Nhà băng “họ hứa” tiếp tục… hứa

(ĐTTCO) - Yêu cầu tất cả NHTM phải niêm yết trên sàn chính thức đã được đưa ra rất nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành vì NH hứa nhưng không tiến hành. Theo quy định hiện hành, cuối năm 2020 tất cả NH phải lên sàn theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng phê duyệt. Và một lần nữa nhiều NH tiếp tục… hứa khi đề cập đến mục tiêu niêm yết vào 2020.

BaoVietbank khó hoàn thành đề án lên sàn chứng khoán vào cuối 2020.
BaoVietbank khó hoàn thành đề án lên sàn chứng khoán vào cuối 2020.
Hứa thật nhiều…
Năm 2014, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN yêu cầu tất cả NHTM phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, hạn chót vào cuối năm. Năm 2015, Thông tư 180 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, yêu cầu các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31-12-2016, NHTM cũng được xác định nằm trong diện này. Mới nhất, Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 2-2020, hạn chót các NHTM phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức vào cuối năm nay.
Sở dĩ cơ quan quản lý phải liên tục dời hạn định niêm yết của các NH bởi nhiều NH đã không lên sàn đúng như lời hứa. Từ năm 2014 đến nay, nhiều NH liên tục đề ra mục tiêu niêm yết trên sàn chính thức trong cuộc họp ĐHCĐ hàng năm. Nhưng mỗi năm HĐQT những NH chưa niêm yết đều lặp lại câu trả lời do chưa chọn được thời điểm thị trường thích hợp để cổ phiếu lên sàn giá tăng, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho cổ đông. Cứ vậy đến cuối năm 2019, trong 35 NH đang hoạt động chỉ có 18 NH niêm yết giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung. 9 tháng năm 2020 cũng chỉ có thêm 1 NH niêm yết trên UPCoM là VietCapital Bank. 
Đến thời điểm này, giờ G sắp điểm, nhiều NH vẫn cho thấy niêm yết vẫn là lời hứa hẹn. Đơn cử, MSB đăng ký hồ sơ niêm yết lần đầu lên HOSE cuối năm 2019, nhưng đến ĐHCĐ năm 2020 lại thông qua việc tạm hoãn niêm yết cổ phiếu, với lý do điều kiện thị trường chưa thuận lợi, trong đó có ảnh hưởng từ dịch bệnh. ABBank cũng tạm hoãn kế hoạch niêm yết trên HOSE với lý do phải chuyển trụ sở chính từ TPHCM ra Hà Nội. NH này dự kiến hoàn thành đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu và thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM trong trường hợp việc niêm yết chưa thể thực hiện được trong năm 2020. 
Sau 2 năm lỡ hẹn liên tiếp, SeABank tiếp tục thông qua cổ đông kế hoạch niêm yết trên HOSE trong năm 2020. Cũng lỡ hẹn nhiều lần, NamABank dự kiến niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của NH tại HOSE, chậm nhất vào cuối năm. Cổ đông OCB cũng thông qua kế hoạch này nhưng vẫn chưa rõ thời gian sẽ niêm yết. Đáng chú ý, một số NH còn không có kế hoạch về việc lên sàn như VietABank, PvcomBank, BaoViet Bank.

Cơ quan quản lý cũng theo lời hứa
Đặc thù của kinh doanh NH là dựa vào niềm tin. Khi NH tạo được niềm tin đối với khách hàng và nhà đầu tư, cơ hội phát triển sẽ rất lớn. Niềm tin có thể được tạo dựng thông qua việc niêm yết trên sàn. Vì khi niêm yết, NH không chỉ được hưởng lợi ích của DN niêm yết, việc minh bạch hóa thông tin sẽ tạo dựng sự tin tưởng của thị trường, người dân và nhà đầu tư. Niêm yết trên sàn chính thức cũng là cách tốt nhất để NH minh bạch và tuân thủ kỷ luật thị trường, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu, hiện đại hóa hệ thống, tạo khối lượng hàng hóa có chất lượng cao ra thị trường. 
Thực tế, việc các NH liên tục cho rằng chưa phải thời điểm thuận lợi để niêm yết chỉ là lý do để biện minh cho sự chậm trễ. Vì ở thời điểm thị trường chứng khoán sôi động các năm 2017-2018, tốc độ niêm yết cổ phiếu của các NH cũng rất chậm chạp. Theo kế hoạch, năm 2017 sẽ có 10 NH lên sàn, nhưng thực tế chỉ có 4 NH là VPBank, VIB, KienLongBank và LienVietPostBank hoàn thành. Năm 2018 cũng có hàng chục NH lên kế hoạch nhưng chỉ có 3 NH thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.
Theo giải thích của một chuyên gia tài chính, NH cân nhắc về thời điểm lên sàn bởi họ phải đảm bảo giá cổ phiếu niêm yết không nằm dưới mệnh giá, đảm bảo khả năng một số nhà đầu tư mua cổ phiếu của họ. Nếu lên sàn thất bại, uy tín của NH sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều và những lần gọi vốn sau đó có thể bị tác động tiêu cực. Nhưng còn nguyên nhân sâu xa hơn ở bên trong, là một số NH đến nay vẫn có kết quả kinh doanh không tốt, có những mặt yếu kém, tồn đọng trong đó nên ngại công khai minh bạch toàn bộ hoạt động. Đồng thời, những cổ đông thuộc nhóm nòng cốt của nhiều NH, nhất là NH nhỏ cũng tính toán để khi đưa cổ phiếu lên sàn chính thức vẫn giữ được quyền làm chủ, không bị nhóm khác thâu tóm. Khi NH niêm yết, những người tham gia HĐQT muốn bán cổ phiếu phải khai báo cụ thể, đồng thời NH sẽ đứng trước áp lực để thay đổi chất lượng, quy mô hoạt động. Đó là những điều lãnh đạo nhiều NH cân nhắc và chần chừ thực hiện mục tiêu lên sàn. 
Thật ra NH cân nhắc lên sàn có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Nhiều năm qua NHNN, Bộ Tài chính hay UBCKNN chỉ đốc thúc, khi không thực hiện đúng hạn lại dời thời hạn, thay vì có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những NH không thực hiện đúng quy định. Vì vậy, nhiều NH vẫn đối phó bằng cách biểu quyết hàng năm nhưng vẫn không niêm yết. Lần này, hạn định tất cả NH phải niêm yết vào năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại đề án trên, nhưng nhiều NH vẫn cho thấy khả năng hoàn thành mục tiêu còn mờ mịt. 
Qua tham khảo nhiều ý kiến đều nhận được câu trả lời không nên dời lại mục tiêu này, vì nhiều NH “hứa” sẽ lên tức họ có khả năng thực hiện. Nhưng để lời hứa thành sự thật, NHNN và UBCKNN phải giám sát, thúc ép bằng cách đưa ra chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những NH chây ì lên sàn, cụ thể chế tài xử phạt đối với người đứng đầu NH. Có như vậy các nhà băng mới tuân thủ nghiêm quy định. 
 Đã đến lúc NHNN, Bộ Tài chính hay UBCKNN cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với người đứng đầu các NH chây ì lên sàn.

Các tin khác