Maritime Bank trình ĐHCĐ sáp nhập Mekong Bank

Đại hội đã lần lượt thông qua báo cáo kết quả hoạt động năm 2013; kế hoạch kinh doanh, phương hướng hoạt động năm 2014; phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ và các nội dung liên quan tới công tác điều hành, quản trị.

(ĐTTC) - Ngày 19-4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên lần thứ 22 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ban Lãnh đạo và đông đảo cổ đông của Ngân hàng.

Đại hội đã lần lượt thông qua báo cáo kết quả hoạt động năm 2013; kế hoạch kinh doanh, phương hướng hoạt động năm 2014; phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ và các nội dung liên quan tới công tác điều hành, quản trị.

Theo báo cáo Đại hội đã thông qua, năm 2013, kết quả kinh doanh của Maritime Bank mặc dù chưa đạt được các mục tiêu như kế hoạch ban đầu nhưng đó là thành quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn: Tổng tài sản đạt hơn 107.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 335 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2012; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt trên 68.000 tỷ đồng, bằng 110,35% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 8,2%, tỷ lệ nợ xấu là 2,71%, đảm bảo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2014, Maritime Bank dự kiến tổng tài sản đạt gần 112.000 tỷ đồng; vốn huy động thị trường I đạt 83.600 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 51.700 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 265 tỷ đồng.

Bảng chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở thận trọng, bảo toàn vốn, theo định hướng Đề án tái cấu trúc các ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và đã được các cổ đông bỏ phiếu thông qua.

Đặc biệt, trong phiên họp Cổ đông thường niên lần thứ 22, Maritime Bank đã đệ trình nội dung nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB).

Dự kiến, Ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong Top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (hiện tại, vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của MDB là 3.750 tỷ đồng) và có mạng lưới lớn thứ 3 trong khối các ngân hàng TMCP mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối với gần 300 điểm trên toàn quốc.

Việc sáp nhập này sẽ giúp phát huy thế mạnh, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho cả hai bên và mang lại nhiều lợi ích cộng hưởng cho Ngân hàng sau sáp nhập.

Cũng trong Đại hội, các cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT xây dựng, triển khai đề án sáp nhập và trình Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt theo quy định.

Với dự đoán còn nhiều khó khăn về tình hình kinh tế năm 2014: tốc độ tăng trưởng thấp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, thị trường chứng khoán, bất động sản phục hồi chậm, nợ xấu vẫn cao, các kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro… Maritime Bank xác định sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đề cao tính an toàn, hiệu quả, cạnh tranh bằng sự khác biệt.

Theo đó, những giải pháp quản trị chi phí, hiện đại hóa hệ thống công nghệ, chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng và công tác quản trị rủi ro… sẽ là những giải pháp trọng tâm được thực hiện không chỉ trong năm 2014 mà còn trong cả giai đoạn 2014 – 2016.

Các tin khác