Ngân hàng cần gia cố gối đệm

(ĐTTCO) - Việc bổ sung vốn điều lệ kịp thời giúp các NHTM Nhà nước hỗ trợ được nền kinh tế nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay, bởi nếu không tăng được vốn, khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng này cũng sẽ bị hạn chế do sợ đụng trần CAR.
Ngành ngân hàng đã vào cuộc nhanh chóng với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Ngành ngân hàng đã vào cuộc nhanh chóng với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Ngân hàng dồn lực
Trong thời điểm nền kinh tế và DN gặp nhiều khó khăn, ngân hàng được đánh giá là một trong những bộ, ngành vào cuộc nhanh với các giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý đến các ngân hàng triển khai hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính từ 23/1 - 28/3 các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng. Song song với đó, các TCTD đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng. Trong gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng cho vay lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3%/năm mà các ngân hàng cam kết, cũng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN, từ ngày 1/4, hàng loạt ngân hàng tiếp tục công bố các gói tín dụng hỗ trợ cũng như giảm mạnh lãi suất cho vay, có nhà băng giảm tới 4,5%/năm. Riêng 4 NHTM Nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank còn cam kết giảm sâu lãi suất cho vay tới 2,5%/năm. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, ngân hàng này đã kích hoạt gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất vay giảm 2-2,5% so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa chỉ 4,5-5%/năm.
Tính đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng (chiếm 75% thị phần tín dụng cả nước) đồng thuận giảm 2-3% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch để hỗ trợ khách hàng. Để cắt giảm mạnh lãi suất, phí dịch vụ hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cắt giảm lương, thưởng từ lãnh đạo cấp cao tới nhân viên để có nguồn lực tài chính tốt nhất hỗ trợ khách hàng.
Đơn cử như SHB, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho biết, ngoài việc tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%, các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Ở các cấp quản lý thấp hơn giảm từ 10%-30% tùy theo mức thu nhập.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, ban lãnh đạo ngân hàng xác định sẽ dồn mọi nguồn nhân lực, vật lực để làm sao hỗ trợ được khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách hiệu quả nhất. Theo tính toán của lãnh đạo ngân hàng này, để dồn lực hỗ trợ DN, ngân hàng chấp nhận giảm mạnh lợi nhuận. BIDV ước tính, việc giảm lãi vay sẽ khiến thu nhập của ngân hàng giảm 3.000 tỷ đồng. Lãnh đạo SHB cho biết ngân hàng điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, giảm lợi nhuận năm 2020 với mức giảm tối thiểu 1.000 tỷ đồng…
Nên tăng vốn cho các NHTM Nhà nước
Một thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, ngân hàng là  lĩnh vực vào cuộc nhanh và khá hiệu quả trong thời gian qua. Những giải pháp mà ngân hàng đưa ra trúng và đúng đối tượng như giảm lãi suất, giãn, hoãn các khoản nợ cho cả khách hàng DN và cá nhân đã tạo thanh khoản dòng tiền giúp cho họ có thể cầm cự được trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng là DN nên cần sự sẻ chia của các bộ ngành, nhất là về cơ chế cũng được công bằng, chẳng hạn như vấn đề thuế. Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo NHNN, một số lãnh đạo ngân hàng đề xuất: Ngân hàng căng mình để hỗ trợ DN nhưng ngân hàng phải khỏe mới có thể đảm đương tốt nhiệm vụ này nên cũng cần có chính sách hỗ trợ...
Tin vui là sau nhiều kiến nghị, mới đây Bộ Tài chính đã bổ sung các TCTD vào nhóm các đối tượng được hưởng chính sách gia hạn thuế. Tuy nhiên vẫn còn một điểm mà các chuyên gia băn khoăn đó là việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước. Việc bổ sung vốn điều lệ kịp thời giúp các NHTM Nhà nước hỗ trợ được nền kinh tế nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay, bởi nếu không tăng được vốn, khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng này cũng sẽ bị hạn chế do sợ đụng trần CAR.
Và điều quan trọng, việc tăng vốn hay nói cách khác là gia cố gối đệm cho các ngân hàng tiếp tục dày dặn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống ngân hàng không bị “xây xát” trước những va đập. Nhất là thời điểm này, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, thanh khoản quan trọng hơn bao giờ hết vì vòng quay đồng tiền đang suy yếu. “Khi kinh tế tốt 1 đồng tiền quay được 3 vòng ai cũng có tiền. Còn hiện giờ dù có 1,5 đồng nhưng đồng tiền không quay vòng nên ai cũng thấy thiếu tiền. Vì vậy, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng là vô cùng quan trọng”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Có chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng phân tích thêm, tại thời điểm này, dòng tiền mắc kẹt từ nợ không xấu. Lý giải vì sao nợ không xấu nhưng tiền chậm quay trở lại ngân hàng, thậm chí không quay lại ngân hàng nữa, vị này cho biết, từ khi Thông tư 01 có hiệu lực với khung pháp lý rõ ràng, các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại nợ cho khách mà không chuyển nhóm nợ. Nhưng về bản chất dòng tiền tại ngân hàng bị gián đoạn do các khoản cho vay đi chưa kịp về theo đúng kế hoạch, nên việc cân đối nguồn của ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn.
Những thiệt hại, khó khăn của ngân hàng sẽ chưa thể hiện ngay lập tức do độ trễ chính sách. Nhưng khi sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ về tài chính, nếu không có giải pháp gia cố thì gối đệm vốn của các ngân hàng lớn bị mỏng dần, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động. Vì vậy, việc bổ sung vốn chủ sở hữu kịp thời cho các NHTM quốc doanh, theo TS. Nguyễn Đức Độ, là cần thiết và nên cho phép các ngân hàng này giữ một phần lợi nhuận để tăng vốn.
Đồng tình cần phải đưa việc tăng vốn vào mục tiêu ưu tiên sắp tới của Chính phủ, nhưng theo TS. Võ Trí Thành có thể cân nhắc điều chỉnh mức độ, liều lượng cho phù hợp với tình hình ngân sách hiện tại.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị nên mở rộng gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô lớn hơn, trong đó có nội dung tăng vốn cho các NHTM Nhà nước. “Qua dịch bệnh khủng hoảng kinh tế những ngân hàng nào trường vốn sẽ duy trì được sự tồn tại của mình một cách bền vững, còn những ngân hàng thiếu vốn, mỏng vốn rất dễ bị tổn thương”, TS. Hiếu bày tỏ lo ngại.

Các tin khác