2014 - lãi suất khó giảm

Năm 2014, dòng vốn cho vay sẽ được bổ sung, nhưng vẫn cần tiến hành mạnh mẽ hơn việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trả lại tiền cho hệ thống NH để cho DN vay mới. Có như vậy tăng trưởng kinh tế mới được cải thiện tốt hơn.

Năm 2014, dòng vốn cho vay sẽ được bổ sung, nhưng vẫn cần tiến hành mạnh mẽ hơn việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trả lại tiền cho hệ thống NH để cho DN vay mới. Có như vậy tăng trưởng kinh tế mới được cải thiện tốt hơn.

Bổ sung vốn tín dụng

Thời điểm này, tiền của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho DN, hộ cá nhân, gia đình vay vào khoảng 3 triệu tỷ đồng, nhờ đó các NHTM đã cải thiện được tính thanh khoản. Song nhiều DN thắc mắc liệu năm 2014 tiền sẽ tiếp tục được bổ sung? Thông thường, để biết tiền có hay không chỉ cần tính năm tới tín dụng sẽ tăng thêm bao nhiêu, trong đó Chính phủ lấy bao nhiêu, phần còn lại cho DN vay.

Tính toán về lãi suất bình quân, NHNN đưa ra mức 9,5%/năm, nhưng theo tính toán của chúng tôi là 13%, thậm chí 13,5-14%/năm. Sự chênh lệch này do có quá nhiều mức lãi suất được áp dụng đối với người vay.

Từ đó DN phải cạnh tranh, tùy theo lòng tin, khả năng của mình để được tiếp cận nguồn vốn NH. Thí dụ, hiện nay tổng tín dụng cả nước đạt 3 triệu tỷ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ tăng thêm 10-12%, tức năm tới nền kinh tế sẽ có thêm 300.000-360.000 tỷ đồng để cho vay.

Như vậy một vấn đề tích cực là những năm trước phần Chính phủ vay là ẩn số. Nhưng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ muốn trong 3 năm tới sẽ được vay 240.000 tỷ đồng, còn Ủy ban Kinh tế Ngân sách đề xuất chỉ vay 140.000-150.000 đồng và cuối cùng phê duyệt 170.000 tỷ đồng.

Theo đó, trong năm 2014 tiền dành cho Chính phủ nằm trong khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng, tức Nhà nước sẽ phát hành trái phiếu chính phủ và NHTM sẽ mua trái phiếu với giá trị đó. Phần còn lại trong 300.000 tỷ đồng dành cho DN. Những năm trước Chính phủ lấy đến 40%, nhưng năm 2014 sẽ dưới 1/3. Như vậy vốn cho DN là có, nhưng bài toán đặt ra là NH có sẵn sàng cho vay và DN có vay được không.

Theo thông lệ, số tiền có thêm để bổ sung cho vay đến từ 2 nguồn: Nhà nước in thêm tiền và theo thời gian lượng tiền gửi của người dân sẽ tăng, nếu tăng trưởng khoảng 10% sẽ đạt khoảng 300.000 tỷ đồng. Hiện nay các TCTD đang có tiền nên khả năng nguồn tiền đưa ra cho vay sẽ cải thiện.

Dự đoán về vốn trong năm 2014, tôi cho rằng sẽ tiếp diễn tình trạng như năm 2013, tức chênh lệch lãi suất cho vay giữa các đối tượng tiếp tục tồn tại và sẽ ở mức lớn. Tùy từng khách hàng, NH có thể duy trì lãi suất cho vay trong khoảng 8-15%/năm. Đây là thực tế trong thời gian qua và sẽ tiếp diễn trong năm tới. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân trong năm 2014 sẽ không tăng hoặc giảm.

Thoái vốn lấy tiền thật

Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trong năm 2014 là tái cấu trúc NHTM. Theo đó, tiếp tục sáp nhập và cho phép mua bán đối với các NH yếu kém, đồng thời những NH có nợ xấu cao bán nợ này cho Công ty Quản lý và khai thác tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, thực chất việc bán nợ là chuyển nợ xấu cho VAMC trong 5 năm và trong thời gian này các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro từ lợi nhuận. Đó là sức ép đối với các NHTM.

Theo đó, các NH phải duy trì mức lợi nhuận tương đối cao trong các năm tới để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Đó là lý do tại sao với giá vốn lãi suất tiền gửi 6%/năm, bình quân chi phí đối với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn khoảng 4-5%, nhưng NH cho vay với lãi suất bình quân đến 12-13%/năm. Điều này cho thấy NH duy trì chênh lệch lãi suất đầu vào-ra cao nhằm để có tiền xóa nợ xấu.

Lãi suất trong năm 2014 sẽ không tăng nhưng khó giảm. Ảnh: LONG THANH

Lãi suất trong năm 2014 sẽ không tăng nhưng khó giảm. Ảnh: LONG THANH

Trong năm tới, để hỗ trợ nếu NH không đủ tiền, NHNN sẽ in tiền và bơm tiền ra. Tức sẽ mở ra đầu tư, tín dụng, song có thể gây rủi ro lạm phát. Trong 18 tháng qua, chính sách thắt chặt tín dụng thực hiện khá nhất quán, nên dù phải đối mặt với tăng trưởng thấp nhưng lạm phát đi xuống. Dù vậy, tôi cho rằng rủi ro này không lớn, bởi việc bơm tiền ra và kích cầu đầu tư không quá mức như năm 2009, dẫn đến bùng phát lạm phát, mà sẽ được ràng buộc với các giải pháp thận trọng.

Thực tế, trong bối cảnh hiện nay rất khó dự đoán về tình hình năm 2014. Nhà nước hiện đã hết tiền, việc thu ngân sách đang rất căng thẳng. Vì vậy có nới lỏng chính sách vẫn hạn chế, không nới rộng như năm 2009. Tuy nhiên, tình huống cũng có thể xấu đi, bởi đến nay vẫn chưa thấy có cú hích nào mạnh để cải thiện tình hình trong năm 2014, như chưa có chính sách lớn nào đó hay một lượng tiền thực khá lớn để có thể xoay chuyển tình hình, đẩy nợ xấu giảm mạnh hoặc hạn chế tối đa DNNN thua lỗ.

Trước tình hình này, tôi tiếp tục đặt vấn đề liệu Nhà nước có chấp nhận bán tài sản một cách mạnh mẽ để lấy tiền về hay không. Vừa rồi, theo đề án tái cơ cấu, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại 376 DNNN đã cổ phần hóa mà SCIC đang nắm vốn.

Từ nay đến năm 2015, SCIC sẽ bán cổ phần còn lại để lấy tiền thật về. Theo tôi, trong bối cảnh DNNN thua lỗ, Nhà nước không thể in tiền hoặc lấy tiền của dân để khắc phục. Nhà nước cần kiên quyết hơn trong việc DNNN nào thấy không cần giữ thì nên bán tài sản. Việc bán tài sản này cũng sẽ có lộ trình, thực hiện trong năm 2014-2015 để lấy tiền thật về xóa đi khoản thua lỗ trong DNNN, trả lại tiền cho hệ thống NH và cho vay mới cho DN.

Vấn đề này sẽ thành hiện thực nhưng thực hiện quyết liệt đến đâu và thành công đến đâu còn chờ. Nếu như thoái vốn, số tiền thu về được sẽ cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh trong năm 2014-2015. 

Các tin khác