Phát hành trái phiếu quốc tế: Không dễ có vốn rẻ!

(ĐTTCO) - Phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) là kênh huy động vốn được nhiều ngân hàng (NH) hướng tới trong vài năm trở lại đây. Hoạt động này được đánh giá là nên được khuyến khích để đa dạng kênh huy động vốn, song bên cạnh đó cũng có một số rủi ro mà các nhà phát hành tính đến.
Vốn quốc tế đang rẻ nhưng không dễ huy động bằng trái phiếuvới lãi suất thấp.
Vốn quốc tế đang rẻ nhưng không dễ huy động bằng trái phiếuvới lãi suất thấp.
Xu hướng hút vốn TPQT
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của SHB vừa qua, cổ đông đã thông qua phương án phát hành TPQT với tổng giá trị phát hành là 500 triệu USD kỳ hạn từ 3-5 năm theo chương trình Euro Medium Term Note, và kế hoạch niêm yết TPQT tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore sau khi hoàn tất phát hành. 
Theo kế hoạch dự kiến, đợt đầu tiên SHB sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn 3-5 năm theo 2 loại hình TPQT cao cấp (không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm chứng quyền) và TPQT tăng vốn cấp 2 (được mua lại sau 5 năm 1 ngày, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi). Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến khi hoàn tất. Các đợt phát hành tiếp theo sẽ được thiết kế theo nhu cầu của SHB tại từng thời điểm và do HĐQT quyết định.
Thật ra xu hướng phát hành TPQT của ngành NH rộ lên từ năm 2019. Trong năm đó, SeABank đã lấy ý kiến cổ đông phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, kỳ hạn dự kiến tối đa là 5 năm. TPBank lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành 200 triệu USD TPQT vốn cấp 2. VPBank đưa ra mục tiêu phát hành tới hơn 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế trong năm 2019-2020. Đến năm 2020, 2 NH là ACB và HDBank cũng đã lên kế hoạch phát hành TPQT. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH nhận định, các NH đang có xu hướng phát hành TPQT trong vài năm gần đây là vì lãi suất TPQT thấp hơn nhiều so với phát hành trái phiếu tại Việt Nam. Kênh này giúp NH đa dạng nguồn huy động vốn, hạn chế phụ thuộc nguồn huy động ngoại tệ trong nước, bổ sung nguồn ngoại tệ cho hoạt động kinh doanh.
Ông Hiếu cho rằng, nếu hoạt động phát hành thành công, các định chế tài chính trong nước cũng sẽ tăng uy tín, thương hiệu trên thị trường toàn cầu và đưa Việt Nam hội nhập vào hệ thống tài chính thế giới một cách sâu rộng hơn. Vì một NH muốn phát hành TPQT bắt buộc phải chuẩn hóa tài chính và quản trị điều hành, nâng cao tính công khai minh bạch để đáp ứng các yêu cầu về cung cấp thông tin và chất lượng tài sản của các tổ chức quốc tế.
Tương tự, một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại tiền rẻ đang dồi dào vì các nước cắt giảm mạnh lãi suất chính sách, cùng lúc hàng loạt gói kích thích quy mô lớn được bơm vào các nền kinh tế để đối phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là cơ hội để các nhà băng và các tổ chức kinh tế trong nước tìm kiếm nguồn vốn rẻ hơn từ quốc tế. Một tín hiệu tốt nữa là Việt Nam đã được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, Fitch Ratings nâng triển vọng lên mức "tích cực" trong thời gian gần đây, đó là nền tảng tăng khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Nhưng chi phí có rẻ hơn?
Tuy vậy, huy động TPQT không chỉ có những mảng màu hồng như phân tích trên mà còn nhiều gam màu xám. Vốn rẻ dồi dào trên thị trường quốc tế, triển vọng được nâng bậc, nhưng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng như của các NH Việt Nam hiện vẫn nằm ở hạng mức chưa được tín nhiệm đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn vào xếp hạng tín nhiệm để đánh giá mức độ rủi ro, từ đó đưa ra quyết định về lãi suất hoặc thậm chí là quyết định có đầu tư hay không. 
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam và nhiều NH được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng cũng chỉ đồng nghĩa với việc có thể huy động vốn nhiều hơn, nhưng chi phí vay nợ (lãi suất) sẽ không thay đổi đáng kể so với trước đây dù tiền rẻ dồi dào trên thế giới. Bên cạnh đó, chi phí phát hành TPQT thường rất cao. Vì khi muốn phát hành chứng khoán ở trên thị trường quốc tế, các nhà phát hành phải tổ chức roadshow để quảng bá cho trái phiếu của mình, trong khi không có gì bảo đảm họ có thể phát hành thành công.
Nhìn trên thực tế, từ mục tiêu đến hoàn thành việc phát hành TPQT là một hành trình không dễ dàng. Đơn cử năm 2019, hàng loạt NH đặt mục tiêu phát hành TPQT nhưng chỉ có VPBank phát hành thành công với tổng giá trị 300 triệu USD, lãi suất 6,25%/năm, kỳ hạn 3 năm. SeABank đã dời kế hoạch phát hành 400 triệu USD TPQT sang năm 2020 thay vì năm 2019 nhưng chưa thực hiện.
Năm 2020, HDBank là NH trong nước duy nhất phát hành thành công 160 triệu USD (tương đương 3.680 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế để bổ sung vốn cấp 2 theo hình thức chào bán riêng lẻ, với kỳ hạn 5 năm 1 ngày, lãi suất cố định là 4,5%/năm.
Một vấn đề đáng chú ý nữa là trong trường hợp phát hành thành công, các tổ chức phát hành TPQT còn đối mặt với rủi ro về tỷ giá hối đoái. Khi các NH hoặc các tổ chức kinh tế Việt Nam phát hành TPQT sẽ phát hành bằng USD. Khi trả nợ, họ lại phải trả bằng ngoại tệ. Nếu rơi vào trường hợp khi phát hành tỷ giá thấp, nhưng đến thời hạn trả nợ tỷ giá tăng lên, các NH phải dùng nhiều tiền đồng hơn để mua ngoại tệ trả nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Rủi ro này đang được dự báo là hiện hữu trong bối cảnh lạm phát thế giới có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng đến sự mất giá của đồng tiền. Như vậy, khi được lợi về lãi suất, các nhà băng cũng sẽ phải chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái trong hoạt động phát hành TPQT. Đó là bài toán mà mỗi nhà phát hành phải tính đến. Ngoài ra, việc phát hành TPQT phải được sự phê duyệt của NHNN, vì cuối cùng NHNN là đơn vị dự trù ngoại tệ để các nhà phát hành trả nợ cho nước ngoài.
 Việt Nam và nhiều NH được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng cũng chỉ đồng nghĩa với việc có thể huy động vốn nhiều hơn, nhưng chi phí vay nợ (lãi suất) sẽ không thay đổi đáng kể so với trước đây dù tiền rẻ dồi dào trên thế giới.

Các tin khác