Quá nhiều khu kinh tế ven biển

Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước đã hình thành 15 khu kinh tế (KKT) ven biển (đầu tiên là KKT mở Chu Lai) với tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 662.000ha.

Nhằm sớm có môi trường pháp lý tài chính, quản lý điều hành thống nhất, ngày 14-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2008/NĐ-CP, đề cập đầy đủ các ưu đãi về tài chính giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành để khai thác, phát huy nội lực các KKT nói chung và KKT ven biển nói riêng.

Nhận thức được tầm quan trọng của KKT ven biển, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định mục tiêu cơ bản là đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển”, trong đó kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, chiếm 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu và thu nhập bình quân đầu người, cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

Sau gần 4 năm Nghị định 29 đi vào cuộc sống, chúng ta đã gặt hái được một số kết quả bước đầu. Đó là, nhiều thành phần kinh tế được hình thành và phát triển, làm thay đổi cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa ngành nghề, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, tỷ lệ thất nghiệp và hộ nghèo trên các địa bàn ven biển giảm dần hàng năm.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư được quy định ngày càng cụ thể, đầy đủ và phù hợp hơn, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài vào KKT ven biển lập nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, tồn tại hạn chế đến tốc độ phát triển nhanh và bền vững của các KKT ven biển hiện nay.

Đó là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định 29 còn ở dạng chung, chưa có chính sách đặc thù cho các KKT theo điều kiện xã hội riêng; công tác quy hoạch xây dựng chưa thật hợp lý, tiến độ xây dựng kết cầu hạ tầng cho các KKT còn chậm, thậm chí yếu kém dẫn đến bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư; tỷ lệ lấp đầy diện tích bình quân mới đạt 30%.

Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đối ngoại còn thấp, sự hiểu biết về thị trường, thông lệ quốc tế còn hạn chế; số lượng dự án có hàm lượng công nghệ cao, quy mô lớn trong các KKT ven biển còn ít. Gần đây, mấy chục tỉnh sát biển đua nhau làm cảng biển, xây dựng gần cả trăm cảng biển.

Song, động lực “vươn ra biển lớn” của phong trào rầm rộ này chỉ nhằm chạy theo “mốt”, theo tư duy lợi ích cục bộ và theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên trên đất liền theo cách cũ, công nghệ - kỹ thuật lạc hậu.

Để khắc phục các mặt yếu kém, hạn chế này, theo các chuyên gia, trước hết phải xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành nghề của KKT phù hợp với đặc thù từng vùng, khu vực khác nhau. Rà soát lại các dự án trong KKT không có khả năng triển khai hoặc dự án có hiệu quả đầu tư thấp, từ đó tập trung nguồn vốn ưu tiên cho những dự án có nhiều lợi thế, tiềm năng hiện thực.

Thứ hai, cả nước đang có 15 KKT ven biển (chưa kể 3 KKT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) là quá nhiều so với năng lực tài chính hiện nay của đất nước. Do đó, cần sắp xếp cấp bậc, sáp nhập theo thứ tự ưu tiên đầu tư cho các KKT lớn, nhất là các KKT có cảng biển sâu để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế hoặc cho các KKT được đánh giá là động lực phát triển kinh tế vùng.

Với định hướng này, cả nước chỉ cần khoảng 10 KKT ven biển tiêu biểu, đại diện cho vùng (KKT mẹ), còn lại là những thành viên vệ tinh (KKT ven biển Nam Thanh - Bắc Nghệ là một thí dụ), chấm dứt tình trạng hễ có cửa sông, bờ biển là có khu công nghiệp, KKT biển, dẫn đến đầu tư dàn trải, mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Thứ ba, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại các KKT (điều kiện địa lý, tiềm lực, lợi thế, khả năng, thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường…) từ đó có chính sách phù hợp làm động lực thúc đẩy chính cho sự phát triển cả vùng, miền. Đã đến lúc cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển.

Phải chuyển nhanh từ phương thức “mò cua bắt ốc” sang phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền (biển và lợi thế địa chiến lược) + tự do hóa (thể chế vượt trước). Đây là công thức thành công của nhiều quốc gia đi trước trong nỗ lực phát triển kinh tế biển để trở thành cường quốc biển.

Có như vậy, chúng ta mới chấm dứt được tình trạng địa phương nào cũng hăm hở chạy theo thành tích, nở rộ KKT ven biển, nhưng lại thiếu sự hợp tác phát triển vì lợi ích quốc gia như hiện nay, khó thực hiện được mục tiêu chiến lược đến năm 2020 như đã nêu.

Các tin khác