Quyết định đi ngược thực tế

Những ngày qua, dư luận đã bày tỏ nhiều phản ứng về quyết định của Sở Nội vụ tỉnh Nam Định nói “không” với người tốt nghiệp đại học ngoài công lập và tại chức.

Những ngày qua, dư luận đã bày tỏ nhiều phản ứng về quyết định của Sở Nội vụ tỉnh Nam Định nói “không” với người tốt nghiệp đại học ngoài công lập và tại chức.

Nguồn: Internet

 Nguồn: Internet

Sau khi dư luận có nhiều ý kiến về việc này, vị giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định phát biểu trên một số báo rằng: “Qua quá trình đánh giá sơ bộ về việc tuyển dụng sinh viên, phải nói thẳng là sinh viên hệ dân lập có đầu vào rất thấp, không thể so với sinh viên các trường công lập”.

Hay như: “Học ngoài công lập chỉ nên làm công chức xã, vì công chức xã nhàn hơn, ăn cơm nhà, ngủ với bu, lãnh lương nhà nước”.

Quả thật chúng tôi rất bất ngờ về lời giải thích này. Thứ nhất, UBND tỉnh Nam Định với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lại ban hành một văn bản mang tính chất định kiến như vậy là trái với tinh thần của luật pháp. Luật Giáo dục công nhận bằng cấp của hệ thống đào tạo công lập và ngoài công lập tương đương nhau.

Bên cạnh đó, việc không công nhận bằng cấp của trường ngoài công lập còn trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã rất nỗ lực trong việc huy động nhiều nguồn lực đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà. Và qua thực tế, nhiều trường cao đẳng, đại học ngoài công lập đã khẳng định được chất lượng đào tạo, cung cấp cho xã hội nhiều sinh viên giỏi.

Có thể trong các trường công lập, tỷ lệ sinh viên có năng lực tốt nhiều hơn nhưng không thể nói sinh viên ngoài công lập kém cỏi. Trường tư thục cũng có những sinh viên rất giỏi. Vì thế lập luận cho rằng người theo học hệ chính quy chất lượng hơn hệ ngoài công lập là võ đoán.

Nói như vậy chẳng khác nào xúc phạm tới những viên chức cơ sở đang làm việc hiện nay. Bởi lẽ nhiều viên chức (có thể làm đến chức vụ cao) chưa chắc có bằng đại học công lập, thậm chí đại học tại chức vẫn làm việc hiệu quả.

Thứ hai, việc chọn loại bằng cấp trong tuyển dụng nhân sự đã cho thấy công tác tuyển dụng người lao động của UBND tỉnh Nam Định (và có thể là rất nhiều địa phương, ban ngành khác trong cả nước) lâu nay mang tính hình thức là chủ yếu, trong khi rất ít các yêu cầu để đánh giá năng lực chuyên môn của người được tuyển chọn.

Bởi nếu đánh giá một sinh viên ra trường không theo chất lượng, trình độ thực tế mà theo tên trường, loại hình trường thì làm sao chính xác. Đó là chưa kể việc này đã tạo ra sự phân biệt, đối xử không công bằng và vi phạm quyền được làm việc của công dân.

Trong thực tế, trường công lập hay trường ngoài công lập có nơi tốt, có nơi chưa tốt; sinh viên tốt nghiệp ở trường ngoài công lập cũng có người giỏi, người khá và chưa giỏi như trường công lập; nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài công lập rất thành công khi ra trường, nhiều người đã trở thành những giám đốc, lãnh đạo công ty, doanh nghiệp thành đạt.

Do vậy, không thể nhìn vào việc sinh viên đó tốt nghiệp trường công lập hay trường ngoài công lập để đánh giá, tuyển dụng. Quan trọng là thực chất năng lực của mỗi người.

Ở đây cần nhấn mạnh vần đề: Người đứng ra tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có thể tuyển dụng với những điều kiện riêng theo yêu cầu của mình. Nhưng một cơ quan Nhà nước như UBND tỉnh Nam Định mà ra hướng dẫn “người dự tuyển công chức phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn tại các trường công lập...” thì rõ ràng trái thẩm quyền, không đúng tinh thần trong công tác quản lý nhà nước. Quy định này là hệ quả của cách nghĩ xa rời thực tiễn.

Cần hiểu rằng cơ hội tham gia tìm kiếm việc làm là công bằng với mọi người và ai cũng đều có quyền tham gia tuyển dụng. Còn việc họ có đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng không lại là chuyện khác. Nhà nước, nhân dân bỏ tiền ra đào tạo người tài, người giỏi, nhưng chỉ vì một văn bản thiếu thực tế, không có sức thuyết phục của UBND tỉnh Nam Định vô tình đã chặn cơ hội của người tài, ngăn chặn cơ hội làm việc, phát triển của  sinh viên các trường dân lập, tư thục.

Và nếu địa phương nào cũng như Nam Định thì các trường dân lập có tồn tại được hay không? Hay lại phải xem lại chủ trương xã hội hóa giáo dục - đào tạo của Đảng và Nhà nước? Bởi lẽ, tất cả trường công lập và trường ngoài công lập đều do Thủ tướng quyết định thành lập và đều do Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý về mặt nhà nước và chuyên môn.

Và Luật Giáo dục cũng quy định bằng cấp, sản phẩm đào tạo của trường công lập hay ngoài công lập đều được đối xử như nhau. Sắp tới, các trường ngoài công lập đào tạo đến 20% sinh viên ra trường của cả nước nên càng không thể tồn tại quan điểm tuyển dụng như vậy.

Thiết nghĩ, bất cứ quyết định nào, dù là ở cấp Nhà nước hay địa phương, hoặc của các ban, ngành, suy cho cùng cũng do con người làm ra và thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo người dân.

Vậy nên, quan điểm của UBND tỉnh Nam Định về tuyển công chức cũng phải xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống và được đông đảo người dân đồng tình, nên cần được trân trọng và xem xét thấu đáo.

Các tin khác