Tài xế Uber ôm nợ ngân hàng

(ĐTTCO) - Sau cuộc sáp nhập của Uber vào Grab, mưu sinh của hàng ngàn tài xế - những lao động số trong thời đại công nghiệp 4.0 - đang dần đi vào ngõ cụt.
Tài xế Uber ôm nợ ngân hàng
Cuối năm 2016, anh Nguyễn Văn Tường (ngụ phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM) bỏ công việc là nhân viên văn phòng để mua xe chạy Uber. Thời điểm này mô hình taxi công nghệ Uber và Grab đang phát triển nhanh ở Việt Nam. Số tiền mua chiếc Toyota Vios hơn 600 triệu đồng, anh vay ngân hàng 500 triệu đồng trả dần trong 4 năm. Mỗi tháng, anh trả gốc và lãi khoảng 13,7 triệu đồng. Với nhiều chính sách hỗ trợ tài xế của Uber trong giai đoạn đầu, thu nhập 27-30 triệu đồng/tháng (đã trừ chi phí), anh Tường dự trù có thể trả nợ, vẫn đủ chi tiêu sinh hoạt và đến năm 2020 anh có thể lãi thêm chiếc xe nữa. 
Song người tính không bằng trời tính. Năm 2017, khi lượng tài xế ngày một tăng, Uber bắt đầu cắt giảm nhiều chính sách hỗ trợ và duy trì mức chiết khấu 25%. Doanh thu mỗi ngày của anh Tường sau khi trừ chi phí chỉ còn khoảng 600.000-800.000 đồng, tức chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Muốn tăng thu nhập, anh buộc phải chạy liên tục 10-12 tiếng đồng hồ và gần như không có ngày nghỉ. Và khi món nợ vay ngân hàng vẫn còn đó, Uber đột ngột nói lời tạm biệt. “Chuyển sang Grab phải đăng ký từ đầu, tỷ lệ ăn chia thấp hơn mà bán xe thì lỗ, chạy tiếp hay không thật không dễ quyết định, trong khi lãi ngân hàng hàng tháng vẫn phải lo” - anh Tường tâm sự.
Cuối tháng 3 vừa qua, anh Trương Tiến Cảnh (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) nhận thông báo Uber sẽ ngừng hoạt động, nên rất lo lắng về mức chiết khấu ở Grab nếu phải chuyển sang hoạt động tại đơn vị này. Bởi khi mức chiết khấu ở Uber đang là 20%, Grab lên đến 28,36%. Với mức phí này, nhiều tài xế dù không muốn vẫn phải ngừng chạy taxi do lợi nhuận thấp, nhất là khi chạy quãng đường di chuyển ngắn. Hầu hết với cánh lái xe taxi công nghệ cho Uber đều phải vay tiền, thế chấp ngân hàng để mua xe chạy. Số tiền phải trả cho ngân hàng mỗi tháng lên tới cả chục triệu đồng, nếu chuyển sang Grab, họ sẽ phải chấp nhận mức thu nhập giảm. Không chỉ vậy, khi chuyển sang Grab, các lái xe sẽ phải cạnh tranh nhau nhiều hơn.
Kể từ ngày 8-4-2018, Uber chính thức ngừng các hoạt động kinh doanh và hoàn tất chuyển giao sang nền tảng công nghệ Grab. Tức sau ngày này ứng dụng Uber sẽ không còn hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tài xế Uber muốn chạy cho Grab phải lên trụ sở của công ty này để đăng ký như một thành viên mới và chịu tỷ lệ hoa hồng khá cao. Điều này có nghĩa, toàn bộ quyền lợi của họ được hưởng từ Uber bị xóa sạch. 

Các tin khác