Phát triển hệ sinh thái không dùng tiền mặt

(ĐTTCO) - Hướng tới một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là mục tiêu lớn đang được đặt ra. Tuy nhiên, để thực hiện không chỉ hành lang pháp lý phù hợp, mà còn đòi hỏi một hệ sinh thái chung dành cho các tác nhân tham gia như cơ quan quản lý nhà nước, NHTM, các công ty fintech, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, người bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng. 

ĐTTC đã ghi nhận ý kiến đóng góp của ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank về giải pháp để đạt được hệ sinh thái này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, rất nhiều phương thức TTKDTM hiện đại đã được áp dụng các năm gần đây, nhưng các báo cáo đánh giá đều cho thấy tốc độ chuyển đổi vẫn chưa đạt kỳ vọng. Là người trong cuộc đang tham gia hoạt động trên thị trường thanh toán, góc nhìn của ông như thế nào về quá trình và hiệu quả của thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam?
Ông PHẠM DUY HIẾU: - Tại Việt Nam, việc TTKDTM đang được Chính phủ, Nhà nước và các cấp quan tâm, đẩy mạnh đến với từng ban ngành, người dân. Việc thúc đẩy TTKDTM đã góp phần tái cấu trúc hệ thống NH một cách thiết thực và hiệu quả, thông qua việc đa dạng hóa các dịch vụ NH, đáp ứng các yêu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
Tuy nhiên, TTKDTM vẫn gặp nhiều rào cản do thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, chưa quen với sử dụng công nghệ thanh toán mới, sợ thanh toán điện tử không an toàn, không kiểm soát được phí phát sinh thẻ tín dụng khi để nợ quá hạn... Một bộ phận người bán sản phẩm, dịch vụ hay các cửa hàng nhỏ cũng không có thói quen thanh toán điện tử.
Phát triển hệ sinh thái không dùng tiền mặt ảnh 1
Ngoài ra, Việt Nam có 50% dân số thuộc độ tuổi lao động, nhưng chỉ có gần 40% dân số tiếp cận các dịch vụ tài chính và phần lớn là ở các thành phố. Mỗi người dân thành thị đang sở hữu nhiều thẻ NH cùng lúc, nên số lượng thẻ chiếm tỷ lệ rất cao so với khu vực nông thôn.
- Thuận lợi về TTKDTM thể hiện qua những chủ trương, chính sách của Nhà nước đã được ban hành, nhưng nhắc đến khó khăn, các đơn vị triển khai dịch vụ thanh toán vẫn nhắc đến vấn đề pháp lý. Quan điểm của ông thế nào?
- Đúng là khó khăn chung của những giải pháp công nghệ tài chính hiện nay là những rào cản về mặt pháp lý. Nhưng nhờ có sự ủng hộ từ chủ trương của Chính phủ và NHNN, ABBank vẫn thường xuyên phối hợp với cơ quan nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý trong quá trình áp dụng những công nghệ mới.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn lại liên quan đến thói quen người dùng, vẫn còn một bộ phận lớn người dân hiện nay chưa thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt. Để thay đổi thói quen này và điều hướng người dùng chuyển đổi sang NH số cần có một lộ trình, nhưng nếu không nhanh chân sẽ mất cơ hội. 
- Hiện có nhiều thành viên tham gia vào thị trường thanh toán, theo ông cần giải pháp nào để tạo ra một hệ sinh thái TTKDTM tổng thể, để trong hệ sinh thái đó các tổ chức tín dụng (TCTD), công ty fintech, các nhà mạng, đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ… có điều kiện để phát huy dịch vụ một cách tối ưu nhất?
- Công nghệ và sự tiến hóa của thị trường đã đưa người dùng/khách hàng vào trung tâm của hệ sinh thái. Một hệ sinh thái thanh toán bền vững theo đó cũng nhất định cần hướng vào trung tâm để phục vụ tốt cho khách hàng của mình. Khi tất cả cấu phần vì một mục tiêu chung như thế, ắt hẳn mỗi mắt xích cũng sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung với cả guồng máy. Hướng đến những mục tiêu chung chính là nền tảng tiên quyết dẫn đến sự bền vững mà tôi muốn đề cập. 
Theo tôi, có 3 khía cạnh mà các thành phần trong hệ sinh thái có thể ưu tiên tập trung để cùng nhau hướng đến mục tiêu chung nhanh chóng và hiệu quả. Thứ nhất, hãy ưu tiên cho sự đồng bộ.
Dẫu rằng các doanh nghiệp được tự do lựa chọn sự khác biệt của mình để cạnh tranh, nhưng trên toàn cục nếu doanh nghiệp hay tổ chức có thể kết nối và đồng bộ với những cấu phần khác, thì sẽ giảm được rất nhiều nguồn lực hoặc rủi ro trong việc phát triển thị trường, cũng như gặt hái được nhiều lợi ích đáng kể khác. Tính đồng bộ cứng có thể được xác lập dựa trên việc hình thành các hiệp hội, các liên kết với hệ thống các mục tiêu chung cụ thể.
Tính đồng bộ mềm sẽ được thiết lập nhờ những nét văn hóa hình thành trong hệ sinh thái, nhờ các thế hệ lãnh đạo hoặc các nhân sự chủ chốt nắm giữ những cấu phần. Chúng ta còn có thể học hỏi được sự đồng bộ từ các mô hình mà những hệ sinh thái trưởng thành đã xây dựng và áp dụng. 
Thứ hai, hãy dùng công nghệ mới. Một khi đã có được định hướng ổn định và tập trung vào việc kinh doanh, doanh nghiệp hay một tổ chức sẽ chuyên tâm phục vụ khách hàng. Trong việc phục vụ khách hàng, tôi thích những đơn vị mạnh dạn nắm bắt những công nghệ mới hoặc mạnh hơn nữa là những cách tiếp cận hàng đầu thế giới. Công nghệ mới trước tiên sẽ khiến cho khách hàng được lợi; sau đó là giúp cho đơn vị duy trì được tính mới trong một thời gian dài khi đồng hành cùng với các cấu phần khác. 
Một thí dụ điển hình cho công nghệ mới là công nghệ nhận diện khuôn mặt đang thu hút nhiều người quan tâm. Ngày 14-6, ABBank ra mắt bản thử nghiệm ứng dụng dịch vụ tài chính mới với tên gọi Wee@ABBANK. Đây là ứng dụng tài chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng giải pháp xác thực thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt (Facial Payment), với nhiều hứa hẹn trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng.  
Thứ ba, hãy mang tính nhân bản. Trong hệ sinh thái thanh toán và bây giờ là TTKDTM nghe có vẻ khô khan và kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế là những thế hệ công nghệ mới đang trở nên rất thân thiện và giống người. Điều này mang đến một đề bài mới cho những cấu phần trong hệ sinh thái thanh toán, là làm thế nào để càng ngày càng gần với con người và hiểu rõ khách hàng của mình thật sự sâu sắc.
Phát triển từ khía cạnh này, hệ sinh thái sẽ tạo ra một môi trường, mà ở đó khách hàng là con người, sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân, quay lại được với những chân giá trị của cuộc sống, và đây cũng là sự mong muốn của tất cả những người đang nỗ lực xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác