Chiến lược hút vốn ngoại gặp khó

Giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều “mối nhân duyên” giữa tổ chức tài chính nước ngoài và NH nội được gắn kết. Tuy nhiên, từ khi khủng hoảng đến nay sự tham gia của các đối tác ngoại vào các NH trong nước đã giảm mạnh, đồng thời nhiều cổ đông chiến lược đã tiến hành thoái vốn.

Giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều “mối nhân duyên” giữa tổ chức tài chính nước ngoài và NH nội được gắn kết. Tuy nhiên, từ khi khủng hoảng đến nay sự tham gia của các đối tác ngoại vào các NH trong nước đã giảm mạnh, đồng thời nhiều cổ đông chiến lược đã tiến hành thoái vốn.

Nhiều cuộc “ly hôn”

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần NH nội. Theo đó, đã có nhiều cuộc “hôn nhân” thành công như Sacombank có 2 đối tác lớn là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) sở hữu 8% cổ phần và Tập đoàn ANZ sở hữu 9,6% cổ phần; HSBC sở hữu 10% cổ phần Techcombank; Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) sau khi mua 10% cổ phần VPBank tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 14,88%; Societe’ General sở hữu 20% của SeABank…

Với sự tham gia của NH nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng các NH trong nước đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về vốn, nhất là với NH yếu kém. Ngoài góp phần làm cho thanh khoản của NH nội tăng lên nhanh chóng, đối tác ngoại cũng cung cấp phương pháp quản trị hiện đại, hiệu quả, từ đó giảm được tình trạng tiêu cực, các NH yếu kém có điều kiện trở thành những NH mạnh, tạo lực đẩy nâng hệ thống NHTM mạnh lên.

Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH 

Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH

Tuy nhiên, gần đây các NH ngoại có xu hướng rút vốn khỏi các NH nội. Tháng 11-2013, OCBC, cổ đông lớn của VPBank có trụ sở tại Singapore, đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 85.830.457 (14,88% trên tổng số cổ phần của VPBank) cho nhà đầu tư cá nhân trong nước. Sau thương vụ này, VPBank không có cổ đông lớn và không có cổ đông nước ngoài.

Tại Sacombank, IFC, ANZ cũng đã lần lượt thoái vốn vào năm 2008 và 2012. Trong ĐHCĐ của Techcombank mới đây, khi HSBC không có thành viên nào ứng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới khi vẫn đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu 19,4%, dư luận cho rằng có thể khi thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật giữa Techcombank và HSBC kết thúc vào tháng 6 tới, HSBC sẽ bán cổ phần cho đối tác khác.

Bởi lẽ trước đây Công ty HSBC Insurance Holdings Limited (Asia-Pacific) - công ty con thuộc 100% vốn sở hữu gián tiếp của HSBC - sau khi không đề cử ứng viên vào HĐQT của Bảo Việt và bán toàn bộ 18% cổ phần tại công ty này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo của Nhật Bản khi hết thời hạn hợp tác.

Một số trường hợp thoái vốn khi các NH trong nước thực hiện tái cơ cấu, như Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH), đơn vị thuộc Tập đoàn Tài chính Temasek Holdings (Singapore), đang sở hữu 20% cổ phần của NHTMCP Phát triển Mekong (MDB), sẽ thoái toàn bộ vốn khi MDB sáp nhập vào Maritime Bank.

Trong khi đó, một số NH đang khát vốn ngoại đã bày tỏ mong muốn NHNN nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều cổ đông chiến lược cho biết họ thoái vốn khỏi NH này để đầu tư vào NH khác nhưng sẽ cân nhắc kỹ vì các NHTM Việt Nam đang gánh chịu áp lực nợ xấu khá lớn, nếu mua cổ phần, mức giá chắc chắn sẽ thấp hơn giai đoạn trước.

“Nhân duyên” không hẳn lãi hay lỗ

Lý giải về việc các cổ đông chiến lược, nhất là NH ngoại đang rút vốn khỏi NH nội, một số chuyên gia tài chính NH cho rằng khi đầu tư họ tính đến việc có lợi thì bán theo quy định cổ đông chiến lược sau khi hết thời hạn. Tuy nhiên, TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPCHM, cho rằng việc thoái vốn này có thể xuất phát từ việc NH ngoại nhận thấy sự hợp tác không phát triển nên quyết định chấm dứt.

Bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào sau khi hợp tác cũng tổng kết trong quá trình tham gia họ được gì, NH đó đã phát triển ra sao. Thời hạn 5 năm đủ để đánh giá mối nhân duyên giữa 2 bên. Việc thoái vốn không thể nói do lời hoặc lỗ, vì khó biết được thỏa thuận của cổ đông chiến lược, không đơn giản là bằng giá mua, giá bán.

Có khi họ mua rất cao, sau đó bán đi nhưng không hạch toán bằng kế toán được, bởi nếu mua cách đây 5 năm giá 50.000 đồng, hiện nay bán 60.000 đồng không gọi là lãi. Điều quan trọng là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ đánh giá việc bỏ vốn ra có được gì.

Trên thực tế, các điều khoản đều không được công bố, ngay cả các NH nội mua cổ phần lẫn nhau cũng hoàn toàn bí mật, chỉ có lãnh đạo cấp cao biết. Ngoài ra, cũng có trường hợp trong chiến lược của NH nước ngoài, sau giai đoạn khủng hoảng họ tái cấu trúc và thấy không cần nắm giữ cổ phần tại thị trường Việt Nam, nhưng trường hợp đó rất thấp.

Thực tế hiện nay các NH trong nước không thể thực hiện toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ mà cần phải kết nối một phần của NH khác, như muốn thanh toán ra nước ngoài phải qua một trung gian, nên tổ chức nước ngoài sẽ tham gia để “lấy” giao dịch này như chuyển tiền, thanh toán, chứ không phải vì phát triển mạng lưới, hệ thống phân phối, phát triển bán lẻ.

Theo quy luật tự nhiên, nếu đối tác này thoái vốn sẽ có đối tác khác vào. Song hiện nay, các NHTMCP đang được thu hẹp và trên thị trường Việt Nam 4 NH quốc doanh lớn chiếm hầu hết thị phần, “miếng bánh” còn lại cho các NHTMCP quá nhỏ nên triển vọng tăng trưởng không còn tốt. Như vậy chiến lược lâu dài thu hút vốn ngoại cũng sẽ khó khăn hơn.

Các tin khác