Dự phòng bào mòn lợi nhuận

Năm 2013, nhiều NH tuyên bố đã kéo nợ xấu xuống mức thấp, tuy nhiên trong báo cáo kết quả kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các NH, mức trích lập dự phòng rủi ro vẫn khá cao, lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro giảm khoảng phân nửa so với tổng lợi nhuận thuần. Điều này cho thấy lợi nhuận sẽ vất vả cho các NH trong năm 2014.

Năm 2013, nhiều NH tuyên bố đã kéo nợ xấu xuống mức thấp, tuy nhiên trong báo cáo kết quả kinh doanh trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các NH, mức trích lập dự phòng rủi ro vẫn khá cao, lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro giảm khoảng phân nửa so với tổng lợi nhuận thuần. Điều này cho thấy lợi nhuận sẽ vất vả cho các NH trong năm 2014.

Lợi nhuận giảm vì trích lập

Năm 2013, nhiều NH đạt lợi nhuận thuần ở mức khá cao, vượt kế hoạch đề ra, nhưng do yêu cầu của NHNN buộc các NH phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để xử lý nợ xấu, nên lợi nhuận trước thuế sau dự phòng nằm ở mức thấp. Ở nhóm các NHTM nhà nước, theo báo cáo tài chính BIDV đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro 11.846 tỷ đồng, nhưng sau khi trích lập dự phòng đến 6.536 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ còn 5.311 tỷ đồng.

Nợ xấu cả năm của BIDV có giảm nhẹ so với hồi giữa năm, về mức 7.300 tỷ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ, nhưng mức trích lập chiếm đến hơn phân nửa tổng lợi nhuận thuần vì nợ nhóm 5 của NH này tăng lên trong quý IV. Tương tự BIDV, đến cuối năm 2013, nợ nhóm 4 và 5 của Vietcombank có xu hướng tăng mạnh, trong đó nợ nhóm 5 từ 1.456 tỷ đồng tăng lên 2.977 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu của NH này lên 7.205 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng so với cuối năm 2012.

Theo đó, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro đến 3.544 tỷ đồng, kéo giảm lợi nhuận trước thuế chỉ còn 5.744 tỷ đồng. VietinBank cũng thông báo trích lập dự phòng khoảng 4.123 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ đạt 7.753 tỷ đồng.

Trước đây, các NH báo cáo lợi nhuận cao để giúp cổ phiếu của NH có giá hơn, nhưng từ khi NHNN đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nợ xấu, NHTM buộc phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ theo quy định, nên lợi nhuận của NH trong những năm tới sẽ thực chất hơn.

TS. Cao Sỹ Kiêm,
Nguyên Thống đốc NHNN

Ở nhóm NHTMCP, các NH cũng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý khối nợ xấu tồn đọng thời gian qua. Tại Sacombank, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc, cho biết đã trích lập dự phòng rủi ro đến hết năm 2013 khoảng 1.400 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch lợi nhuận.

Song số NH phải trích lập dự phòng mà vẫn đảm bảo đạt kế hoạch lợi nhuận năm như Sacombank chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi kết thúc năm 2013 đã có rất nhiều NHTMCP không hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận. Cụ thể, VIB đã công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận giảm 90% so với năm 2012, chỉ đạt 83 tỷ đồng do tín dụng chỉ tăng 3,8% còn chi phí trích lập dự phòng rủi ro lên gần 900 tỷ đồng.

Với SCB, dù mức trích lập dự phòng rủi ro năm 2013 có thấp hơn nhưng cũng chiếm đến 654 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 60 tỷ đồng, nên năm nay SCB không chia cổ tức cho cổ đông. Đối với nhiều NH có quy mô vừa và nhỏ khác, trong 3 năm qua, do phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định trong khi nợ nhóm 5 ngày càng có xu hướng tăng nên lợi nhuận thu về sau khi trích lập chỉ đạt 20-30% kế hoạch.

Nhiều NH “lơ” trích lập 2014

Một chuyên gia NH cho rằng, lợi nhuận của các NH sụt giảm mạnh và mức trích lập thể hiện rõ ràng hơn, vì  năm 2013 NHNN đã kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc xử lý nợ xấu. Ngoài giải pháp bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc NHNN đã ban hành Văn bản 8986/NHNN-TTGSNH về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện trích lập cho năm 2013, không nhiều NH muốn nhắc đến vấn đề này trong năm 2014. Trong các báo cáo công bố kế hoạch năm 2014, hiện chỉ có Vietcombank và PG Bank đưa ra kế hoạch dự phòng rủi ro. Vietcombank đặt mục tiêu trước thuế và dự phòng rủi ro sẽ tăng 13,35% lên 10.500 tỷ đồng, trong đó dự phòng rủi ro 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.500 tỷ đồng.

Dự kiến lợi nhuận sụt giảm hơn so với năm nay nên NH này cũng đưa ra mức chi trả cổ tức dự kiến chỉ 10% trong khi năm 2013 là 12%. Còn PG Bank dự kiến sẽ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 159 tỷ đồng. Các NH khác hầu như chỉ đưa ra kế hoạch lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng nhưng không đưa ra con số dự kiến về mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

NH chưa minh bạch về số liệu dự phòng rủi ro có thể xuất phát từ việc một số điều trong Thông tư 02 đã sửa đổi, bổ sung làm giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong ngắn hạn đối với các NH. Nhưng thực tế, muốn giải quyết hết số nợ xấu trong hệ thống, các NH sẽ phải tiếp tục thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định trong 5 năm tới, hoặc có thể kéo dài hơn nữa mới có thể bù đắp đủ các khoản nợ xấu không thể phục hồi.

Bởi các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, các NH cũng phải trích lập dự phòng trong 5 năm. Vì vậy, trong các năm sắp tới, lợi nhuận của ngành NH sẽ bị dự phòng rủi ro bào mòn cho đến khi nợ xấu được giải quyết triệt để.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu đã được các NH thực hiện thông qua 3 giải pháp gồm thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC. Quá trình xử lý nợ xấu sẽ còn mất rất nhiều năm do hệ thống NH phải sử dụng tiền của chính mình để giải quyết. Việc trích lập dự phòng rủi ro đã khiến lợi nhuận của nhiều NH bị sụt giảm trong năm 2013.

Vì vậy trong những năm tới, các NH sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt hơn để vừa đáp ứng mục tiêu lợi nhuận, vừa đáp ứng mức trích lập dự phòng theo quy định. Trong bối cảnh đó, các NH có quy mô nhỏ sẽ chọn hướng sáp nhập, hợp nhất để giảm bớt gánh nặng về chi phí. 

Các tin khác