Thừa vốn vẫn cạnh tranh huy động ngắn hạn

Không ít NH lên tiếng nguồn vốn đang dôi dư do không dễ khơi thông đầu ra, nhưng tình trạng thỏa thuận lãi suất huy động kỳ hạn ngắn vẫn chưa thể chấm dứt. Nhiều NH còn duy trì chính sách lãi suất cộng thêm cho kỳ hạn gửi dưới 6 tháng và gia tăng khuyến mại.

Không ít NH lên tiếng nguồn vốn đang dôi dư do không dễ khơi thông đầu ra, nhưng tình trạng thỏa thuận lãi suất huy động kỳ hạn ngắn vẫn chưa thể chấm dứt. Nhiều NH còn duy trì chính sách lãi suất cộng thêm cho kỳ hạn gửi dưới 6 tháng và gia tăng khuyến mại.

Tăng lãi suất kỳ hạn ngắn

Trước thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu gửi tiết kiệm của khách hàng chọn kỳ hạn dài nhiều hơn khi lãi suất dần trở lại đường cong “tăng kỳ hạn dài, giảm kỳ hạn ngắn”. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài cao nhất được không ít NH áp dụng 9,5-10%/năm, kỳ hạn dưới 6 tháng dưới 7%, thậm chí nhiều NH lớn chỉ duy trì 5-6%/năm.

Tuy nhiên trong 2 tháng gần đây, không ít NH đã phải cắt giảm lãi suất kỳ hạn dài, nhưng gia tăng tính hấp dẫn cho kỳ hạn ngắn, một số NH còn duy trì chính sách cộng thêm lãi suất tiết kiệm với biên độ dao động 0,3-0,5% cho kỳ hạn tiền gửi 6 tháng trở xuống.

Sở dĩ các NH vẫn phải cạnh tranh trong quá trình huy động vốn cho dù vốn dôi dư là do huy động-cho vay là hoạt động chính của NH. Nếu không tiếp tục cạnh tranh để huy động vốn sẽ dễ bị mất thị phần khi NH bạn gia tăng thêm tính hấp dẫn cho lãi suất. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, lãi suất sẽ tạo khó khăn cho chính NH khi chạy đua huy động tiết kiệm vì không dễ để cho vay ra.

Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Lãnh đạo của một NH cho biết, hiện khách hàng chuyển hướng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn, do chứng khoán đang khởi sắc trở lại và dự báo bất động sản sẽ dần ấm lên từ chính sách kích cầu được đẩy mạnh trong năm nay. Vì thế nhiều người muốn tìm kiếm cơ hội trong kinh doanh thay vì gửi tiết kiệm.

Đó cũng là lý do vì sao nhu cầu gửi tiền kỳ hạn ngắn tăng trở lại gần đây. Chẳng hạn tại NH S, nếu khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 1-3 tháng được cộng thêm biên độ tối đa 0,3% ngoài mức lãi suất tiết kiệm được hưởng 7%/năm theo quy định trần. Tương tự, tại một NH có trụ sở TPHCM, biên độ lãi suất cộng thêm cho kỳ hạn tiết kiệm 6 tháng trở xuống 0,2-0,3%.

Để có thể cạnh tranh huy động được nguồn vốn, không ít NH còn đưa ra nhiều chính sách tạo tính hấp dẫn cho tiết kiệm kỳ hạn ngắn. Cá nhân gửi tiết kiệm từ 100 triệu đồng, kỳ hạn gửi 1 tháng, kỳ lĩnh lãi 1 tuần, 2 tuần hoặc 1 tháng lãi suất vẫn 7%/năm và thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ.

VietA Bank mới giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm trở lên, mức cao nhất được NH này duy trì còn 9%/năm, giảm 0,5% so với đầu tháng 2-2014. Tuy nhiên, VietA Bank gia tăng khuyến mại, quà tặng và duy trì lãi suất kịch trần 7%/năm đối với kỳ hạn tiết kiệm ngắn ngày…

Trong khi đó, vốn huy động của các NH vẫn dôi dư và kêu khó khơi thông được bài toán tín dụng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa tăng khi sức mua giảm. Thông tin từ một lãnh đạo cấp cao Sacombank, tăng trưởng tín dụng trong gần 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1%, trong khi huy động vốn NH này tăng trưởng khá mạnh.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 15-36 tháng của Sacombank hiện chỉ dao động 7,43-7,62%/năm, trong khi đó kỳ hạn tiền gửi từ 4 tháng đến 1 năm vẫn dao động 6,6-7,7%/năm.

Đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn?

Trong bối cảnh hiện nay, do lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng nên NH chưa thể mạnh dạn đẩy vốn cho vay trung, dài hạn, chủ yếu cho vay ngắn hạn để có thể thu hồi vốn nhanh khi phía đối tác có biến động NH nhanh chóng xử lý được rủi ro về nợ xấu.

Đó cũng là lý do vì sao lãi suất cho vay chưa thể giảm như kỳ vọng của người cần vốn. Theo chủ tịch HĐQT một NH, thời gian qua NH chỉ có thể cắt nhẹ chi phí kỳ hạn dài, nhưng đối với vốn huy động ngắn hạn không những khó giảm mà ngược lại phải gia tăng thêm các chương trình khuyến mại mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi.

Một phó tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, tiết kiệm vẫn tăng nhưng không thể giảm lãi suất huy động. Lạm phát năm nay được kiểm soát 6,5-7%/năm thì trần huy động 7%/năm hiện nay là hợp lý và rất khó có thể cắt giảm thêm trong thời gian tới. Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn, nhất là với khối khách hàng doanh nghiệp.

Còn lãnh đạo OCB cho rằng, có thể trước mắt tiết kiệm chưa chảy sang chứng khoán, nhưng trong thời gian tới các kênh đầu tư khác hồi phục rõ nét hơn. Vì thế, dù nguồn tiền đang dôi dư và tiết kiệm dồi dào, song các NH vẫn phải cạnh tranh huy động.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, một chuyên gia lĩnh vực chứng khoán lại đưa ra nhận định, nếu chứng khoán tăng, nguồn tiết kiệm khả năng sẽ chảy sang kênh đầu tư này. Tuy nhiên, điều đó sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến nguồn tiền gửi của NH. Nguyên nhân tiết kiệm chủ yếu được gửi từ những người có tiền nhàn rỗi thực sự và chỉ muốn gửi NH, còn nhà đầu tư chỉ là một bộ phận nhỏ.

Đánh giá trước việc cạnh tranh huy động khi nguồn tiền gửi vẫn dôi dư hiện nay, chuyên gia này cho rằng cho vay vẫn kiếm lãi khá tốt với lãi suất 11-13%/năm nên NH vẫn phải chạy đua huy động tiết kiệm, nhất là kỳ hạn ngắn lãi suất chỉ 6-7%/năm. Nhiều NH cho rằng chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay hiện nay không còn lợi nhuận trong phát triển tín dụng, nhưng thực tế biên độ chênh lệch chỉ cần dao động 2,5-3%, đủ để NH trang trải chi phí và thu lợi nhuận.

Thực tế để tăng trưởng được dư nợ tín dụng trong lúc này rất khó khăn và điều này đã được chứng minh khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành âm trong hơn 2 tháng đầu năm. Chính vì vậy Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có chỉ đạo các NH nên xem xét giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay kể từ quý II tới để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng và kích thích tín dụng chảy tốt hơn. 

Các tin khác