Nghịch lý cá tra tăng giá

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang duy trì ở mức cao 28.000-28.500 đồng/kg, đây là mức đảm bảo cho người nuôi có lãi. Điều nghịch lý là giá cá càng tăng nhưng người nuôi, doanh nghiệp và công nhân đều không vui bởi sản lượng cá đang thiếu trầm trọng.

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang duy trì ở mức cao 28.000-28.500 đồng/kg, đây là mức đảm bảo cho người nuôi có lãi. Điều nghịch lý là giá cá càng tăng nhưng người nuôi, doanh nghiệp và công nhân đều không vui bởi sản lượng cá đang thiếu trầm trọng.

Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ là những địa phương có nghề nuôi và xuất khẩu cá tra mạnh nhất ĐBSCL. Những ngày này giới thương lái lùng sục mua cá nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến phục vụ thị trường Tết Dương lịch 2012.

Nhiều người nuôi cá ở Thới Bình 2, phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), thả nuôi cả trăm tấn cá, bình quân trọng lượng 0,7-0,8kg/con, chưa đến lứa thu hoạch nhưng thương lái vẫn vào tận nơi trả giá cao để thu mua. Ước tính sau khi trừ chi phí, các hộ này lãi khoảng 300-400 triệu đồng.

Vào thời điểm hiện tại, với mức giá bán nêu trên, người nuôi cá đảm bảo lãi 3.000-4.000 đồng/kg. Những hộ nuôi giỏi, ít hao hụt có thể lãi đến 5.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Thế nhưng có nghịch lý là dù được giá nhưng rất ít hộ còn cá để bán.

Đó là do hậu quả thua lỗ kéo dài thời gian qua, đã khiến hàng loạt hộ treo ao. Một vài hộ có điều kiện cũng chỉ mới gầy lại đàn cá được vài tháng. Tình cảnh này xảy ra ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), khi nhiều hộ nuôi cá cho biết thấy giá cá tăng ai cũng ham.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp đến tận ao nuôi đặt cọc trước để mua cá với giá 28.300 đồng/kg, kèm theo điều kiện thanh toán tiền 100% sau 10 ngày thu hoạch, so với trước đây 30-60 ngày.

Thế nhưng hầu như chẳng hộ nào có cá để bán. Có hộ nuôi cả ngàn tấn cá nhưng phải chờ hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch được. Và đến lúc đó chưa chắc giá sẽ còn ở mức cao như hiện nay.

Việc giá cá tăng trở lại là tín hiệu đáng mừng, kích thích người nuôi tiếp tục đầu tư phát triển nghề cá. Thực tế ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… người dân quay lại với nghề nuôi cá tăng hơn so với năm 2010, tuy nhiên nhiều hộ vẫn phập phồng lo lắng bởi lắm rủi ro khi giá thức ăn, con giống, vật tư… đều tăng cao.

Đặc biệt, vấn đề vốn đầu tư ban đầu vẫn luôn là bài toán đau đầu đối với các hộ nuôi cá ở ĐBSCL. Thí dụ, nuôi 1.000 tấn cá cần phải đầu tư không dưới 2,4-2,5 tỷ đồng. Số tiền này chắc chắn không hộ nuôi nào ở ĐBSCL có được, dù phải vay khắp nơi. Hiện cũng có một số hộ đang đầu tư nuôi được 2-3 tháng nhưng phải chờ sau tết mới thu hoạch được.

Lúc đó, nếu giá cá giữ ở mức hiện nay mới hy vọng thắng, còn không thì lỗ nặng. Trong khi đó doanh nghiệp chế biến cũng khốn đốn vì thiếu nguyên liệu hoạt động. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên tục đầu tư mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu để đảm bảo đầu vào, nay vẫn thiếu nguyên liệu trầm trọng, cố gắng lắm cũng chỉ hoạt động được 50-60% công suất.

Một số nhà máy chế biến do có nguồn nguyên liệu tự nuôi nên vẫn có thể duy trì được hoạt động nhưng công suất cũng bị giảm đáng kể, sản phẩm làm ra theo đó cũng giảm mạnh.

Một nghịch lý nữa là giá cá nguyên liệu tăng mạnh nhưng giá xuất khẩu vẫn giẫm chân tại chỗ. Hiện giá cá tra phi lê xuất sang thị trường châu Âu 3,1-3,3USD/kg, châu Á 3,1-3,2USD/kg, Hoa Kỳ 3,4-3,6USD/kg… Do chi phí đầu vào cao hơn đầu ra nên doanh nghiệp xuất khẩu càng nhiều càng lỗ.

Trước tình hình này nhiều doanh nghiệp cắt giảm công suất chế biến, giảm giờ làm… và nhiều công nhân phải chịu cảnh thất nghiệp. Những thực tế trên cho thấy việc phát triển ngành cá tra còn nhiều bất cập, cần sớm được giải quyết. Trong đó có các vấn đề chủ yếu là nhiều doanh nghiệp chưa gắn kết với người nuôi nên tình trạng nuôi cá tra dạng nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến.

Vì thế, để tránh lặp lại tình trạng trên, các doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu. Cụ thể hỗ trợ người nuôi cá về vốn, có chính sách thu mua với giá hợp lý, đảm bảo người nuôi có lãi.

Bên cạnh đó là việc đầu tư mở rộng vùng nuôi công nghiệp tập trung. Có vậy việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra mới luôn ổn định và bền vững.

Các tin khác