Nâng cao chất lượng FDI đôi điều suy nghĩ

Có thể nói dù đạt được những kết quả bước đầu, song các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ và vừa, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Khu vực FDI có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn và hiệu quả hơn các khu vực khác nhưng tình hình đầu tư còn kém sôi động.

Có thể nói dù đạt được những kết quả bước đầu, song các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ và vừa, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Khu vực FDI có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn và hiệu quả hơn các khu vực khác nhưng tình hình đầu tư còn kém sôi động.

Với lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hiện đại, hệ thống giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối với cảng biển, sân bay các nước trong khu vực và trên thế giới nước ta hoàn toàn có khả năng thu hút những dự án có quy mô lớn hơn.

Trước yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đưa nền kinh tế lên giai đoạn phát triển cao hơn, thu hút vốn FDI trong thời gian tới cần có sự định hướng, chọn lọc, không chỉ chú trọng tăng số lượng mà cần bảo đảm chất lượng theo đúng tinh thần định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Với đặc điểm của thời kỳ mới, trong xu thế hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hiện nay, cần chú trọng chính sách nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, chặt chẽ hơn trong việc quản lý, gắn với quá trình tái cấu trúc kinh tế.

Thu hút FDI cần được chuyển hướng từ các ngành, nghề thu hút nhiều lao động sang các dự án công nghệ điện tử, tin học, hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật... nhằm phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng và hiệu quả của nguồn vốn FDI, tránh tăng thu hút về mặt số lượng, bất kể vào lĩnh vực nào quy mô bao nhiêu, miễn là đầu tư.

Quá trình thu hút FDI phải gắn chặt với việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo tính bền vững về môi trường cũng như ổn định về an ninh, trật tự xã hội. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm quy định của Nhà nước về các lĩnh vực nêu trên.

Chú trọng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài như cập nhật, bổ sung nội dung thông tin mới về môi trường, chính sách đầu tư, danh mục dự án gọi vốn FDI hay tổ chức các cuộc xúc tiến tại các nước đang và có triển vọng trở thành nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, khắc phục càng sớm càng tốt tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư. Tức phải phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ trình độ nắm bắt công nghệ tiên tiến.

Một việc không thể thiếu là phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xóa bỏ những giấy phép và thủ tục không cần thiết trong đầu tư để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn, thời gian giải quyết công việc của từng cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến dự án đầu tư.

Đối với những dự án đã được cấp phép, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại, hỏi đáp các nhà đầu tư, tăng cường gặp gỡ với doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp hỗ trợ và giải quyết kịp thời. Có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có nhiều đóng góp cho xã hội. Chú trọng xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại để đáp ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các tin khác