Cần giảm thiểu các rủi ro bị gắn mác thao túng tiền tệ

(ĐTTCO) - Ngày 14-1-2020, Bộ Tài chính (BTC) Mỹ đã ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Tại báo cáo kỳ này, BTC Mỹ đã đưa danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 10 nước, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Australia, Ireland, Singapore, Malaysia, Thụy Sỹ và Việt Nam.

Theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, BTC Mỹ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này đã được lượng hóa cụ thể tại báo cáo tháng 1-2020 như sau: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; (iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Tại báo cáo tháng 5-2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành 1 trong 9 quốc gia nằm trong danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Báo cáo tháng 5-2019 cũng nêu một quốc gia vào danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong 2 kỳ báo cáo tiếp theo.

Do đó, tại Báo cáo tháng 1-2020, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương: (i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỷ USD; (ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; (iii) Can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP. Tại báo cáo này, BTC Mỹ lập Danh sách giám sát gồm 10 đối tác thương mại lớn, đồng thời kết luận không có đối tác thương mại nào thao túng tiền tệ.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xét theo đánh giá của Mỹ trong vòng 4 quý tính đến tháng 6-2019, Việt Nam mới chỉ vi phạm tiêu chí đầu tiên là có thặng dư thương mại với Mỹ vượt 20 tỷ USD (con số thực tế là 47 tỷ USD).

Ngoài ra, BTC Mỹ cũng đánh giá việc mua vào ngoại tệ của Việt Nam là có cơ sở hợp lý khi nhằm mục đích tăng dự trữ ngoại hối – vốn được đánh giá còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, sự can thiệp của NHNN cũng mang tính hai chiều, có mua và có bán và việc bán ra USD là nhằm mục đích chống lại đà giảm giá của VNĐ trong nửa cuối năm 2018.

Theo ước tính của BVSC, kể từ tháng 6-2019 đến nay, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỷ USD) và đã vượt mốc 2% GDP. Do đó, rủi ro Việt Nam bị Mỹ “để mắt” tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, sau báo cáo phát hành vào tháng 1-2020, báo cáo tiếp theo của BTC Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ được phát hành trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Trong khoảng thời gian này, các số liệu sẽ còn tiếp tục thay đổi và cũng là cơ hội để phía Việt Nam tăng cường đối thoại với Mỹ nhằm giảm bớt rủi ro Việt Nam bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ.

Liên quan đến báo cáo này, NHNN cũng đã phát đi thông tin cho biết, với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát, trong thời gian tới, BTC Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà BTC Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Trao đổi với ĐTTC, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH cũng chia sẻ, ngoài chính sách tiền tệ, có những lĩnh vực khác mà Việt Nam cần phải quan tâm xử lý để tránh bị liệt kê vào danh sách thao túng tiền tệ.

Chẳng hạn, Việt Nam cần phải tạo ra thương mại cân bằng hơn đối với Mỹ bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa thiết bị… để giảm dần mức độ xuất siêu sang thị trường Mỹ; tạo điều kiện để sự tham gia của doanh nghiệp Mỹ vào các lĩnh vực đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, giữa các bộ ngành khác nhau cần phối hợp chính sách tốt hơn để đảm bảo có thông tin chuyển sang cho Mỹ đầy đủ chính xác và cập nhật hơn, nhất quán với nhau hơn, để phía Mỹ cảm thấy thiện chí của chúng ta về các vấn đề mà Mỹ quan tâm.

Các tin khác