Khó tăng vốn điều lệ

Đầu năm 2014, nhiều NH đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu gia tăng năng lực tài chính, củng cố “sức khỏe”, bởi các NH đang phải cạnh tranh gay gắt trong quá trình tái cấu trúc hệ thống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ không hề dễ trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với cổ phiếu NH.

Đầu năm 2014, nhiều NH đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu gia tăng năng lực tài chính, củng cố “sức khỏe”, bởi các NH đang phải cạnh tranh gay gắt trong quá trình tái cấu trúc hệ thống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ không hề dễ trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với cổ phiếu NH.

Tại ĐHCĐ SCB diễn ra mới đây, HĐQT đã trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng nhằm triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2014, trong trường hợp không thể sẽ tăng vốn cấp 2 bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài, nhưng sẽ thực hiện trước ngày 31-12-2014.

Phương án tăng vốn là phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sacombank trước khi sáp nhập Southernbank cũng đã trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng từ nguồn chia cổ phiếu quỹ và cổ phiếu thưởng từ quỹ thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu và từ nguồn cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8% cho cổ đông hiện hữu. NamABank cũng đưa ra kế hoạch dự kiến tăng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trong quý III-2014.

Kế hoạch là vậy, song việc các NH có thực hiện được đúng lộ trình để sớm củng cố lại hoạt động hay không còn phải chờ. Ngay cả các NH cũng không thể chắc chắn được điều này.

Tại ĐHCĐ năm 2013, rất nhiều NH thông qua tờ trình tăng vốn điều lệ nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. BacABank dù đã công bố thông tin về việc hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng theo phương thức phát hành riêng lẻ, nhưng đến nay NH này đã trễ hẹn so với thời hạn dự kiến. Oceanbank được cổ đông thông qua và NHNN đã chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 5.350 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện tăng vốn theo đúng lộ trình.

OCB với kế hoạch tăng thêm 766 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2013 cũng chưa hoàn tất. VietA Bank được thông qua năm ngoái tăng 2.000 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh xuống 500 tỷ đồng do một cổ đông lớn là CTCP Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thoái vốn, nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Thực ra xu hướng NH đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay bắt nguồn từ việc thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Song việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn có thể sẽ không như mong muốn của các NH, bởi cổ phiếu NH đã không còn độ hấp dẫn như trước và nhà đầu tư thận trọng hơn, vì suốt một thời gian dài lợi nhuận của các NH sụt giảm, tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu cao cùng với nhiều vấn đề khác như sở hữu chéo, thâu tóm ngân hàng...

Trong báo cáo về triển vọng khu vực NH Việt Nam năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đánh giá các NH Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức về chất lượng tài sản, lợi nhuận thấp và năng lực về vốn còn yếu, nếu không cải thiện được những vấn đề này, mức tín nhiệm đối với các NH có thể giảm xuống.

Một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho rằng, các NH nhất là những NH nhỏ tăng vốn điều lệ sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, nhưng muốn tăng vốn phải cân nhắc. Bởi cổ phiếu NH đã mất giá khá mạnh nhưng giá trị cổ phiếu phát hành tối thiểu phải bằng mệnh giá.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý tinh tế Trung ương, thị trường chứng khoán dù khởi sắc nhưng thực sự cơ hội để nhà đầu tư quay lại với cổ phiếu NH không cao. Việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu của các NHTM. Và điều này lại phụ thuộc các vấn đề như tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước. 

Các tin khác