Hướng vào tín dụng nông nghiệp nông thôn

So với tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, tín dụng nông nghiệp nông thôn (NNNT) đang có mức tăng trưởng khả quan do các NHTM đang có xu hướng tập trung cho vay đối với lĩnh vực này. Song do đặc thù tài sản ít, rủi ro cao nên khu vực NNNT vẫn gian nan khi tiếp cận vốn. Vì vậy, rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cùng với những gói vay gắn với nhu cầu thực tế để thúc đẩy NNNT phát triển.

So với tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, tín dụng nông nghiệp nông thôn (NNNT) đang có mức tăng trưởng khả quan do các NHTM đang có xu hướng tập trung cho vay đối với lĩnh vực này. Song do đặc thù tài sản ít, rủi ro cao nên khu vực NNNT vẫn gian nan khi tiếp cận vốn. Vì vậy, rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cùng với những gói vay gắn với nhu cầu thực tế để thúc đẩy NNNT phát triển.

Tập trung cho vay NNNT

Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tính đến hết tháng 4-2014, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực NNNT trong toàn hệ thống đạt khoảng 685.426 tỷ đồng. So với cuối năm 2013, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực NNNT đạt khoảng 2% trong khi mức tăng trưởng chung chỉ đạt 0,62%, đồng thời nợ xấu ở lĩnh vực này chỉ chiếm 2,83%.

Tại TPHCM, tính đến cuối tháng 4, cho vay NNNT cũng đạt hơn 23.386 tỷ đồng, tăng trưởng 12,18%. Hồi đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các bộ, ngành phải khẩn trương phối hợp xây dựng chương trình tín dụng phát triển NNNT với quy mô, đối tượng và thời hạn hợp lý, lãi suất thấp. Đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 55.178 tỷ đồng, tăng 0,64% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đạt 1.340 tỷ đồng; cho vay đối với ngành lúa gạo toàn quốc khoảng 33.460 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2013; cho vay xuất khẩu chiếm khoảng 42%; cho vay cà phê đạt khoảng 33.509 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2013, trong đó dư nợ, cho vay trung, dài hạn chiếm gần 20%.

Hiện NHNN đã thành lập ban soạn thảo nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ngoài việc sửa đổi nhanh, hợp lý, cần rà soát lại những đơn vị cần vay vốn để tiến hành cải tổ, tháo gỡ nút thắt để lĩnh vực NNNT tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và các NHTM không ngại rủi ro, hướng tới cho vay tín chấp với giá trị cao hơn.

Để hỗ trợ lĩnh vực NNNT, Agribank đã ban hành Quyết định 529 về việc cho vay hỗ trợ giảm tổn thất nông nghiệp, hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ 3 đối với các khoản vay mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất nông nghiệp; dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ chênh lệch giữa lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng VNĐ và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Bên cạnh đơn vị chủ lực là Agribank, các NHTM nhà nước khác cũng đang tập trung đầu tư cho NNNT, như VietinBank mới triển khai gói 3.000 tỷ đồng cho khách hàng vay phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, thu mua, chế biến nông sản với lãi suất chỉ từ 7%/năm.

Trong quý I, dư nợ cho vay NNNT của VietinBank cũng đã đạt 72.615 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ. Hay BIDV đang có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay thu mua lúa gạo, nông sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL với lãi suất chỉ 7%/năm trong 3 tháng đầu, sau đó áp dụng lãi suất cho vay đối với khu vực NNNT theo quy định hiện hành của NH.

Tại các NHTMCP, LienVietPostBank trong năm 2013 đã đầu tư 40% vốn cho khu vực nông thôn, OCB triển khai cho vay tạm trữ lúa gạo hàng năm và đầu năm nay cũng đã có gói 1.000 tỷ đồng phục vụ chương trình này.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc DongABank, cho biết mạng lưới ở nông thôn của NH tương đối cao, dư nợ cho vay NNNT khoảng 3.000 tỷ đồng và DongABank đang tập trung triển khai các sản phẩm tín dụng NNNT, tăng cường tài trợ xuất khẩu và đặc biệt quan tâm đến ngành hàng nông sản như lúa, cà phê, điều cũng như đẩy mạnh tài trợ vốn khu vực nông thôn trên cơ sở vốn của World Bank tài trợ cho các NH tham gia dự án tài chính quốc tế.

Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cũng cho biết nước ta tuy đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, chưa được khai thác hết nên Sacombank đã hợp tác với Tập đoàn Rabobank (Hà Lan) trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp để được hỗ trợ tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đồng thời tiếp cận những kỹ năng quản lý tiên tiến trong kinh doanh nông nghiệp và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để gia tăng thị phần trong lĩnh vực này.

Chính sách hỗ trợ phải thiết thực

Cấp tín dụng cho NNNT là chính sách lớn nhưng chỉ được các NHTM chú trọng nhiều hơn trong vài năm trở lại đây, khi tín dụng đối với sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực hút vốn như bất động sản, chứng khoán giảm sức nóng. Song dòng chảy của tín dụng vào NNNT đến nay vẫn chưa đủ mạnh như mong muốn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, khu vực NNNT có cầu vốn rất lớn nhưng nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư do có nhiều yếu thế, rủi ro cao như thiên tai, dịch bệnh, doanh thu không ổn định do tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” khiến các NHTM ngại rót vốn, nên khu vực này vẫn đang phụ thuộc nhiều vào tín dụng đen.

Nhiều NH cũng thừa nhận, tín dụng vào lĩnh vực này chủ yếu cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, các hợp tác xã lớn, còn tín dụng dành cho nông dân khá ít. Trong Nghị định 41 ban hành năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT, hạn mức vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng/hộ nông dân và tối đa 500 triệu đồng đối với hợp tác xã.

Chưa bàn đến hạn mức cho vay quá thấp thì đã vướng ở chỗ nông dân rất khó tiếp cận do NH nào cũng đòi hỏi tài sản thế chấp, bởi những đối tượng vay vốn hoạt động trong lĩnh vực NNNT hầu hết “tín chưa đủ chấp”, độ rủi ro cao.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, hiện nay tín dụng cho NNNT vẫn chủ yếu tập trung ở các NHTM quốc doanh, vì tại NHTMCP lãi suất huy động của các NHTM bình quân 6,2%/năm, cộng thêm chi phí quản lý khoảng 2,2%, như vậy tổng chi phí 8,4%, nếu cho vay NNNT với lãi suất từ 8%/năm trở xuống NH sẽ lỗ trong khi mức độ rủi ro quá cao.

Chính sách nhà nước định hướng giúp cho nền kinh tế phát triển tốt, nhưng do có nhiều rào cản nên hiện nay khi cho vay đối với NNNT, các NHTMCP mới cho vay ở mức độ cân nhắc và chia sẻ nguồn vốn hợp lý chứ chưa đầu tư mạnh. Còn đối với nông dân, dù cho vay tín chấp nhưng NH vẫn phải quản lý sổ đỏ, thẩm định kỹ về nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn, khả năng trả nợ từ đó quyết định mức cho vay phù hợp để tránh việc một người vay ở nhiều NH khác nhau.

Nhiều NH đã quay dòng vốn tín dụng vào chăn nuôi. Ảnh: LONG THANH

Nhiều NH đã quay dòng vốn tín dụng vào chăn nuôi. Ảnh: LONG THANH

 Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho rằng nếu muốn phát triển tín dụng đối với NNNT để các NH mạnh dạn cho vay phải có chính sách khai thông ngành cốt lõi, thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất, như nông sản phải định được khâu chủ lực xuất khẩu nông sản để đẩy mạnh phát triển, từ đó kéo các ngành đi kèm, nếu bao tiêu được đầu ra sẽ đảm bảo khâu trồng trọt chế biến phát triển, khi đó NH sẽ mạnh dạn cho vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Hiện NHNN có nhiều chính sách hỗ trợ khu vực NNNT nhưng chính sách chưa cụ thể, chưa đi vào thực tế, trong khi đó NHTM lại có nhiều chương trình rất tích cực như LienVietPostBank đã đề xuất lên NHNN gói 10.000 tỷ đồng cho vay thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển cây mắc ca khu vực Tây nguyên, ngoài việc cấp vốn cho nông dân trồng cây, NH còn đầu tư vốn để các công ty trực thuộc NH cũng tham gia trồng mới, chế biến và tìm thị trường xuất khẩu để ổn định đầu ra.

Nhưng đây chỉ mới là nỗ lực riêng lẻ, nếu có chính sách khuyến khích NH thực hiện nhiều gói tín dụng tương tự đối với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau sẽ thúc đẩy NNNT sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém. 

Các tin khác