Cởi nút thắt nhà băng có vốn nhà nước

(ĐTTCO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13-10-2015 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp (DN). 
Giao dịch tại VietinBank.
Giao dịch tại VietinBank.

Theo đó mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại CTCP, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, trong đó áp dụng đối với các ngân hàng (NH) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (VĐL). Đây là tin vui đối với các NH trong nhóm Big 4.

Tháo gỡ điểm gút cho VietinBank
VietinBank vừa thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông đối với phương án tăng VĐL thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018, 2019. NH đưa ra thông báo này ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 121 nói trên, cho thấy nhu cầu tăng vốn vô cùng cấp bách của nhà băng này, bởi VĐL của VietinBank luôn dậm chân tại chỗ từ năm 2014 đến nay. 
Với VietinBank, vào năm 2016 khi nhu cầu tăng vốn cấp thiết, NH quyết định không chia cổ tức năm 2015. Trong khi đó, BIDV biểu quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5%. Mọi việc đã được thông qua tại ĐHCĐ và NH sẽ được tăng vốn để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR).
Tuy nhiên sau đó Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị NHNN chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt, nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước vào ngân sách. Cuối cùng, 2 NH này phải thay đổi phương án, thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
 Song sau đó VietinBank đã rất nhiều lần kiến nghị Chính phủ, NHNN và các bộ, ban ngành liên quan về việc cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Lý do nữa khiến VietinBank gấp rút hơn các NH khác là do quy định tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các NHTMCP có vốn nhà nước không thấp hơn 65%; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tối đa 30%.
Nhưng tại thời điểm năm 2016, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Vietcombank 77,1%, BIDV 95,8%, Agribank 100%, trong khi VietinBank chỉ 64,46%. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược tại NH này cũng gần mức tối đa. Điều này đồng nghĩa VietinBank không còn dư địa để tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho NĐTNN. 
Trong khi đó, với dư địa rộng rãi hơn, năm 2019 Vietcombank có thể bán cổ phần cho NĐTNN là quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) và Mizuho, với tổng giá trị bán trên 270 triệu USD, giúp VĐL tăng lên hơn 37.000 tỷ đồng. Còn BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành, VĐL BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống NH Việt Nam.
Chính vì vậy, các năm gần đây VietinBank chỉ có thể tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu thứ cấp. Báo cáo tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, lãnh đạo NH cho biết năm 2019 VietinBank phát hành hơn 5.500 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp, bán danh mục đầu tư trái phiếu thứ cấp, thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty VietinBank góp vốn. Tại thời điểm cuối năm 2019, tính theo Thông tư 36/2014 của NHNN, CAR của VietinBank khoảng 9,25%. 
Do vậy, nếu được phê duyệt phương án tăng vốn dùng lợi nhuận 2017 và 2018 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, CAR của NH sẽ đạt khoảng 8,24%. Vì vậy, có thể nói quy định trên đang cởi bỏ nút thắt lớn của NH này nhiều năm qua.

BIDV và Vietcombank cùng thở phào
Với Nghị định 121, không chỉ VietinBank mà BIDV và Vietcombank cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi thực tế, dù còn dư địa nhưng việc bán vốn nhà nước cho đối tác chiến lược nước ngoài cũng không dễ dàng. Đơn cử, trước khi hoàn tất thương vụ bán vốn cho GIC và Mizuho năm 2019, thỏa thuận hồi năm 2017 của Vietcombank và GIC đã không thành công. Bởi khi bán vốn theo yêu cầu của Chính phủ và bộ ngành, việc giảm vốn, thoái vốn phải thỏa mãn các điều kiện, trong đó có giá chào bán không thấp hơn thị giá và định giá, đã gây mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, nhu cầu tăng vốn của nhóm NH này không chỉ dừng lại ở mức vốn sau khi bán cho NĐTNN nói trên mà còn lớn hơn nhiều. Trong một báo cáo đưa ra vào cuối năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết CAR của các NHTM có vốn nhà nước đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%. Thời điểm đó, Ủy ban này đã tiến hành xây dựng mô hình dự báo nhu cầu vốn tự có cần bổ sung hàng năm đối với 3 NH là VietinBank, BIDV và Vietcombank để ước lượng nhu cầu vốn giai đoạn 2018-2020.
Mô hình được xây dựng dựa trên các giả định (i) tốc độ tăng trưởng tài sản khoảng 14-18%/năm; (ii) đáp ứng tỷ lệ CAR 8%; (iii) tỷ lệ tài sản có rủi ro/tổng tài sản áp dụng Basel II khoảng 65-95%. Kết quả, tới cuối năm 2020 do nhu cầu vốn tự có tăng thêm rất lớn, các NH phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8-2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Nếu dựa trên tính toán này, nhu cầu tăng vốn của BIDV và Vietcombank vẫn còn rất lớn. 
Cụ thể, tại ĐHCĐ năm nay Vietcombank dự kiến tiếp tục tăng vốn lên hơn 43.000 tỷ đồng. Phương án thực hiện dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỷ lệ 18%, nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận giữ lại đến hết năm 2018; đồng thời, phát hành tối đa 241 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% VĐL cho tối đa 99 NĐT (có thể gồm cổ đông hiện hữu). BIDV tiếp tục trình cổ đông phương án tăng VĐL từ 40.220 tỷ đồng lên 45.549 tỷ đồng trong 2020, thông qua phương án phát hành 281,5 triệu cổ phần để trả cổ tức (tỷ lệ 7%) và chào bán ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ 251,3 triệu cổ phần.
Như vậy, vốn chủ sở hữu của các NH sẽ tiếp tục có điều kiện gia tăng, đồng thời năng lực quản trị, chất lượng của các NH này đã niêm yết trên sàn chứng khoán, giao dịch 35% vốn trên thị trường sẽ được đánh giá rõ hơn. Còn nếu NH này đã niêm yết nhưng Nhà nước nắm chủ yếu, thị trường nắm giữ tỷ lệ 5-10%, sẽ khó tiến tới mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có ít nhất 2-3 NH thuộc top 100 châu Á. 
 Các NH trong nhóm Big 4 đã chuẩn bị sẵn sàng đón cơ hội Nghị định 121 mang lại để có điều kiện tăng vốn như dự kiến.

Các tin khác