Công bố Ngày không tiền mặt năm 2020

(ĐTTCO) - Chiều 26-5, Vụ Thanh toán NHNN, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) tổ chức họp báo công bố chương trình Ngày không tiền mặt năm 2020.

Ngày không tiền mặt 16-6 do báo Tuổi trẻ đề xuất được bắt đầu từ năm 2019. Đây là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Tiếp nối theo đó, ngày 16-6 năm nay sẽ có nhiều sự kiện như: chương trình ủng hộ nông sản Việt; chương trình tiểu thương không tiền mặt; giải chạy bộ online – Ngày không tiền mặt; hội thảo về thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam vào ngày 10-6; chương trình tuần lễ không tiền mặt từ 10-6 đến 16-6…

Các chương trình, sự kiện được xây dựng với mong muốn tạo cơ hội cho người dân trên cả nước trải nghiệm và thấy rõ lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, nhất là trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội và trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19.

Công bố Ngày không tiền mặt năm 2020 ảnh 1 Quang cảnh họp báo công bố chương trình Ngày không tiền mặt năm 2020.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng trên 21% so với 3 tháng đầu năm 2019.

Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong 3 tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4-2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên thực tế thói quen vẫn là rào cản lớn nhất khiến thanh toán tiền mặt vẫn còn phổ biến, do đó cần cú hích lớn để thay đổi thói quen này. Và thói quen chỉ thay đổi khi người ta thấy rõ được lợi ích và sự tiện lợi, chưa kể dịch vụ phải thật đa dạng. Theo ông Phạm Tiến Dũng, nếu một khách hàng của NH vào chương trình mobile banking, internet banking nhưng chỉ trả tiền điện thoại thì khách hàng sẽ rời ngay đi. Cho nên giai đoạn vừa rồi đặt ra vấn đề là phải kết nối hệ sinh thái số của NH với các nền kinh tế khác như điện, nước, viện phí, học phí... để thanh toán điện tử.

Theo đó, NHNN xác định tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động động thanh toán điện tử. Đồng thời, ngành NH tiếp tục xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công...

Các tin khác