Phòng thủ ngay đầu năm

Thay vì để đến quý IV hàng năm mới trích dự phòng rủi ro tín dụng như trước đây, hiện các NH đã có kế hoạch trích dự phòng từ quý I nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động, bởi lo ngại rủi ro tiếp tục gia tăng.

Thay vì để đến quý IV hàng năm mới trích dự phòng rủi ro tín dụng như trước đây, hiện các NH đã có kế hoạch trích dự phòng từ quý I nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động, bởi lo ngại rủi ro tiếp tục gia tăng.

Trong năm qua, ACB đã bán được 423 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, thu về 318 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trong quý I-2014, ACB bán thêm 80 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, đồng thời tăng cường trích lập dự phòng ngay từ đầu năm, thay vì để đến quý IV hàng năm.

Đó cũng là lý do được ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, lý giải lợi nhuận trước thuế đạt được trong quý I chỉ có 303 tỷ đồng. Nhưng con số này giúp NH tin tưởng sẽ đạt kế hoạch hơn 1.100 tỷ đồng đề ra cả năm nay.

 

Không chỉ với ACB, mà ngay cả Sacombank, NamA Bank, OCB, Eximbank… cũng cho hay rủi no nợ xấu vẫn là mối lo trong hoạt động tín dụng năm nay. Bởi tồn kho tăng, sức mua yếu nên nợ vay của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng rơi vào vùng nợ xấu. Vì thế, ngay từ đầu năm, các NH đã phải trích dự phòng rủi ro tín dụng để đảm bảo an toàn.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cho biết ước quý I lợi nhuận đạt được của Sacombank là 750 tỷ đồng trước thuế. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế Sacombank đưa ra trong năm nay là 3.000 tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 13% và đến giữa tháng 4 Sacombank đã đạt mức tăng trưởng 4,7%.

Tuy nhiên, theo ông Khang, trước bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn trong năm nay, việc đẩy mạnh hoạt động cho vay cũng không dễ. Bởi rủi ro nợ xấu vẫn gia tăng và nhu cầu vốn của khách hàng chưa cải thiện nhiều. Vì thế, trong năm nay Sacombank cũng tập trung thu hồi nợ quá hạn, kể cả các nhóm nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, nợ xấu trên hệ thống vẫn tăng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, nên việc DongA Bank phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến 558,8 tỷ đồng trong năm qua cũng làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.

Cụ thể, tổng lợi nhuận chưa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của DongA Bank trong năm qua trên 989 tỷ đồng (đã trừ trích dự phòng đầu tư dài hạn 40 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2013 và giảm 44% so với năm 2012.

Tuy vậy, việc trích quỹ dự phòng rủi ro như vậy sẽ giúp hoạt động DongA Bank an toàn hơn. Tính đến cuối năm 2013, tổng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã trích chưa sử dụng của DongA Bank trên 931 tỷ đồng.

Theo ông Bình, năm qua DongA Bank đã mạnh dạn thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư dài hạn, kiên quyết thoái vốn đối với danh mục đầu tư không hiệu quả, nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nên khoản lỗ 180 tỷ đồng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của DongA Bank.

Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế DongA Bank đưa ra cho năm nay cũng phải được tính toán kỹ trước những khó khăn của nền kinh tế. Dự kiến lợi nhuận trước thuế ở mức 500 tỷ đồng; huy động vốn tăng 20%; dư nợ cho vay tăng 12%; nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Chủ tịch HĐQT KienLong Bank Võ Quốc Thắng cũng cho biết, kinh tế năm 2014 sẽ có những chuyển biến tốt hơn so với năm 2013, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn đối với hoạt động NH. Vì thế, để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong những năm qua và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong năm 2014, KienLong Bank sẽ tiếp tục phát triển hoạt động theo định hướng, chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN.

Tại ĐHCĐ 2014 vừa diễn ra, HĐQT KienLong Bank đã trình cổ đông thông qua chương trình hành động năm 2014 gồm: tổng tài sản 23.842 tỷ đồng; huy động vốn 19.505 tỷ đồng; dư nợ cho vay 13.341 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 419 tỷ đồng; cổ tức 9-10%.

ABBank cũng vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên thông qua các chỉ tiêu hoạt động trong năm 2014 gồm: tổng tài sản đạt 66.178 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2013; huy động vốn tăng 8%, nhưng NH này không đưa ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Trong khi đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng của ABBank trong năm qua chỉ đạt 61%, nợ xấu đến cuối năm 2013 là 4,8%. Chủ tịch HĐQT ABBank, ông Vũ Văn Tiền, cho biết trong năm nay ABBank không đặt mục tiêu chạy theo tăng trưởng tín dụng mà sẽ đẩy mạnh vào khách hàng bán lẻ với rủi ro ít hơn.

Năm 2014 kinh tế nói chung và ngành NH nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn nên NH sẽ xây dựng “khẩu vị” rủi ro và mô hình quản trị rủi ro đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của NHNN và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, ABBank tập trung công tác xử lý nợ và lành mạnh hóa danh mục tín dụng.

Các tin khác