tạm dừng thi công để điều chỉnh thiết kế.

Theo thiết kế, dự án CTCQTVP được xây dựng trên diện tích khoảng 750 ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bến khoảng 12.564m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm. Giai đoạn khởi động do Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) làm chủ đầu tư, được khởi công cuối năm 2009, tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD.

Mục tiêu xây dựng 2 bến có chiều dài 690m, có thể tiếp nhận tàu container sức chở 6.000 - 9.000 TEU, đáp ứng lượng hàng thông qua 700.000 TEU/năm; tiến độ đầu tư xây dựng khoảng 40 tháng. Theo hợp đồng với chủ đầu tư, Liên doanh nhà thầu SK E&C (Hàn Quốc) và Tổng công ty xây dựng đường thủy VN xây dựng 2 bến cảng, dự kiến hoàn thành trong thời gian 2 năm; các hạng mục khác do chủ đầu tư tổ chức thực hiện, dự kiến cuối năm 2013 hoàn thành. Thế nhưng, dự án đã ngừng thi công hơn 8 tháng kể từ ngày khởi công.

Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong sau hơn 2 năm khởi công. 
 Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong sau hơn 2 năm khởi công.

Ông Hoàng Đình Phi, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, cho biết chủ đầu tư dự án CTCQTVP xin tạm dừng thi công để điều chỉnh quy mô đầu tư. Lý do, trong thời gian thực hiện đã phát hiện về mặt kỹ thuật, địa chất khu vực dự án cần phải khảo sát lại.

Mặt khác, chủ đầu tư xem xét về hiệu quả đầu tư của dự án liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng tàu container trên các tuyến biển xa đã có sự phát triển về cỡ tàu vận tải, nhiều tàu chở container lớn đã được đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, một số cảng tại Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đón tàu có trọng tải đến 10.000 TEU và đã tổ chức mở tuyến cho tàu 6.000 TEU chạy trực tiếp đến Hoa Kỳ và châu Âu. Do vậy, việc đầu tư xây dựng CTCQTVP giai đoạn khởi động cho tàu 6.000 - 9.000 TEU không còn phù hợp, cần điều chỉnh quy mô để cảng có thể tiếp nhận tàu từ 12.000 - 15.000 TEU; chiều dài 2 bến lên đến 850m; tổng vốn đầu tư dự kiến tăng 15-20%.

Theo một chuyên viên của Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, việc xin tạm ngưng thi công dự án để điều chỉnh thiết kế được các cấp cho phép, nhưng không biết đến thời điểm nào mới hoàn thành điều chỉnh thiết kế, tiến hành thi công trở lại.

Còn theo TS. Chu Quang Thứ, nguyên quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN, trong năm 2008, tại cuộc họp lần thứ 7 Hiệp hội Cảng biển quốc tế tại Dubai (UAE), các nhà kinh tế biển xác định tàu container loại 12.000 TEU là có hiệu quả kinh tế nhất.

Đến nay, các nước đã có tàu container loại 15.000 TEU đưa vào vận hành và đội tàu container lớn nhất thế giới được thiết kế cỡ 18.000 TEU, đóng tại Daewoo (Hàn Quốc), sẽ xuất xưởng trong năm 2014. Do đó, có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh quy mô đầu tư như trên của Vinalines khó có thể phù hợp thực tế.

Các tin khác