Thêm điều kiện có tránh được vết xe đổ?

(ĐTTCO) - Bộ GTVT đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 49/2016 về trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. 
Thêm điều kiện có tránh được vết xe đổ?
Trong đó bổ sung nhiều tiêu chí như trạm phải nằm trong phạm vi dự án, cách nhau tối thiểu 70km và lấy ý kiến tham gia người dân... Dù những điều kiện này chỉ áp dụng cho dự án mới, những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án đã đưa vào khai thác vẫn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký, nhưng điều dư luận quan tâm lúc này là liệu Thông tư 49 (sửa đổi) có bảo đảm trong không để xảy ra những lùm xùm như trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hay trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới… trong tương lai hay không?
Trên thực tế, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính đã quy định  trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70km, trường hợp nhỏ hơn 70km Bộ GTVT phải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy vẫn xảy ra tình trạng trạm thu giá đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án hoặc cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án. Một số trạm không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km.
Như vậy, để không có thêm những câu chuyện như BOT Cai Lậy hay BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, điều kiện đặt trạm thu giá là cần thiết nhưng chưa đủ. Nhắc lại tình trạng trên hệ thống giao thông huyết mạch có một số đoạn được “trích ra” để làm BOT, để thấy rằng bức xúc của người dân đều xuất phát từ đây. Vì thế, Nghị định 15/2015 của Chính phủ quy định dự án nào cũng làm BOT được, nhưng đối với lĩnh vực giao thông phải quy định rõ tiêu chí lựa chọn dự án BOT.
Bên cạnh đó, chủ trương thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là đúng, nhưng có những dự án BOT sai lầm về chủ trương đầu tư cụ thể. Thí dụ, dự án này phải sử dụng hình thức đầu tư khác lại chọn BOT. Chính sự nhập nhằng, không rõ ràng này đã dẫn đến chuyện đường làm một nơi trạm thu phí xây một nẻo, rồi có cả các dự án ăn theo công trình BOT”.
Tiêu chí lựa chọn dự án BOT giao thông thực ra đã được UBTVQH chỉ ra trong Nghị quyết 437. Theo đó, UBTVQH yêu cầu các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến độc đạo hiện hữu.
Vấn đề nữa là để người dân đồng thuận với các trạm thu phí BOT, thiết nghĩ, chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương, các ban ngành cần chủ động cung cấp thông tin. Nhất là cần phải minh bạch các khoản thu và số lượng xe lưu thông qua trạm thu giá dịch vụ để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa chủ đầu tư và người dân. Đồng thời, xây dựng và thực hiện hợp lý các biện pháp miễn giảm, giúp người dân được đi lại thuận tiện.

Các tin khác