Nhỏ nhưng nếu có... “võ”

Dưới áp lực tái cơ cấu, nhiều NH nhỏ thuộc diện yếu kém đã phải sáp nhập, hợp nhất. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang có một số NH có quy mô nhỏ và vừa đang dần dần khẳng định thương hiệu, vượt qua được sóng gió và không sáp nhập hợp nhất, thay vào đó là củng cố nội lực, xây dựng chiến lược để ứng phó với sự cạnh tranh trên thị trường.

Dưới áp lực tái cơ cấu, nhiều NH nhỏ thuộc diện yếu kém đã phải sáp nhập, hợp nhất. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang có một số NH có quy mô nhỏ và vừa đang dần dần khẳng định thương hiệu, vượt qua được sóng gió và không sáp nhập hợp nhất, thay vào đó là củng cố nội lực, xây dựng chiến lược để ứng phó với sự cạnh tranh trên thị trường.

Không phải nhỏ là sáp nhập

Đến cuối năm 2013 đã có đến 17 TCTD báo lỗ trong đó có nhiều NHTM lớn. Trong bối cảnh đó, nhiều NH có quy mô nhỏ và vừa nổi lên khi đã có những nỗ lực lớn thông qua kết quả kinh doanh khả quan. NamABank đã tăng tổng tài sản gần 80%, đạt 28.782 tỷ đồng trong năm 2013, tỷ lệ nợ xấu 1,48%, giảm 1,23% so với năm 2012; lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng. OCB với lợi nhuận trước thuế đạt 321 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; tổng tài sản đạt 32.795 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2012…

KienLongBank với tổng tài sản năm 2013 đạt 21.372 tỷ đồng, tăng 15%; dư nợ cho vay tăng 25%, huy động vốn tăng 19%, lợi nhuận trước thuế đạt 393 tỷ đồng...

Sau đợt sáp nhập lần đầu theo đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015, đã có 9 NH nhỏ thuộc diện yếu kém đã sáp nhập, hợp nhất. Đầu năm 2014, NHNN tiếp tục thông báo trong năm 2014 sẽ triển khai đợt tái cấu trúc lần 2 và sẽ thêm 6-7 NH phải sáp nhập để đến năm 2015 toàn hệ thống sẽ còn khoảng 15 NHTM.

Không phải NH có vốn điều lệ lớn là an toàn mà tiêu chí để một NH hoạt động hiệu quả là độ an toàn vốn và cách thức quản trị NH, một khi chất lượng hoạt động tốt thì NH có quy mô nhỏ cũng vẫn có nhiều cơ hội tồn tại và phát triển.

TS. Lê Xuân Nghĩa,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh

Theo xu hướng chung từ trước đến nay, đa số những NH phải sáp nhập vào NH khác đều là các NH nhỏ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tất cả NH nhỏ trên thị trường đều phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác.

Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamABank, cho biết NH này chưa có kế hoạch sáp nhập hợp nhất trong năm 2014, đồng thời NHNN cũng đã chấp thuận cho NamABank thực hiện tự tái cấu trúc.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng việc tái cấu trúc không chỉ dành cho NH yếu kém mà áp dụng cho tất cả các NH có quy mô lớn, vừa và nhỏ, trong đó có nhiều phương thức để lựa chọn cho phù hợp như tự chấn chỉnh củng cố đi lên, sáp nhập, hợp nhất hoặc mua bán.

Theo ông Dũng, NamABank dù có quy mô nhỏ nhưng được NHNN tin tưởng giao tự tái cấu trúc là do sự phát triển của NH này đáp ứng được yêu cầu sau khi NHNN xem xét về “sức khỏe”. Với OCB, ông Dũng cũng khẳng định, 3 chỉ số quy mô về tài chính, hoạt động và năng lực quản trị điều hành, OCB đều có khả năng đáp ứng  theo quy định của NHNN, do vậy việc tái cơ cấu OCB được chủ động trong việc triển khai theo chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015.

Động lực tạo sự cạnh tranh

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù theo yêu cầu tái cấu trúc là phải giảm bớt số lượng các NHTM, nhưng không phải vì vậy tất cả các NH nhỏ phải sáp nhập, hợp nhất với các TCTD khác để lớn hơn. Bởi trên thế giới, ở những quốc gia lớn, song song với các NH lớn vẫn có nhiều NH nhỏ phục vụ hướng đến phân khúc khách hàng riêng.

Như ở Nhật Bản, có nhiều NH nhỏ chuyên cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hoặc ở một số nước có NH dành riêng cho những DN bắt đầu khởi nghiệp. Tại Hoa Kỳ cũng có hàng chục ngàn NH có quy mô nhỏ, vốn điều lệ quy ra VNĐ chỉ khoảng 300-400 tỷ đồng nhưng vẫn hoạt động hiệu quả.

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, các NH lớn có xu hướng nắn dòng tín dụng chảy vào các dự án lớn, các DN có quy mô lớn; với các DNNVV, những đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ như tiểu thương, hộ kinh doanh rất nhỏ đa phần rất khó tiếp cận vốn. Song các NH nhỏ lại đang phát triển khá mạnh mô hình tín dụng nhỏ lẻ.

Cụ thể, NamABank với các sản phẩm cho các tổ hợp tác, DN tư nhân, DN siêu nhỏ (có từ 10 lao động trở xuống) có nhu cầu vay vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, vay bổ sung vốn sản xuất kinh doanh trả góp và hiện đang phục vụ rất tốt cho nhóm khách hàng nhỏ lẻ này.

Tại khu vực ĐBSCL, KienLongBank cho vay trả góp vốn và lãi hàng ngày, mức vay từ 40 triệu đến 100 triệu đồng trong 180 ngày, nhận thế chấp từ bất động sản đến động sản, kể cả xe gắn máy đang thu hút được sự quan tâm lớn từ người dân, góp phần giảm bớt nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn.

Trong chiến lược phát triển năm 2014, các NH nhỏ nói không có kế hoạch sáp nhập nhưng cũng tự tin sẽ phát triển tốt thông qua việc tiến hành tăng vốn điều lệ, đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển mạng lưới, nhân sự, tạo nền tảng để củng cố quy mô hoạt động, tăng cường sức cạnh tranh bằng chất lượng.

Vì vậy, nhìn ở góc độ cạnh tranh, các NH nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả, có tầm nhìn và chiến lược phát triển tốt sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh đa dạng cho thị trường, đồng thời sự tồn tại của các TCTD này cũng sẽ giúp nguồn tín dụng phân bổ đồng đều hơn cho tất cả đối tượng khách hàng trong nền kinh tế.

Các tin khác