Nhà băng phải đối phó nợ xấu

(ĐTTCO) - Trước những kết quả xử lý nợ xấu khả quan tại thời điểm cuối năm 2019, thì nay đã gặp rào cản và đang có nguy cơ bùng phát, khiến các NHTM phải cấp tập chuẩn bị đối phó. 

Xóa tan kỳ vọng
Cuối năm 2019, NHNN đã công bố hàng loạt số liệu lạc quan về tình hình xử lý nợ xấu của toàn hệ thống. Cụ thể, ước tính đến tháng 12-2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD)  ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Cơ quan quản lý ngành NH cũng thống kê, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1,064 triệu tỷ đồng nợ xấu.
Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối tháng 12-2019, ước tính xử lý được 305.700 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Tính trung bình từ ngày 15-8-2017 đến tháng 12-2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10.500 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 4.900 tỷ đồng so với kết quả trung bình từ năm 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. 
Song chỉ 2 tháng sau khi công bố thông tin trên, NHNN lại đưa ra các kịch bản dự báo kém khả quan về tình hình nợ xấu 2020, khi nền kinh tế bất ngờ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid- 19. Ngay sau đó, báo cáo tài chính quý I-2020 của các nhà băng càng làm đậm nét lo ngại nợ xấu đổi chiều tăng mạnh trong năm nay.
Nhà băng phải đối phó nợ xấu ảnh 1 Ngân hàng phải sống chung với nợ xấu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bởi trong 3 tháng qua, tín dụng tăng trưởng chậm trong khi nợ xấu ghi nhận tăng ở khá nhiều nhà băng. Cụ thể, tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu năm 2019 đã được kéo giảm từ 0,97% xuống còn 0,78%; nhưng trong quý I năm nay, giá trị nợ xấu đã tăng 7% lên 6.191 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu tăng lên 0,82%. 
Nợ xấu nội bảng của Sacombank cũng tăng hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 6.046 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%. Tại TPBank, giá trị nợ xấu tăng đến 53% lên 1.884 tỷ đồng, chủ yếu rơi vào nợ nhóm 4 (tăng 61% lên 771 tỷ đồng), đẩy tỷ lệ nợ xấu từ mức 1,28% lên 1,87% vào cuối tháng 3. Với SaigonBank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong quý đầu năm lên 377 tỷ đồng, chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh, đẩy tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ cho vay tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%. Tại BacABank tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,69% lên 0,79%, VIB từ 1,96% lên 2,19% và SeABank từ 2,31% lên 2,34%.
Theo các chuyên gia, trong quý I, ngành NH đã tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, không chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các khoản nợ có rủi ro vẫn được khoanh lại. Nhưng đến cuối tháng 6 hoặc cuối tháng 9, thời hạn cơ cấu nợ, giãn nợ kết thúc, các DN khó có thể phục hồi được ngay mà phải mất thêm thời gian khá dài nữa. Đó mới là thời điểm nợ xấu bộc lộ rõ ràng nhất, tức rủi ro nợ xấu bùng phát vẫn còn ở phía trước.

Cấp tập đối phó
Trong các hội nghị trực tuyến của ngành NH gần đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, liên tục nhấn mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh, dự kiến tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống năm 2020 sẽ có những biến động, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cơ cấu nợ gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và phương án phục hồi các TCTD yếu kém. Về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng phải chấp nhận thực tế nợ xấu tăng khó có thể chặn lại được vì đang có rất nhiều DN không có đơn hàng, sản xuất hàng hóa không bán được. 
Về phía NH, số liệu từ báo cáo tài chính quý I cũng cho thấy các nhà băng đang chuẩn bị đối phó với các rủi ro trong tương lai. Cụ thể, bên cạnh việc giảm giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, tấm đệm dự phòng rủi ro tín dụng cũng đang dày lên. Số tiền 2.152 tỷ đồng là khoản trích lập dự phòng rủi ro được Vietcombank dành ra trong quý I, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái. TPBank cũng nâng dự phòng lên 1.432 tỷ đồng, tăng 19%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB gần 93 tỷ đồng so với gần 16 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 
Những khoản trích lập được gia cố mạnh ngay từ quý I năm nay, đồng nghĩa với việc các nhà băng đang chuẩn bị đối phó với việc tăng nợ xấu trong thời gian tới. Nhưng nhiều dự báo cho rằng đến quý II, kết quả kinh doanh của các NHTM có thể sẽ kém khả quan hơn bởi các khoản thu nhập lãi, phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm, khi NH phải tăng cho vay ưu đãi giúp DN phục hồi.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, việc tăng cường dự phòng rủi ro trong những quý tới vẫn cần tiếp tục duy trì, ngoài dự phòng cho từng khoản cho vay ra còn phải dự phòng cho rủi ro của từng nhóm nợ. Như vậy, các NH sẽ đạt được tỷ lệ bao phủ nợ xấu mức cao và có điều kiện để xử lý nợ tốt hơn. 
Tuy nhiên, việc này sẽ đi kèm các nhà băng phải chấp nhận sự suy giảm, không thể giữ mức lợi nhuận như những năm trước đây. Đó là giải pháp đối với các NH. Còn đặt trong bối cảnh chung, Nhà nước cần kịp thời thực hiện các chính sách lớn thúc đẩy chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để rút ngắn thời gian khó khăn của DN, mới làm dịu được nguy cơ nợ xấu bùng phát mạnh. 
 Việc tăng cường dự phòng rủi ro trong những quý tới vẫn cần tiếp tục duy trì, ngoài dự phòng cho từng khoản cho vay ra còn phải dự phòng cho rủi ro của từng nhóm nợ.

Các tin khác